Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 15/10/2012 - 09:47
(Thanh tra) - Hai tập đoàn viễn thông hàng đầu thế giới của Trung Quốc là Huawei và ZTE mới đây đã bị một ủy ban của Quốc hội Mỹ nhận diện là “đe dọa an ninh” đối với nước này sau một cuộc điều tra.
Cty Huawei bị coi là “đe dọa an ninh” Mỹ. Nguồn: AFP
Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cho rằng, 2 trong số những nhà sản xuất hàng đầu thế giới về các thiết bị hệ thống viễn thông này đã không thể làm giảm các mối quan ngại về mối quan hệ của họ đối với Chính phủ và quân đội Trung Quốc.
Theo các tác giả bản báo cáo, không có gì bảo đảm là chính quyền Trung Quốc sẽ không sử dụng 2 Cty này để làm gián điệp công nghệ, kinh tế và quân sự. Do vậy, Huawei và ZTE là mối đe dọa cho nền an ninh của Hoa Kỳ. Các tác giả bản báo cáo cho biết thêm là họ dựa trên nhiều thông tin đã giải mật cũng như còn bảo mật trong cuộc điều tra kéo dài hơn 1 năm đầy khó khăn vì 2 Cty viễn thông của Trung Quốc từ chối hợp tác. “Dựa trên những thông tin mật và những thông tin công khai mà chúng tôi có được thì không thể tin là Huawei và ZTE không hề bị nước ngoài tác động và do đó đặt ra một thách thức an ninh đối với Hoa Kỳ và hệ thống của chúng ta” - BBC dẫn lại báo cáo cho biết.
Trong phần kết luận, các nhà điều tra đề nghị bộ máy hành pháp Mỹ cấm Huawei và ZTE phát triển thêm tại Mỹ và không mua linh kiện điện tử của 2 tập đoàn này để sử dụng vào việc chế tạo trang thiết bị thuộc loại nhạy cảm của Mỹ.
Các doanh nghiệp Mỹ nên chọn đối tác khác - ông Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện khuyến cáo. Đồng quan điểm, Hạ nghị sĩ Frank Wolf cũng kêu gọi các cơ quan Chính phủ và các Cty Mỹ chuyển sang sử dụng thiết bị của các nhà cung cấp khác thay vì của Huawei và ZTE.
Báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, dày khoảng 60 trang, cũng cáo buộc 2 Cty Trung Quốc này nhiều lần tìm cách hối lộ các viên chức Mỹ trong các vụ gọi thầu cũng như đã vi phạm pháp luật về bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ và Luật Di trú Hoa Kỳ.
Các nhà bình luận cho rằng, báo cáo của Quốc hội Mỹ đã làm ảnh hưởng đến tham vọng trở thành một nhãn hiệu nổi tiếng hàng đầu thế giới như Apple và Samsung của Huawei. Hiện nay, Huawei có nguy cơ không thể ký được hợp đồng hay mua các Cty ở Hoa Kỳ và các hệ thống của Chính phủ Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm, không thể có các thiết bị, phụ tùng của Huawei và ZTE. Điều này cũng sẽ tác động lớn đến Huawei vì năm 2011, Cty này đã bán được 1,3 tỉ USD vào thị trường Mỹ.
Tất nhiên, cả 2 Cty này đều bác bỏ các cáo buộc trên. Các lãnh đạo cấp cao của 2 Cty đã xuất hiện trong một phiên điều trần do Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ thực hiện vào tháng trước. Họ nói rằng mình chỉ quan tâm tới việc làm ăn chứ không để ý tới các vấn đề chính trị.
Nhấn mạnh cáo buộc mới nhất đối với mình là có động cơ chính trị, Phó Chủ tịch Huawei William Pummer khẳng định với Hãng Thông tấn Pháp AFP: “Sự trung thực và tính độc lập trong tổ chức và hoạt động kinh doanh của Huawei được tin tưởng và tôn trọng ở gần 150 thị trường trên thế giới”. Theo Phó Chủ tịch Huawei William Pummer, cáo buộc đối với tập đoàn này “không đếm xỉa gì đến các thực tế kỹ thuật và thương mại, đe dọa công ăn việc làm và sự sáng tạo của người Mỹ một cách khinh suất” trong khi “không làm được gì để bảo vệ an ninh quốc gia và có thể tạo ra sự xao lãng chính trị nguy hiểm”.
Đại diện Huawei cũng cho biết, đã yêu cầu phía Hoa Kỳ điều tra toàn diện để tìm hiểu lĩnh vực truyền thông chia sẻ đường dây cung ứng linh kiện như thế nào để có thể tạo ra sơ hở đe dọa an ninh nhưng Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã không quan tâm đến đề nghị này cũng như dẹp qua một bên kết quả 10 tháng hợp tác chia sẻ thông tin với Huawei.
Huawei do một cựu quân nhân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là ông Nhiệm Chính Phi thành lập vào năm 1987.
Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị viễn thông thứ nhì thế giới, chỉ sau Ericson của Thụy Điển. Có mặt tại 140 nước, tạo trên 110.000 việc làm (hơn một nửa ở nước ngoài) vào cuối 2010, theo RFI, Huawei có doanh số 32 tỉ USD trong năm ngoái. Bên cạnh việc cung ứng thiết bị cho 45 - 50 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại hàng đầu thế giới, Huawei đang muốn phát triển các loại điện thoại thông minh để cạnh tranh với Apple và Samsung.
Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Ericson. Ảnh: Reuters
Đáng nói là, giờ đây, khi Huawei đã lớn mạnh và trở thành một trong những Cty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực viễn thông thì đồng thời cũng xuất hiện những lo ngại về mối quan hệ của Cty này với quân đội Trung Quốc. Đã và đang có không ít những quan ngại và cáo buộc rằng Huawei đang giúp Trung Quốc thu thập thông tin về các Cty và Chính phủ nước ngoài mặc dù họ luôn bác bỏ.
Năm ngoái, một ủy ban an ninh của Mỹ đã bác thỏa thuận cho phép Huawei mua lại Cty máy tính 3Leaf Systems.
Đầu năm nay, cùng với ZTE, Huawei bị cáo buộc đã cài mật mã để truyền các thông tin nhạy cảm về Trung Quốc trong các thiết bị của họ.
Phó Chủ tịch ZTE June Wang giới thiệu máy tính bảng với bộ vi xử lý Intel mới nhất và phần mềm Windows 8, tại San Francisco ngày 27/9/2012. Ảnh: Reuters
Ngày 10/10/2012, ZTE cho biết, Tập đoàn Mỹ Cisco Systems đã chấm dứt hợp tác với họ. Theo báo chí phương Tây, việc Cisco Systems chấm dứt hợp đồng hợp tác chiến lược với ZTE - chủ yếu là mua các bộ định tuyến và các thiết bị khác - do phát hiện đối tác Trung Quốc bán thiết bị cho Iran, vi phạm các quy định cấm vận của Hoa Kỳ.
Thể hiện sự lo ngại về các Cty Trung Quốc, hôm 28/9/2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã ký một sắc lệnh phong tỏa thỏa thuận mua lại 4 dự án điện gió gần một căn cứ hải quân Mỹ ở Oregon (Tây Bắc nước Mỹ) của Cty Trung Quốc Ralls Corp. Đây là lần đầu tiên một dự án đầu tư nước ngoài bị ngăn chặn ở Mỹ trong vòng 22 năm qua.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu với báo chí từ khu phát điện điện gió tại tiểu bang Iowa ngày 14/8/2012. Ảnh: Reuters
Theo Tổng thống Mỹ, các Cty có liên quan đến công dân Trung Quốc “có thể sử dụng những biện pháp có nguy cơ xâm phạm đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”. Quyết định của ông Barack Obama được đưa ra sau khi nhận được khuyến cáo của một ủy ban đặc biệt chuyên giám sát những trường hợp nước ngoài mua lại các Cty Mỹ.
Về phía mình, Ralls Corp sau đó đã kiện ông Barack Obama và cáo buộc rằng Chính phủ Mỹ đã lạm quyền. Trong đơn kiện gửi Tòa án Thủ đô Washington ngày 1/10/2012, Ralls Corp cho rằng “Tổng thống đã vượt quá thẩm quyền của mình qua việc cho ngưng hoặc cấm đoán giao dịch”, đồng thời yêu cầu nhận định “nguy cơ xâm phạm đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ” phải được xem là “tùy tiện và không đúng nguyên tắc”.
Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh: Quyết định của Tổng thống chỉ liên quan đến hành động mua bán cụ thể kể trên, chứ không ảnh hưởng đến các đầu tư trực tiếp khác từ Trung Quốc hay các nước khác. Lên tiếng bác bỏ đơn kiện, Người Phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ Natalie Wyeth tuyên bố: Chúng tôi cho rằng đơn kiện này là vô căn cứ.
Minh Anh - Trọng Thành (Tổng hợp)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Thu Huyền
Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình