Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Điều tra tham nhũng trong thương vụ vải thiều

Hoài Phương

Thứ ba, 15/11/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Các nhà chức trách Madagascar cho biết, đã mở cuộc điều tra sau khi có văn bản từ một cơ quan giám sát chống tham nhũng quốc tế cáo buộc, tồn tại nhiều vi phạm trong thương vụ mua bán vải thiều.

Ảnh minh họa: Pixabay

Trước đó, ngày 10/11, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cho biết, đã tìm thấy bằng chứng về tham nhũng, gian lận thuế và các hành vi phạm tội khác của các cơ quan, tổ chức Pháp và Madagascar liên quan đến việc buôn bán vải thiều. TI kêu gọi các cơ quan chức năng ở cả hai nước tiến hành điều tra.

"Chúng tôi đang mở một cuộc điều tra và sau khi có kết quả, chúng tôi sẽ biết điều gì xảy ra tiếp theo", Solohery Razafindrakoto, công tố viên tại Tòa án Chống tham nhũng của Madagascar, nói với AFP.

Theo Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu (CBI), một cơ quan của châu Âu, Madagascar là nhà cung cấp vải thiều lớn nhất cho Liên minh châu Âu (EU).

Thống kê của CBI cho thấy, quốc đảo phía Nam Ấn Độ Dương đã xuất khẩu tới 25.000 tấn vải thiều vào năm 2019.

Tuy nhiên, TI khẳng định đã tìm thấy bằng chứng về nhiều vi phạm tiềm ẩn, mô tả các giao dịch là "không minh bạch".

Trong một tuyên bố, Giám đốc Điều hành TI Madagascar Ketakandriana Rafitoson cho biết: “Hầu hết lợi nhuận của thương vụ vải thiều béo bở giữa Madagascar và EU đều tập trung vào tay một số cá nhân quyền lực và có quan hệ chính trị”.

Điều này xảy ra, trong khi "hàng chục nghìn người sản xuất và thu mua vải thiều quy mô nhỏ không được chia sẻ công bằng", bà Rafitoson nói thêm.

TI cho biết, những hành vi bị nghi ngờ tham nhũng và thiếu cạnh tranh trên thị trường đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

"Nông dân Madagascar kiếm được ít tiền hơn trong khi khách hàng châu Âu phải trả nhiều tiền hơn cho những loại vải thiều đã giảm chất lượng mà không có sự cạnh tranh công bằng - tất cả chỉ vì lợi ích của một số tác nhân có ảnh hưởng nhất định. Do đó, xuất khẩu vải thiều sang EU đã giảm gần một nửa kể từ năm 2008, do các nhà nhập khẩu chuyển sang các nước khác có chất lượng tốt hơn, giá thấp hơn và nhiều cơ hội hơn. Điều này làm mất đi nguồn thu nhập chính của nền kinh tế Madagascar", theo TI.

TI đã gửi đơn đệ trình lên Tòa án Chống tham nhũng của Madagascar và các công tố viên của Pháp.

Văn bản của TI Madagascar nêu chi tiết một số cáo buộc về khả năng tham nhũng của các công ty và công dân Pháp cũng như của các tổ chức Madagascar xuất khẩu vải thiều sang EU.

Theo TI, trong hơn một thập kỷ qua, một số ít đơn vị được chọn đã duy trì quyền kiểm soát đối với việc xuất khẩu vải thiều quan trọng mà không có sự minh bạch hoặc trách nhiệm giải trình.

TI đã tiến hành nghiên cứu về giao dịch không rõ ràng này và tìm thấy bằng chứng về nhiều hành vi vi phạm tiềm ẩn, bao gồm hối lộ nước ngoài, các thỏa thuận bất hợp pháp, gian lận thuế, rửa tiền và che giấu các hành vi vi phạm như vậy.

“Groupement des Exportateurs de Litchis” (GEL) là một hiệp hội tư nhân được Chính phủ Madagascar cấp quyền quản lý tất cả chiến dịch xuất khẩu vải thiều kể từ năm 2011. Không có quy trình đấu thầu mở rõ ràng, GEL chỉ trao cho 2 công ty Pháp quyền xuất khẩu độc quyền sang EU trong suốt 10 năm, từ 2011 - 2021.

Theo nghiên cứu của TI, đến lượt mình, các công ty Pháp đã trả phí cho GEL, mặc dù tư cách thành viên của GEL chỉ bao gồm các công ty Madagascar. "Đây có thể là bằng chứng của hành vi hối lộ", TI cho biết.

Hơn nữa, Công ty TNHH Thương mại Litchi (LTC), đã được GEL thiết lập như một trung gian thương mại giữa GEL và các công ty Pháp - càng hạn chế tính minh bạch. Công chúng không biết đến chủ sở hữu có lợi và lợi nhuận của LTC, bất chấp vai trò quan trọng của nó. Công ty này cũng có trụ sở tại Cộng hòa Mauritius - đất nước được liệt kê trong danh sách các quốc gia có rủi ro cao về thuế của EU cho đến tháng 1 năm nay.

TI đề nghị một cuộc điều tra mở rộng đối với các công ty Pháp, các tổ chức của Madagascar và các cá nhân có liên quan.

Các hành động không rõ ràng của các doanh nghiệp, tổ chức này đã làm suy yếu đáng kể ngành xuất khẩu vải thiều ở Madagascar.

“Chúng tôi kêu gọi các cơ quan chức năng của Pháp và Madagascar điều tra và có những biện pháp thích hợp để mang lại sự công bằng, minh bạch cho ngành vải thiều”, bà Ketakandriana Rafitoson, Giám đốc điều hành của TI Madagascar nói.

Cũng theo TI, hối lộ nước ngoài không chỉ là một vấn đề ở Madagascar. Báo cáo Xuất khẩu tham nhũng năm 2022 của TI được công bố vào tháng trước cũng cho thấy, việc thực thi chống hối lộ của các quan chức nước ngoài đang ở mức thấp trong lịch sử, chỉ có 2 quốc gia tích cực điều tra và buộc tội các hành vi vi phạm tương ứng với tỷ lệ xuất khẩu của họ.

Bà Gillian Dell, người đứng đầu nhóm Công ước tại TI cho biết: “Các chính phủ có trách nhiệm trước công dân của mình và cộng đồng toàn cầu trong việc ngăn chặn các tập đoàn thực hiện những giao dịch bất hợp pháp và trả giá cho những ảnh hưởng không đáng có ở thị trường nước ngoài. Những lạm dụng như vậy đe dọa sự ổn định kinh tế, sinh kế của người dân và cộng đồng ở khắp mọi nơi. Chúng tôi kêu gọi Pháp và Madagascar làm hình mẫu cho thế giới để các công ty thấy rõ hậu quả mà tham nhũng gây ra".

Liên quan đến vụ việc, Bộ trưởng Tư pháp Madagascar Francois Rakotozafy cho biết, các công tố viên sẽ quyết định cách thức tiến hành điều tra, nói thêm rằng hợp tác tư pháp với Pháp là "không bắt buộc".

Cộng hòa Madagascar là một đảo quốc nằm trên Ấn Độ Dương, ngoài khơi bờ biển Đông Nam của đại lục châu Phi, có dân số 28 triệu người, 78% trong số họ sống trong cảnh nghèo đói, theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tân Tổng thống Botswana cam kết đấu tranh chống tham nhũng

Tân Tổng thống Botswana cam kết đấu tranh chống tham nhũng

(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.

Ngọc Anh

12:40 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm