Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dư địa và cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ còn rất nhiều

Hương Giang

Thứ sáu, 17/12/2021 - 22:39

(Thanh tra) - Từ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hy vọng sẽ tạo ra làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp, qua lại thị trường của nhau.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ tổ chức trưa ngày 17/12.

Hai nước có tiềm năng thúc đẩy hợp tác đầu tư nhiều lĩnh vực

Phát biểu tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm và dự kiến đạt 13 tỷ USD vào năm nay bất chấp tác động của đại dịch COVID -19. Đây là cơ sở để hai nước sớm đạt mục tiêu 15 tỷ USD trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu thực tế, Việt Nam hiện có trên 34.400 dự án đầu tư nước ngoài của 141 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký lên đến hơn 400 tỷ USD. Số vốn đăng ký của các nhà đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam chưa đến 1 tỷ USD và ngược lại các nhà đầu tư Việt Nam vào Ấn Độ cũng chưa nhiều.

“Điều này chưa tương xứng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống từ rất lâu đời và quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp, đáng tin cậy giữa hai nước”, ông nói.

Từ Diễn đàn này, Chủ tịch Quốc hội hy vọng sẽ tạo ra làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp, qua lại thị trường của nhau.

Các đại biểu, doanh nghiệp tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ. Ảnh: D. Tấn

Khi các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam tức là đầu tư vào thị trường 100 triệu dân với dân số trẻ, đang trong thời kỳ dân số vàng và tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng.

Các doanh nghiệp cũng có điều kiện tiếp cận với thị trường rộng lớn của ASEAN với quy mô kinh tế đứng thứ 6 thế giới và 650 triệu dân, chưa kể thị trường rộng lớn trên thế giới do Việt Nam đã ký 17 Hiệp định thương mại tự do..

“Việt Nam có thị trường rất rộng lớn với hệ thống pháp luật đã khá đồng bộ, hệ thống chính sách về ưu đãi đầu tư và bảo hộ đầu tư theo những tiêu chuẩn cao không chỉ đối với khu vực mà còn đối với quốc tế”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dư địa và cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước còn rất nhiều.

Hai nước có tiềm năng và lợi thế để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số, năng lượng, thăm dò khai thác và chế biến dầu khí trong vùng biển và thềm lục địa Việt Nam…

Việt Nam có điều kiện để trở thành một trung tâm vaccine

Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở một lĩnh vực rất quan trọng mà hai nước có thể hợp tác, đó là công nghiệp dược phẩm, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.

Theo ông, Việt Nam hoàn toàn có điều kiện để trở thành một trung tâm vaccine không chỉ cho người mà còn cho cả gia súc và trung tâm nghiên cứu sản xuất, chế biến, phân phối thuốc đặc trị cho các bệnh nhiệt đới không chỉ cho Việt Nam mà còn cho toàn khu vực Đông Nam Á và Đông Á.

Các doanh nghiệp Ấn Độ cũng có thể tham gia đầu tư về kết cấu hạ tầng, công nghiệp chế biến, chế tạo về lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ giáo dục và đào tạo.

“Mục tiêu cao cả nhất là mang lại sự thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc cho nhân dân mỗi nước. Tôi tin tưởng, doanh nghiệp hai nước sẽ thực hiện được mục tiêu đó. Sự thành công của các doanh nghiệp cũng chính là thành công của Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến lễ trao thoả thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ. Ảnh: D.Tấn

Tại diễn đàn, Tổng Giám đốc Ủy ban Chuyển đổi Quốc gia Amitabh Kant nhấn mạnh việc phát triển kỹ năng cho người lao động, đặc biệt trong lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao. Do đó, diễn đàn là cơ hội để hai bên chia sẻ, đẩy mạnh phối hợp.

Thượng Nghị sĩ, cựu Bộ trưởng Công thương Suresh Prabhu và Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Chandrajit Banerjee cho rằng, hai nước có thể tăng cường hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, thương mại, giáo dục đào tạo, công nghiệp chế biến, vận chuyển, logistics, năng lượng tái tạo. Từ đó, đề nghị hai nước cần có chiến lược toàn diện, kết nối doanh nghiệp…

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến lễ trao 12 thoả thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ trong các lĩnh vực y tế, hợp tác sản xuất thuốc và vaccine, cung cấp nguyên liệu dược phẩm, hợp tác về dầu khí, hợp tác về chuyển giao công nghệ và công nghệ thông tin, hợp tác về tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, hợp tác về giáo dục và du lịch với tổng mức đầu tư, trong đó có 3 dự án có tổng mức đầu tư cụ thể lên tới 800 triệu USD.

Cũng trong ngày 17/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có cuộc gặp với Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Venkaiah Naidu. 

Hai bên nhất trí tăng cường các hoạt động phù hợp để hỗ trợ cho doanh nghiệp hai nước trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá có thế mạnh của nhau.

Tiếp Tỷ phú Prashant Ruia, Chủ tịch Tập đoàn Essar, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam ủng hộ và tạo điều kiện cho các công ty của Ấn Độ tiếp tục hiện diện lâu dài và mở rộng đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Ông kêu gọi Essar mở rộng đầu tư tại Việt nam, cả thượng nguồn, hạ nguồn, cả dầu và khí.

Cam kết, thỏa thuận hợp tác ký ngày hôm nay mới chỉ là bước đầu tiên, Chủ tịch Tập đoàn Essar cho hay, sẽ thành lập nhóm hành động để nghiên cứu các khả năng đầu tư vào Việt Nam. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng tiếp Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dầu khí quốc gia Ấn Độ AK Gupta; Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar.  

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm