Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Colombia hi vọng trưng cầu dân ý giúp loại trừ tham nhũng

Thứ hai, 27/08/2018 - 19:51

(Thanh tra)- Cuối tuần qua, Colombia tiếp tục thể hiện nỗ lực chống tham nhũng bằng một cuộc trưng cầu dân ý. Qua đây, người dân nước này hi vọng những quy định pháp luật chống tham nhũng mạnh mẽ hơn sẽ được ban hành.

Những người ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý hi vọng số cử tri đi bỏ phiếu sẽ vượt con số 15 triệu người. Ảnh: AFP

Theo BBC, khi đề cập đến tham nhũng, hầu hết người dân Colombia cho rằng đây là một vấn đề lớn của đất nước.

50.000 tỷ peso (16,8 tỷ USD) đã bị đánh cắp từ nguồn tài sản công vì tham nhũng, nguyên Tổng Thanh tra Colombia Edgardo Maya Villazón cho biết.

Colombia đã có những nỗ lực để giải quyết vấn nạn tham nhũng, bằng việc thông qua các luật, thực hiện nhiều hơn các cuộc điều tra và thậm chí, nỗ lực nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua các chiến dịch.

Ngày 26/8 vừa qua, Colombia tiếp tục thể hiện nỗ lực của mình bằng một giải pháp khác. Theo đó, người dân sẽ tới tham gia một cuộc trưng cầu dân ý. Qua đây, những người ủng hộ hi vọng các quy định pháp luật chống tham nhũng mạnh mẽ hơn được ban hành.

Nội dung cuộc trưng cầu dân ý

Câu hỏi được đặt ra trong cuộc trưng cầu dân ý là, cử tri đồng ý hay không đồng ý với 7 giải pháp dưới đây:

1. Giới hạn mức lương của các thành viên Quốc hội là 25 lần mức lương tối thiểu của quốc gia.

2. Các cá nhân bị kết án tham nhũng sẽ phải ngồi tù đủ thời gian theo bản án.

3. Các cơ quan công quyền công khai và minh bạch khi thuê nhà thầu.

4. Cho phép công dân có tiếng nói về vấn đề ngân sách.

5. Yêu cầu các thành viên Quốc hội công khai những hóa đơn mà họ đã đề xuất, cách họ được bỏ phiếu và ai đã "lobby" (vận động hành lang) họ.6. 

Để các quan chức được bầu công khai tài sản, thu nhập và các khoản thuế đã thanh toán.

7. Hạn chế việc quan chức được bầu 3 nhiệm kỳ trong cùng một cơ quan lập pháp.

Sau khi thực hiện cuộc trưng cầu dân ý, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Cuộc trưng cầu dân ý mang tính bắt buộc, nó chỉ hợp lệ nếu có ít nhất 1/3 số cử tri tham gia (khoảng hơn 12 triệu người).

Để mỗi giải pháp được thông qua, cần nhận được từ 50% số phiếu hợp lệ.

Sau đó, Quốc hội có thời gian 1 năm để biến các giải pháp trở thành luật và khiến chúng trở thành quy định bắt buộc về mặt pháp lý. Nếu điều này không xảy ra, Tổng thống có 15 ngày để thực hiện thông qua một Nghị định.

Các giải pháp có hạn chế được tham nhũng?

Tổ chức Minh bạch cho Colombia (tổ chức phi chính phủ) cho rằng, một số giải pháp được đề xuất sẽ là cách để tái cân bằng mối quan hệ mang tính đạo đức giữa các quan chức được bầu và người dân.

Nhưng Tổng Công tố Colombia, Nestor Humberto Martinez, lại cho rằng, các giải pháp là "hạn chế và không đủ".

Ông Nestor Humberto Martinez kêu gọi Tổng thống Iván Duque bổ nhiệm các thẩm phán đặc biệt chống tham nhũng để giải quyết việc gia tăng số vụ việc tham nhũng.

Trong khi đó, Thượng Nghị sỹ Claudia López - một trong những người ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý - cho rằng, sáng kiến này không có nghĩa là giải pháp duy nhất chống tham nhũng. "Chúng ta cần cải cách bầu cử chính trị và cải cách tư pháp. Nhưng việc trưng cầu dân ý là một sự khởi đầu", bà Claudia nói.

Những ai phản đối các giải pháp trong cuộc trưng cầu dân ý?

Tất cả các đảng phái chính trị đều cho biết, họ ủng hộ việc chống tham nhũng.

Tuy nhiên, 6/7 giải pháp được đưa ra giới thiệu trước Quốc hội lại trở nên thất bại khi đưa ra trưng cầu ở cấp thấp hơn.

Germán Manga, một chuyên gia của Semana (tạp chí hàng tuần về ý kiến và phân tích ở Colombia) cho rằng, các câu hỏi được đưa ra trưng cầu là không thích hợp, ngây ngô và mang tính xoa dịu.

Theo ông Manga, hầu hết các giải pháp được đề xuất này đã được pháp luật hiện hành quy định.

Joaquín Vélez Navarro, một nhà bình luận của El Tiempo, cho rằng, các đề xuất mang tính chủ nghĩa dân túy thuần túy.

Ông chỉ trích, cuộc trưng cầu dân ý bao gồm biện pháp cắt giảm lương của các quan chức Nhà nước - theo quan điểm của ông có thể sẽ phản tác dụng.

"Một quy định luật như vậy có thể tạo động cơ cho một số quan chức để "điều chỉnh lương của họ" thông qua tham nhũng. Hoặc họ có thể gạt bỏ những người trung thực ra khỏi hệ thống dịch vụ công", ông Navarro nói.

Tổng thống Iván Duque vừa nhậm chức ngày 7/8/2018. Chỉ sau bài phát biểu nhậm chức 2 ngày, ông đã đưa ra trước Quốc hội gói giải pháp gồm 4 điều nhằm chống tham nhũng. 3 trong số 4 giải pháp đó được đưa vào cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 26/8 vừa qua.
Cuộc trưng cầu dân ý lần này ở Colombia có thành công không vẫn còn là một câu hỏi. Tuy nhiên, nó đã gieo hi vọng mới trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Những người ủng hộ cuộc trưng cầu mong muốn số lượng cử tri tham gia sẽ vượt 15 triệu người. Nhưng con số này không dễ dàng đạt được.

Tháng 6 vừa qua, 19,5 triệu người (53% cử tri) đã tham gia vòng 2 bầu cử tổng thống, nhưng theo các nhà phân tích, xu hướng cuộc bầu cử sẽ thu hút nhiều cử tri hơn là cuộc trưng cầu dân ý.

Trong khi đó, các phương tiện truyền thông xã hội của Colombia tràn ngập các tin tức giả nhằm phá hoại cuộc bỏ phiếu trưng cầu.

Một lập luận được phát tán rộng rãi là việc đề xuất giảm mức lương của các thành viên Quốc hội sẽ dẫn đến cắt giảm lương của người dân thường Colombia và những người hưởng lương hưu.

Thượng Nghị sỹ Claudia López kêu gọi người dân "đừng tin vào những thông tin giả dối", đồng thời kêu gọi cử tri ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ: "Cuộc trưng cầu dân ý sẽ là không cần thiết nếu như họ (những kẻ tham nhũng) không đánh cắp 50.000 tỷ peso của chúng ta".

Hoài Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm