Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Argentina sẽ thôi phá rừng "thần tốc" trong bối cảnh điều tra tham nhũng

Hoài Phương

Thứ ba, 20/08/2024 - 11:08

(Thanh tra) - Những vạt rừng ở tỉnh Chaco bị phá "thần tốc" để giải phóng mặt bằng, nhường chỗ cho đất nông nghiệp. Cuộc điều tra về âm mưu tham nhũng công - tư liên quan đến các doanh nhân và quan chức địa phương đang được tiến hành.

Ảnh nhìn từ trên cao cho thấy một bên là khu vực có rừng và một bên rừng đã bị tàn phá, ở Formosa, Argentina ngày 18/4/2023. Ảnh: REUTERS/Agustin Marcarian

Theo Hãng tin Reuters, một thẩm phán liên bang Argentina hôm 19/8 đã ra quyết định đình chỉ hoạt động phá rừng trong 3 tháng ở Chaco (tỉnh nằm ở phía Bắc Argentina). Đây là một bước hiếm hoi để bảo vệ một trong những hệ sinh thái rừng trên thế giới đang bị phá hủy nhanh chóng nhất để nhường chỗ cho đất nông nghiệp .

Động thái bất thường dù không phải là chưa từng có, được công bố chính thức trên trang web của Văn phòng Công tố, diễn ra trong bối cảnh cuộc điều tra về một âm mưu tham nhũng công - tư liên quan đến cả doanh nhân và quan chức địa phương, những người được cho là đã thu lợi từ việc giải phóng mặt bằng bất hợp pháp.

Tỉnh Chaco là khu vực có rừng lớn nhất ở Nam Mỹ sau Amazon, trải dài giữa Argentina, Paraguay, Bolivia và Brazil. Đáng chú ý, Chaco có một số tỷ lệ phá rừng tồi tệ nhất trên thế giới.

Hệ sinh thái rừng nơi đây là nơi sinh sống của nhiều loại động vật hoang dã, bao gồm báo đốm, cáo, chó sói, mèo gấm, heo vòi,  tatu (armadillo), chuột lang nước (capybara) và báo sư tử, cùng nhiều loài khác.

Khu vực Gran Chaco đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng khi các trang trại quy mô lớn sản xuất đậu nành và gia súc mở rộng để đáp ứng nhu cầu lương thực.

Cơ quan công tố đang điều tra các quan chức địa phương cả trước đây và hiện tại, cùng các công ty lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực ngũ cốc, vì kiếm lợi nhuận bất hợp pháp, lạm quyền và không hoàn thành chức trách nhiệm vụ của công chức.

Ông Enrique Viale, Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Môi trường Argentina (AAdeAA), người đưa ra khiếu nại ban đầu, cho biết: “Thẩm phán đã ra quyết định đình chỉ hoàn toàn việc phá rừng ở tỉnh Chaco”.

"Điều này sẽ đảm bảo không gây ra thiệt hại về môi trường trong khi cuộc điều tra được thực hiện. Chúng tôi sẽ tiếp tục cho đến khi triệt phá được tổ chức mafia phát quang đất và chấm dứt nạn phá rừng", theo ông Enrique Viale.

Tỉnh Chaco có diện tích khoảng 100.000 km2, với các ngành nghề kinh tế chính là lâm nghiệp, đậu nành, gia súc, sản xuất bông, gỗ và tannin.

Chính quyền Chaco đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Một con ngựa đang bơi tại Banado La Estrella, ở Formosa, Argentina ngày 20/4/2023. Ảnh: REUTERS/Agustin Marcarian

Theo dữ liệu từ tổ chức phi chính phủ Fundación Vida Silvestre (một hiệp hội dân sự được thành lập vào ngày 29/6/1977, hoạt động để giải quyết các vấn đề môi trường chính ở Argentina), mặc dù Argentina có Luật Bảo vệ rừng nhưng khu vực Gran Chaco vẫn mất 30% diện tích rừng, với 76% nạn phá rừng được thực hiện bất hợp pháp từ năm 2007 đến năm 2021.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã khiến năm nay, Argentina phải trải qua một mùa hè rực lửa và một mùa đông khắc nghiệt.

Mùa hè ở Nam Bán cầu bắt đầu từ tháng 12 tới tháng 3. Tác động của hiện tượng La Nina là nguyên nhân gây sóng nhiệt Argentina. Đầu năm 2024, Argentina đã nâng mức báo động đỏ tại nhiều địa phương do nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lên tới 40 độ C.

Trong khi mùa Đđông tại Argentina bắt đầu từ trung tuần tháng 6. Tháng trước, Cơ quan Khí tượng Argentina nâng cảnh báo đỏ tại nhiều địa phương do bão tuyết và nhiệt độ giảm sâu tới -15 độ C, khiến sông hồ đóng băng, nhiều tuyến đường cao tốc huyết mạch đã phải ngừng hoạt động.

Đàn gia súc với hàng triệu con cừu tại miền Nam Argentina đứng trước nguy cơ bị chết rét và đói, vì lạnh cũng như không có thức ăn.

Đây là mùa Đông lạnh nhất ở quốc gia Nam Mỹ này kể từ năm 2007.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm