Theo dõi Báo Thanh tra trên
Giang Sơn
Thứ ba, 21/01/2025 - 07:33
(Thanh tra) - Tết đến, nhu cầu đi lại, tiêu dùng, làm đẹp, dọn dẹp nhà cửa… tăng cao. Đây là cơ hội để lao động một số ngành nghề có được mức thu nhập “khủng” trong dịp này. Những năm trước, thời gian nghỉ tết đồng thời cũng là thời điểm người lao động kiếm việc làm thêm… nhưng bối cảnh kinh tế khó khăn, có nhiều việc đã không còn đem lại thu nhập thêm cho người lao động.
Kinh tế khó khăn, chủ lao động cắt giảm thuê người
Ví dụ các năm trước, ngày thường, tiền công cho 1 giờ phụ bán hàng, chạy bàn ở quán cà phê tại TPHCM hay Hà Nội chỉ khoảng 20.000 đồng, nhưng dịp Tết có thể lên đến 50.000 đồng hoặc thậm chí nhiều hơn.
Các công việc mang tính chất dịch vụ từ giản đơn như dọn dẹp nhà cửa, giao nhận vận chuyển hàng hóa cho tới những công việc đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao hơn như đón tiếp khách, chăm sóc thú cưng khi gia chủ vắng nhà… cũng có thể nhận thức thù lao cao gấp 2-3 lần so với ngày thường mà khách hàng phải “tìm đỏ mắt” mới có được.
Nhưng năm nay thì mọi chuyện không còn dễ dàng như vậy.
Qua tìm hiểu một số gia đình khá giả ở quanh các khu phố Nguyên Hồng, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ thuộc TP Hà Nội… có thể thấy nhu cầu thuê nhân công để chăm sóc cảnh quan, cây cảnh, dọn dẹp nhà cửa… thực hiện các dịch vụ trong dịp nghỉ tết không còn nhu cầu cao như trước, và càng hiếm gia đình sẵn sàng “chi đẹp” để thuê dịch vụ từ các “nhân sự nghiệp dư” như sinh viên hay công nhân lao động làm thêm dịp tết để kiếm thêm thu nhập.
Một trong những nguyên nhân hàng đầu là tình hình làm kinh tế trong năm qua không thuận lợi, khiến cho thu nhập của nhiều gia đình giảm. Với những gia đình khá giả ở đây, mặc dù thu nhập vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung nhưng có lẽ không đủ để họ có thể chi tiêu một cách “phung phí”.
Trong khi đó, tình hình kinh doanh của các dịch vụ ăn uống, giải trí cũng gặp không ít khó khăn. Qua tìm hiểu một số cửa hàng cà phê ở Hà Nội như phố Phạm Ngọc Thạch, Nguyên Hồng… hay các cửa hàng quần áo ở Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc… vốn là các điểm kinh doanh “ăn nên làm ra” trong mùa tết, nhưng năm nay dân tình thắt chặt chi tiêu nên người đi xem đông hơn người mua, theo tìm hiểu, các cửa hàng thuê thêm người bán hàng thời vụ cũng ít hơn hẳn mọi năm.
Vì thế mà số nhân sự vốn đã có kinh nghiệm, kỹ năng giao tiếp, bán hàng phải “chen chân” để tìm chỗ làm mới, khiến cho số “nhân sự nghiệp dư” là học sinh, sinh viên tìm việc làm thêm mùa tết gần như không còn cơ hội.
Đó là lý do khiến cho một số trung tâm giới thiệu việc làm - trước đây vốn rất mạnh về nguồn cung nhân sự cũng như số lượng đầu việc trong mùa tết, năm nay khá “im hơi lặng tiếng” khi số đầu việc cần tuyển dụng lao động không phong phú như mọi năm.
Trước tình hình này, một số chuyên gia tuyển dụng cảnh báo trong thực tế sẽ không có chuyện “việc nhẹ lương cao”, và người lao động có nhu cầu tìm việc làm thêm mùa tết cần hết sức cảnh giác với những cạm bẫy lừa đảo có thể giăng và sập xuống bất cứ lúc nào.
Công việc “hái ra tiền” dịp tết: Thợ phụ cũng kiếm cả chục triệu đồng
Trong khi một số công việc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thu nhập thêm dịp Tết, nhiều nghề nghiệp vẫn mang lại cơ hội "hái ra tiền" đáng kể. Dưới đây là một số ví dụ điển hình:
Cắm hoa Lan kiếm vài chục triệu dịp Tết
Vài năm gần đây, nhu cầu chơi hoa lan dịp Tết ngày càng tăng, biến nghề cắm hoa lan trở nên "hot". Công việc này đòi hỏi sự khéo léo và kỹ thuật cao, do đó tiền công cũng tương xứng. Một thợ lành nghề có thể kiếm vài triệu đồng mỗi ngày.
Gia đình anh Nguyễn Quốc Bảo, kinh doanh hoa tươi ở Khương Thượng, Hà Nội, đã chuyển sang làm thợ cắm lan mỗi dịp Tết với đội ngũ hơn 10 người. Với giá cắm 15.000 đồng/cành lan, đội của anh có thể thu nhập 10 - 20 triệu đồng/ngày. Mỗi tháng, một thợ cắm lan lành nghề có thể kiếm vài chục triệu đồng, trong khi thợ phụ nếu chăm chỉ cũng kiếm được 15-20 triệu đồng/tháng.
Anh Mai Đình Tú, thợ làm lan hồ điệp, chia sẻ rằng tiền công cắm lan dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/cây, tùy nơi. Trung bình mỗi ngày, anh cắm được khoảng 80 cây lan, có ngày đỉnh điểm lên tới 200 cây, thu nhập gần 3 triệu đồng/ngày.
"Hốt bạc" nhờ vận chuyển hoa, cây cảnh
Mùa này, các vườn đào Nhật Tân và vườn quất Tứ Liên ở Hà Nội luôn đông đúc. Dịch vụ chở hoa thuê nở rộ khi khách hàng có nhu cầu vận chuyển cây cảnh về tận nhà. Anh Trần Công, làm nghề vận chuyển đào, cho biết giá chở một cây cảnh nhỏ bằng xe máy trong nội thành khoảng 200.000 đồng, có thể cao hơn nếu quãng đường xa. Vào những ngày cao điểm, anh có thể kiếm 1-2 triệu đồng/ngày, thu nhập tháng lên tới 20 - 30 triệu đồng.
Nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao cũng giúp thu nhập của tài xế xe ôm công nghệ dịp cận Tết tăng gấp đôi. Trung bình, thu nhập của tài xế xe ôm rơi vào khoảng 300.000 - 500.000 đồng/ngày, cận Tết có thể đạt trên 700.000 đồng mỗi ngày.
Dễ dàng làm thêm các dịch vụ làm đẹp
Nhu cầu làm đẹp tăng cao trong dịp Tết khiến các salon tóc, spa, tiệm nail vô cùng bận rộn. Nhiều nơi kín lịch đặt trước cả tháng, nhân viên phải làm thêm giờ. Anh Lý Quốc Cường, chủ salon tóc Thanh Hằng tại Khương Thượng, Hà Nội, cho biết từ đầu tháng 1, nhân viên đã phải làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya.
Lượng khách hàng tìm tới các dịch vụ làm tóc có thể tăng gấp 3-4 lần ngày thường, với chi phí 1-5 triệu đồng/lần tùy nhu cầu. Doanh thu tháng Tết của một salon tóc có thể lên đến vài trăm triệu đồng, tăng gấp đôi, gấp ba so với các tháng bình thường.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng nếu chăm chỉ và chịu khó làm thêm, người lao động vẫn có thể kiếm thêm nhiều việc để tăng thu nhập, đủ chi tiêu cho những ngày Tết.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Trong ngũ hành, kim loại vàng thuộc hành Kim có màu thuộc hành Thổ tạo nên sự tương sinh, nuôi dưỡng. Giữa vô vàn lựa chọn quà Tết, vàng vẫn luôn giữ vững vị thế là món quà đậm giá trị văn hóa, biểu tượng của tài lộc, sung túc và an khang.
PV
(Thanh tra) - Tết đến, nhu cầu đi lại, tiêu dùng, làm đẹp, dọn dẹp nhà cửa… tăng cao. Đây là cơ hội để lao động một số ngành nghề có được mức thu nhập “khủng” trong dịp này. Những năm trước, thời gian nghỉ tết đồng thời cũng là thời điểm người lao động kiếm việc làm thêm… nhưng bối cảnh kinh tế khó khăn, có nhiều việc đã không còn đem lại thu nhập thêm cho người lao động.
Giang Sơn
Giang Sơn
Hương Vân
TC
Giang Sơn
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Nam Dũng
Nhật Minh
Bùi Bình
Nam Dũng
Thành Nam
Nhật Minh
Thanh Nhung
Hải Hiếu
Hương Giang
Thùy Dương