Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoài Phương
Chủ nhật, 10/11/2024 - 13:44
(Thanh tra) - Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) đang tận dụng mạng xã hội để tìm manh mối hỗ trợ cho các cuộc điều tra.
Ảnh minh họa: wscubetech
Chủ tịch MACC Tan Sri Azam Baki cho biết, những người chống tham nhũng đã áp dụng một cách tiếp cận mới để thu thập thông tin liên quan đến tham nhũng hoặc thất thoát, bằng cách lắng nghe các khiếu nại, tố cáo của công chúng trên mạng xã hội.
Theo ông Azam, trước đây, Ủy ban ít có phản ứng với các vấn đề được nêu trên mạng xã hội, nhưng ngày nay, việc này đã trở thành một điều cần thiết.
"Chúng ta đang ở thời điểm mà mọi thông tin được đăng hoặc nêu trên mạng xã hội đều cần được phân tích về tính xác thực, để xác định xem có đúng hay không. Điều này đòi hỏi chuyên môn và khả năng phân tích nhằm đánh giá sự hữu ích của thông tin để tiến hành hành động", tờ Sinar Harian trích lời Chủ tịch MACC Tan Sri Azam Baki.
Thông tin mới đây của MACC cho biết, Malaysia đã thiệt hại tới 277 tỷ Ringgit (54,8 tỷ USD) do tham nhũng trong 5 năm qua.
Ông Azam cho biết, nhiều cuộc điều tra MACC đang tiến hành dựa trên các khiếu nại của công chúng được truyền đạt thông qua nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả trên nền tảng trực tuyến.
"Ví dụ, vấn đề liên quan đến những người sáng lập Công ty FashionValet... Khiếu nại từ công chúng đôi khi chúng tôi giải quyết, đôi khi thì không, tùy thuộc từng trường hợp", ông Azam cho biết sau khi chủ trì lễ ra mắt Văn phòng MACC tại Keningau, bang Sabah ngày 9/11.
Ông Azam giải thích, MACC không giống như sở cảnh sát, nơi yêu cầu phải có báo cáo chính thức để điều tra các vụ án.
"Chúng tôi tại Ủy ban không cần phải chờ báo cáo chính thức để điều tra bất kỳ vấn đề nào liên quan đến tiền công quỹ... Chúng tôi có thể lấy báo cáo từ nhiều nguồn khác nhau, thậm chí từ mạng xã hội, miễn là có một lượng sự thật nhất định và đã được xác minh, thì chúng tôi có đủ cơ sở để tiến hành điều tra", ông nói.
Lãnh đạo MACC cho hay, kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, Ủy ban đã xác định cần chủ động hơn trong các hành động và chuyển trọng tâm cũng như chiến lược để giảm thiểu nếu không muốn nói là loại bỏ hoàn toàn tình trạng thất thoát.
"Khi tôi nhấn mạnh việc loại bỏ tình trạng thất thoát, đó là vì điều này liên quan đến tiền của người dân. Khi chúng ta nói về khoản bị mất, chẳng hạn như 47 triệu RM, một số người có thể thấy số tiền này là nhỏ, nhưng đối với chúng tôi, đây là tiền của nhân dân... Cần một cơ quan như chúng tôi tiến hành một cuộc điều tra chi tiết để xác định xem vấn đề đó có đúng hay không. Cơ quan có thể xác nhận thông tin đó có đúng hay không là MACC", ông nói thêm.
Lãnh đạo MACC cho biết, Ủy ban đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, vì một số bên không hài lòng với hành động của họ.
"Chúng tôi thậm chí đã điều tra các thẩm phán và một số bên đã cáo buộc chúng tôi về nhiều điều khác nhau, nhưng chúng tôi chỉ đang thực hiện nhiệm vụ của mình... Tôi luôn thúc giục các sĩ quan phải chuyên nghiệp, công bằng và thực hiện nhiệm vụ mà không sợ hãi, vì trách nhiệm được người dân giao phó", ông nói.
MACC là ủy ban độc lập, cơ quan duy nhất xử lý các vụ việc liên quan tới tham nhũng và là đơn vị tiên phong trong các sáng kiến chống tham nhũng tại Malaysia.
Ra đời năm 1967, đến nay, qua gần 60 năm hình thành và phát triển, MACC đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đặc biệt là trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Những sáng kiến, cải tiến trong hoạt động và tổ chức đã giúp MACC nâng cao được kết quả, chất lượng các cuộc điều tra tham nhũng, tăng tỷ lệ khởi tố và kết án cũng như gia tăng được sự tín nhiệm, tin cậy của người dân dành cho MACC.
Theo đánh giá mới nhất của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), năm 2023, Malaysia được xếp hạng thứ 57 trong số 180 quốc gia về chỉ số nhận thức tham nhũng, cải thiện 4 bậc so với năm 2022.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh