Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phú Thọ: Các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 170 vụ vi phạm sản xuất, buôn bán hàng giả

Nam Dũng

Thứ sáu, 16/05/2025 - 16:40

(Thanh tra) - Trong quý I/2025, các lực lượng chức năng tại tỉnh Phú Thọ đã phát hiện và xử lý 170 vụ vi phạm, trong đó có 18 vụ buôn bán vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu; 3 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ với số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước trên 10,8 tỉ đồng.

Ngày 24/4/2025, Công an tỉnh Phú Thọ đã đột kích, khám xét khẩn cấp xưởng sản xuất và kho hàng của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam (địa chỉ tại khu Đồng Đồi, xã Thụy Vân, TP.Việt Trì) đã phát hiện, tạm giữ hơn 71 nghìn lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả. Ảnh: ND

Cụ thể: Trong quý I/2025, các lực lượng chức năng tại tỉnh Phú Thọ đã phát hiện và xử lý 170 vụ vi phạm, trong đó có 18 vụ buôn bán vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu; 3 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ; 149 vụ vi phạm gian lận thương mại, gian lận thuế... Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước trên 10,8 tỉ đồng, bằng 213% so cùng kỳ năm 2024.

Theo lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thường sử dụng một số phương thức, thủ đoạn, hình thức vi phạm như: Làm giả, làm nhái bao bì, logo, nhãn mác, xâm phạm sở hữu trí tuệ; buôn bán qua mạng xã hội, thương mại điện tử không hóa đơn, không chứng từ; trà trộn hàng giả vào hàng thật; sản xuất hàng giả ngay tại địa phương...

Bước đầu, Cơ quan điều tra xác định, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam đã tiêu thụ ra thị trường 144 tấn dầu ăn; 118 tấn bột canh, 363 tấn hạt nêm giả. Ngoài ra, cơ quan Công an còn làm rõ hơn 1.220 tấn mì chính có dấu hiệu vi phạm về chỉ dẫn tem mác. Ảnh: ND

Ông Đặng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ cho biết, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với các lực lượng chức năng là tăng cường hơn nữa công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin cho người tiêu dùng nhận biết về hàng giả, hàng kém chất lượng một cách thường xuyên, liên tục.

Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý thị trường, những người hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng; tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khuyến khích người tiêu dùng “tẩy chay” hàng hóa của doanh nghiệp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng...

Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần chủ động tìm hiểu, nắm chắc các quyền lợi khi giao dịch mua bán; tích cực phản ánh thông tin về các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đến các đơn vị có thẩm quyền để có biện pháp xử lý; kiên quyết “nói không” với những sản phẩm không được minh bạch thông tin và những tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ nhưng xem nhẹ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng... Tất cả hãy cùng chung tay xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Cùng với đó, lực lượng công an, quản lý thị trường chủ động công tác dự báo, nắm tình hình triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra, kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không để phát sinh các nhóm, tụ điểm phức tạp.

Các cơ quan truyền thông, báo chí của tỉnh phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng tuyên truyền, phản ánh kịp thời tình hình, kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các biểu hiện tiêu cực, bất cập của các cơ quan chức năng giúp người dân nhận biết, phân biệt hàng giả, kém chất lượng và không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm