Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Các thẩm phán Tunisia lên kế hoạch đình công trong 1 tuần

Ngọc Anh

Thứ ba, 07/06/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Các thẩm phán của Tunisia lên kế hoạch đình công trong 1 tuần và tổ chức cuộc họp, ngay sau khi Tổng thống Kais Saied sa thải 57 thẩm phán.

Ông Kais Saied phản ứng sau khi có kết quả cuộc thăm dò ý kiến được công bố trong cuộc bỏ phiếu vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống ở Tunis, Tunisia ngày 13/10/2019. Ảnh: REUTERS / Zoubeir Souissi

Trước đó, hôm 1/6, Tổng thống Tunisia đã sa thải 57 thẩm phán, sau khi cáo buộc họ tham nhũng, thông đồng và bảo vệ những người bị buộc tội trong các vụ khủng bố.

Thẩm phán Hammadi Rahmani cho biết, một cuộc họp của các thẩm phán vào cuối tuần qua đã bỏ phiếu nhất trí đình công công việc ở tất cả các tòa án và bắt đầu tổ chức cuộc họp ngồi lại với nhau.

Anas Hamaidi, Chủ tịch Hiệp hội Thẩm phán Tunisia cho biết, cuộc đình công bắt đầu vào thứ 2 tại tất cả các cơ quan tư pháp và có thể được gia hạn.

Tổng thống Saied đã nắm quyền hành pháp theo quy định của Hiến pháp Tunisia vào ngày 25/7/2021 khi sa thải Thủ tướng, đình chỉ Quốc hội và bắt đầu cầm quyền bằng việc ban hành các sắc lệnh.

Trong số 57 thẩm phán bị sa thải tuần trước có Youssef Bouzaker, cựu lãnh đạo của Hội đồng Tư pháp cấp cao - cơ quan bị giải thể vào tháng 2 vừa qua.

Trước đó, ngày 6/2/2022, Tổng thống Saied tuyên bố sớm ban hành sắc lệnh giải thể Hội đồng Tư pháp cấp cao - một trong những thể chế của Tunisia có khả năng hoạt động một cách độc lập với nhà lãnh đạo này.

Ngày 12/2, ông Saied tiếp tục ban hành sắc lệnh thiết lập Hội đồng Tư pháp cấp cao lâm thời nhằm thay thế cho hội đồng mà ông tuyên bố giải thể.

Một cái tên nổi bật khác của cuộc thanh lọc là thẩm phán Bachir Akremi.

Một số nhà hoạt động chính trị nói rằng, thẩm phán có mối quan hệ thân thiết với Đảng Hồi giáo Ennahda và cáo buộc ông Akremi ngăn chặn các vụ kiện chống lại đảng này. Tuy nhiên, cả Đảng Ennahda và thẩm phán Akremi đều phủ nhận các cáo buộc.

Tổng thống Saied từng đề cập, nhiều thẩm phán ở cấp địa phương do Hội đồng Tư pháp cấp cao bổ nhiệm bị tình nghi tham nhũng và không giải quyết được một số vụ xét xử quan trọng, nhất là những vụ việc liên quan đến các vụ ám sát các chính trị gia.

Sau sự kiện 57 thẩm phán bị sa thải, trong một phiên họp với sự tham dự của hàng trăm thẩm phán, một số thẩm phán bị sa thải gọi đây là "cuộc thanh trừng" và cho biết, động thái này diễn ra sau khi họ từ chối sự can thiệp từ Bộ trưởng Tư pháp và trong một số trường hợp từ những người phụ cận Tổng thống.

"Cuộc tấn công này không chỉ nhằm vào các thẩm phán, mà còn nhằm vào luật pháp và các quyền tự do", thẩm phán Hamaidi nói.

Rahed Ghannouhci, Chủ tịch Quốc hội bị giải tán đã kêu gọi "các lực lượng quốc gia, đảng phái, xã hội dân sự, đứng về phía các thẩm phán trong việc chống lại chế độ độc tài để bảo tồn một nền tư pháp độc lập".

Tổng thống Saied đã cam kết tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 25/7 để bỏ phiếu về Hiến pháp mới và các cuộc thảo luận về việc này đã bắt đầu ở Carthage hôm 4/6.

Tuy nhiên, ông Saied đã loại trừ tất cả các đảng chính trị chính, bao gồm cả Đảng Ennahda Hồi giáo và Đảng Cư trú Tự do - 2 đảng lớn nhất trong nước.

Liên đoàn Lao động của Tunisia (UGTT) cũng đã từ chối tham gia các cuộc thảo luận.

Ngày 4/6, hàng chục người ủng hộ phe đối lập đã xuống đường ở Thủ đô Tunis để phản đối việc bắt đầu các cuộc thảo luận về Hiến pháp mới. Họ nói rằng các cuộc thảo luận ở Carthage là bất hợp pháp, coi đây là nỗ lực củng cố quyền lực của Tổng thống Kais Saied.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm