Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Làm giầu bất chính từ sự hỗn loạn

Thứ bảy, 03/09/2016 - 06:31

(Thanh tra)- Từ năm 2003 đến nay, người ta nói đến Iraq như một đại công trường cần được tái thiết. Trên thực tế, việc tái thiết đất nước này chưa từng được khởi động một cách thực chất, bởi lẽ, Chính phủ Iraq qua các nhiệm kỳ, thay vì phải lao tâm khổ tứ để tìm cách giúp đất nước thoát khỏi khủng hoảng, lại chọn công việc dễ dàng hơn để làm đó là làm giầu bất chính trong mớ hỗn loạn đó.

Biểu tình phản đối tham nhũng ở Iraq. Ảnh: Internet

Trong một bài viết đăng tải trên trang New Republic, nhà báo điều tra của Mỹ Ken Silverstein đã phân tích về thực trạng tái thiết ở Iraq kể từ năm 2003 đến nay, cho thấy Chính phủ Iraq qua các nhiệm kỳ đều luôn kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ, tài trợ nhiều hơn nữa cho Iraq tái thiết, nhưng bản thân lại lợi dụng tình trạng hỗn loạn của đất nước để "găm" cho đầy túi riêng.

Trong bài viết này, Ken Silverstein thẳng thắn chỉ ra một thực tế rằng, chính hành vi tham nhũng lộng hành trong bộ máy chính quyền của Iraq là căn nguyên quan trọng không những làm hình thành nên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mà còn "vỗ béo" cho IS phát triển nhanh chóng và trở thành tổ chức khủng bố xuyên quốc gia đáng sợ nhất thế giới hiện nay.

Khốn khổ và sợ hãi

Nhà báo Ken Silverstein viết: "Có thể nói rằng chính cựu Tổng thống Mỹ George Bush là người đã tạo ra thảm họa cho Iraq, trong khi đương kim Tổng thống Mỹ hiện nay Barack Obama thì phải "gồng mình" lên làm hết sức có thể để giải quyết cái thảm họa mà ông kế thừa từ người tiền nhiệm".

Như mọi người vẫn nói, ông Barack Obama bước chân vào Nhà Trắng 8 năm qua là do ông George Bush đã không thể xử lý được tình trạng khủng hoảng ở Iraq trong suốt 5 năm trước đó. 13 năm chìm trong khủng hoảng là 13 năm dài đằng đẵng người dân Iraq phải sống trong nỗi sợ hãi khủng bố, bạo lực, sống trong sự nghèo khó, cùng cực. 13 năm đó là những cuộc biểu tình diễn ra triền miên với dùi cui và hơi cay của cảnh sát thay vì những cuộc đối thoại thẳng thắn giữa chính quyền và người dân.

Mà cũng thật lạ, một đất nước sở hữu tới 10% trữ lượng dầu mỏ của thế giới lại không thể nào phục hồi và phát triển nền kinh tế của mình. Nói tại IS cũng không hẳn bởi dù sao đây cũng chỉ là một tổ chức mới hình thành, còn nói tại Al Qaeda (đã tồn tại hàng mấy thập kỷ nay) cũng không hoàn toàn chính xác bởi Al Qaeda đã bị quân đội Mỹ làm cho suy yếu đi rất nhiều. Vậy thì tại sao Iraq không thể phát triển được?

Theo nhà báo Ken Silverstein, nguyên nhân thực sự khiến Iraq không thể phục hồi và phát triển là do giới lãnh đạo tham nhũng quá nhiều. Ken Silverstein đưa ra một ví dụ điển hình đó là trường hợp của Nouri al-Maliki - cựu Thủ tướng Iraq, thành viên Đảng Dawa dòng Chiite, đang giữ chức Phó Tổng thống Iraq. Ông Nouri al-Maliki bị người dân Iraq phản đối dữ dội nhất vì chính sách bè phái, độc đoán chuyên quyền chống lại phe thiểu số dòng Sunnite và hiện ông Nouri al-Maliki đang bị chỉ trích nhiều nhất vì các cáo buộc tham nhũng.

Hàng tỷ USD biến mất bí ẩn

Theo nhà báo Ken Silverstein, giới chức ở Iraq không hề nghĩ đến chuyện tái thiết thực sự mà chỉ toàn lợi dụng tình trạng rối ren đó để làm giầu cho bản thân. Lấy ví dụ điển hình, giới chức Iraq đã lập các hợp đồng giả mạo với Công ty Satarem của Thụy Sĩ để biển thủ ngân sách một số tiền cực "khủng" lên tới 6 tỷ USD. "Chính phủ như một chiếc bánh ngọt. Tất cả lãnh đạo ai cũng được một phần trong cái bánh ngon đó", Hamed Al Gaood - một doanh nhân, đã nói như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Ken Silverstein.

Một ví dụ khác cũng điển hình không kém cho hành vi tham nhũng, biển thủ của giới chức Iraq. Trong mấy năm gần đây, Bộ Quốc phòng Iraq đã chi tổng cộng 150 tỷ USD để mua vũ khí. Thế nhưng, theo kết quả kiểm toán của Quốc hội Iraq được công bố hồi tháng 3 đầu năm nay, chỉ có khoảng 20 tỷ USD là được dùng để mua vũ khí, còn lại 130 tỷ USD chẳng biết "bay đi đâu".

Cũng chính vì số tiền "bay đi đâu" thì nhiều nhưng chẳng mấy ai bị điều tra, xử lý nên cuộc chiến tranh giành quyền lực diễn ra rất gay gắt ở ở mọi cấp chính quyền, cấp càng cao thì càng gay gắt hơn. Và trong những cuộc tranh giành quyền lực này, cựu Thủ tướng, đương kim Phó Tổng thống Iraq Nouri al-Maliki luôn thể hiện là người rất có "tài năng". Không biết bằng cách nào, mặc dù bị chỉ trích, lên án gay gắt vì dính líu tới các vụ bê bối tham nhũng, ông Nouri al-Maliki vẫn giữ được cho mình một trong những chiếc ghế lãnh đạo quyền lực nhất.

Người ta vẫn nói, tất cả quy trình bổ nhiệm đều đúng luật pháp, thế nhưng, điều tra của nhà báo Ken Silverstein cho thấy đó là nhờ hối lộ. Thế nên, điều này lý giải vì sao hàng tỷ USD đã bị "bay đi đâu" mà không ai biết và không lý giải được.

Theo thông tin từ giới chức cấp cao của Lầu Năm Góc (Mỹ) mà nhà báo Ken Silverstein có được, Chính phủ Mỹ đã cấp khoảng 50 khẩu pháo 50ly đời mới nhất để giúp Iraq chống lại IS. Thế nhưng, tham nhũng lập tức xuất hiện. Giới chức Iraq đã bí mật bán toàn bộ số pháo này ra thị trường chợ "đen", sau đó lấy tiền mua lại những khẩu pháo "sắp được đưa vào viện bảo tàng". Số tiền chênh lệch, họ chia nhau đút túi riêng. Hậu quả, cuộc chiến chống IS chẳng những không làm cho IS suy yếu đi mà càng làm cho tổ chức này lớn mạnh hơn và tàn bạo hơn nhờ vào số vũ khí tối tân mua được ở chợ "đen".

Tố cáo bị đe dọa

Đã tham nhũng thì không thể nào có được tâm hồn trong sạch, nhất là khi những đối tượng tham nhũng chưa bị điều tra, xét xử thì càng trở nên hung hăng và sẵn sàng làm bất cứ điều gì nếu có ai dám tố cáo họ. Trong vòng quay của tham nhũng, của hối lộ và của đổi chác lợi ích cá nhân, nếu ai không chạy theo "guồng quay" đó thì lập tức bị đào thải, và nếu có ý định tố cáo sẽ lập tức bị "dằn mặt". Tất nhiên, ai cũng sợ điều này.

Tuy thế, ở Iraq không phải không có người dám tố cáo hành vi tham nhũng. Trường hợp 2 thẩm phán Mounir Haddad và Radhi Hamza al Radhi, hay trường hợp của Salam Adhoob - Chủ tịch Ủy ban Liêm chính Iraq, cả 3 người này đã dũng cảm đứng lên tố cáo tham nhũng là những ví dụ điển hình. Thế nhưng, những gì họ nhận được là những lời đe dọa nặc danh sẽ "tính sổ" nếu còn tiếp tục tố cáo các hành vi tham nhũng.

Ai cũng biết đứng đằng sau những lời đe dọa đó là người nào, thế nhưng chẳng ai, chẳng tổ chức nào đứng ra bảo vệ họ. Tham nhũng tiếp tục lộng hành, còn người dũng cảm tố cáo phải chấp nhận "lép vế" để bảo toàn tính mạng.

Có thể nói, Iraq sẽ chẳng thể nào hồi phục được khi mà giới lãnh đạo vẫn "soi thấy" những lợi ích mà họ có được khi đất nước hỗn loạn. Giáo sư Erik Gustafson - Giám đốc Trung tâm Giáo dục hòa bình tại Iraq đúc kết tình trạng này như sau: "Kể cả trong trường hợp IS bị tiêu diệt, thì sẽ lại có một tổ chức khác tương tự thay thế. Từ lâu rồi, tham nhũng và khốn cùng luôn song hành trong đời sống thường ngày của người dân Iraq, điều này đã tạo ra môi trường thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của khủng bố. Khi người ta muốn, người ta có thể làm được, nhưng rõ ràng giới chức Iraq chẳng muốn đánh đổi lợi ích của họ để chấm dứt sự khốn cùng dai dẳng của người dân".

Nhật Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm