Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bão vẫn nổi trong Ericsson liên quan đến tham nhũng ở Iraq

Hoài Phương

Thứ sáu, 01/04/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Một cuộc điều tra nội bộ của Ericsson cho thấy khả năng tham nhũng trong hoạt động kinh doanh ở Iraq. Dù CEO Ericsson khẳng định đã tăng cường tính minh bạch, nhưng công ty lại quyết định không tiết lộ chi tiết của cuộc điều tra nội bộ này cho các cổ đông. Ngay cả Bộ Tư pháp Mỹ cũng không được biết về toàn bộ phát hiện của cuộc điều tra.

Ericsson đã bị giám sát chặt chẽ sau sự vào cuộc của ICIJ cho thấy, một cuộc điều tra nội bộ do Ericsson tiến hành đã xác định khả năng tham nhũng từ năm 2011 - 2019 trong các hoạt động của công ty tại Iraq. Ảnh: JONATHAN NACKSTRAND/ AFP

Các cổ đông của gã khổng lồ viễn thông Thụy Điển Ericsson đã giận dữ và công khai khiển trách Hội đồng Quản trị cũng như cá nhân Giám đốc Điều hành Borje Ekholm về việc xử lý vụ bê bối tham nhũng liên quan đến các khoản thanh toán có thể xảy ra cho nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq.

Việc xử lý cuộc điều tra nội bộ của Ekholm đối với hoạt động của Ericsson ở Iraq đã được giám sát chặt chẽ sau khi Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) cho biết, công ty đã vi phạm thỏa thuận hoãn truy tố năm 2019 vì không thông báo với chính quyền Mỹ về hành vi sai trái tiềm ẩn mà họ đã phát hiện ở đó.

Nguy cơ bị phạt nặng vì vi phạm nêu trên đã khiến giá trị thị trường của Ericsson giảm 1/4 và là lý do để các nhà đầu tư tức giận bởi không hề được cung cấp bất kỳ thông tin nào cho đến khi giới truyền thông đặt câu hỏi vào đầu năm nay.

Cuộc điều tra do Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tiến hành cho thấy, một cuộc điều tra nội bộ của Ericsson từ năm 2019 chưa bao giờ được công khai.

Cuộc điều tra nội bộ này đã xác định có khả năng tham nhũng từ năm 2011 - 2019 trong các hoạt động ở Iraq của công ty, bao gồm cả việc hối lộ IS để được vận chuyển đường bộ xuyên quốc gia.

Tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên của Ericsson diễn ra tuần này, các cổ đông đại diện cho hơn 10% đã bỏ phiếu chống lại việc miễn nhiệm trách nhiệm thành viên hội đồng quản trị cho năm trước. Điều đó có nghĩa, Ekholm và các thành viên hội đồng quản trị khác có thể phải chịu trách nhiệm cá nhân về hành động của mình.

Giám đốc Điều hành Ericsson Borje Ekholm. Ảnh: REUTERS

Ekholm, người tiếp quản vị trí Giám đốc Điều hành Ericsson vào năm 2017, được ghi nhận là đã xoay chuyển tình thế của công ty lúc đang gặp khó khăn.

Ekholm nói với các cổ đông: “Hành vi không thể chấp nhận được kéo dài trong vài năm đã bắt đầu từ rất lâu trước đây".

Hậu quả vẫn tiếp diễn dưới sự lãnh đạo của tôi... (nhưng) chúng tôi đã đạt được sự thay đổi mang tính lâu dài", ông nói và nhấn mạnh: "Chúng tôi không khoan nhượng với tham nhũng".

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ericsson Ronnie Leten cũng cho biết, không thể cung cấp thông tin chi tiết của cuộc điều tra nội bộ do cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ đang diễn ra. Ericsson một lần nữa khẳng định sự hợp tác của công ty với Bộ Tư pháp Mỹ.

"Tôi hoàn toàn hiểu mối quan tâm về những bất ổn gần đây ở Ericsson. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa cam kết xây dựng lại hoàn toàn niềm tin của các bạn đối với Ericsson", Ronnie Leten nói trong cuộc họp.

Trước đó, tập đoàn viễn thông Thụy Điển đã chấp nhận nộp phạt hơn 1 tỉ USD cho Bộ Tư pháp Mỹ để giải quyết những cáo buộc hối lộ tại ít nhất 5 quốc gia, kéo dài nhiều năm.

Trong khoảng từ 2000-2016, Ericssons đã chi tiền hối lộ, làm giả sổ sách, chứng từ để các lãnh đạo công ty làm ngơ trước hành động đó.

Ericsson bị cáo buộc đã hối lộ tại 5 nước.

Ericsson cũng thừa nhận trong những năm đó, đã chi hàng chục triệu USD thông qua các chuyên viên tham vấn và nhà cung cấp dịch vụ tại Trung Quốc, tạo lập nguồn quỹ khủng chi cho những món quà tặng xa xỉ, du lịch và giải trí xa hoa cho quan chức nước ngoài để giành được hợp đồng từ các công ty viễn thông thuộc sở hữu nhà nước.

Khoản tiền nộp phạt "khủng" nêu trên là một phần của "thỏa thuận hoãn truy tố" (DPA).

Tuy nhiên, chính Bộ Tư pháp Mỹ đã lên tiếng chỉ trích Ericsson vì đã không tiết lộ thêm thông tin liên quan đến cuộc điều tra năm 2019 sau khi đạt được DPA.

Những lý do này đã khiến một số nhà đầu tư đưa ra ý định bỏ phiếu chống lại hội đồng quản trị trong cuộc họp đại hội đồng thường niên.

Theo Cevian Capital, công ty đầu tư sở hữu 4,5% cổ phần của Ericsson: "Ericsson đã không đưa ra được sự minh bạch cần thiết về các vấn đề tại Iraq. Do đó, chúng tôi thiếu thông tin cần thiết để đưa ra đánh giá đầy đủ về những gì đã trở nên xấu đi, lý do tại sao và ai phải chịu trách nhiệm".

Cevian Capital cho biết, "không có lựa chọn nào khác ngoài việc quy trách nhiệm cho toàn bộ hội đồng quản trị".

Tuy nhiên, nhà đầu tư này cũng nhấn mạnh rằng, câu hỏi về trách nhiệm giải trình được hướng vào các sự kiện trong quá khứ và họ có niềm tin vào hội đồng quản trị của Ericsson trong tương lai.

Trên thực tế, giá cổ phiếu của Ericsson đã giảm 26% kể từ cuối tháng 2 vừa qua.

Sau khi mất đà vào giữa những năm 2010 trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ Huawei của Trung Quốc - cái tên đang dẫn đầu thế giới về thiết bị mạng - Ericsson đã đưa ra một kế hoạch lớn trong năm 2017 để phục hồi.

Cùng với Nokia của Phần Lan, Ericsson chỉ đứng sau Huawei về việc xây dựng mạng 5G trên toàn thế giới.

Phát biểu ý kiến sau cuộc họp đại hội đồng cổ đông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ronnie Leten cho biết, Giám đốc Điều hành Ekholm và ban lãnh đạo công ty có sự hỗ trợ đầy đủ của hội đồng quản trị.

"Chúng tôi đã đạt được tiến bộ tốt, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm", ông nói và lưu ý công việc của mình về vấn đề đạo đức và tuân thủ trong 5 năm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tân Tổng thống Botswana cam kết đấu tranh chống tham nhũng

Tân Tổng thống Botswana cam kết đấu tranh chống tham nhũng

(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.

Ngọc Anh

12:40 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm