Từ đó, biến tiềm năng du lịch trời cho cùng những giá trị lịch sử, văn hóa cha ông để lại thành vàng, tạo việc làm, thu nhập ổn định, lâu bền cho nhiều ngàn lao động, tạo động lực quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của địa phương. 

Đưa du lịch Ninh Bình cất cánh

Trước khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, cả vùng này là ruộng nước sình lầy "chiêm khê, mùa úng", xen kẽ là những dải đồi trọc, núi đá của một tỉnh từng lan truyền "bốn B" (bụi, bẩn, buồn, bực).

Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách của một dự án lớn trên một địa bàn rộng, hiểm trở, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự quyết tâm, nỗ lực của nhà đầu tư cùng đội ngũ cán bộ, kỹ sư, thợ lành nghề, sự đồng thuận của người dân đã biến một vùng bao la núi đồi, sình lầy, “sơn cùng thủy tận” thành Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Một hình ảnh nói lên giá trị của cảnh sắc thiên nhiên, giá trị lịch sử cùng trí tuệ, tầm vóc của đất nước, con người Việt Nam.

Nằm phía Bắc danh thắng Tràng An, Chùa Bái Đính với những công trình lớn, hoành tráng, mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam cùng nhiều kỷ lục: có tượng phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, hành lang La Hán dài nhất châu Á, tượng phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chuông đồng lớn nhất, khu chùa rộng nhất, có giếng ngọc lớn nhất và cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam.

Cùng với đó, doanh nghiệp đã đầu tư khách sạn hạng sang 5 sao phong cách Á Đông trên diện tích 20.000 m2, phòng họp và phòng ăn cao cấp sức chứa hàng ngàn khách. Nơi đây vinh dự được tổ chức nhiều đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc.

Tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức, UNESCO đánh giá cao công tác bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam.

Giám đốc Nguyễn Xuân Trường từng chia sẻ: “Quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản văn hóa - thiên nhiên thế giới là niềm vui lớn nhất của tôi cũng như của quê hương Ninh Bình.”

Niềm vui đầu tiên là Tràng An trở thành “di sản sống”, môi trường thiên nhiên tươi đẹp, trong lành, bền vững cho 44.000 người dân ở đây, tạo sinh kế lâu bền cho khoảng 10.000 lao động trực tiếp với thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng cùng 20 nghìn lao động gián tiếp.

Từ du lịch Tràng An, nghề thêu ở xã Ninh Hải (Hoa Lư) được phục hồi, các ngành nghề xây dựng, in ấn, bảo hiểm, vận tải, lưu trú, bán lẻ, dịch vụ ăn uống, tài chính... phát triển mạnh mẽ. Cơ cấu kinh tế Ninh Bình chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sang du lịch dịch vụ.

Giai đoạn 2010-2019, du lịch Ninh Bình tăng trưởng trên 11%/năm. Năm 2019, Quần thể danh thắng Tràng An, chùa Bái Đính, cùng du lịch Ninh Bình đã đón 7,65 triệu lượt khách, doanh thu đạt 3.600 tỷ đồng.

Du lịch Ninh Bình “cất cánh”, lọt vào nhóm 15 điểm đến hàng đầu và nhóm 10 tỉnh, thành có lượng khách du lịch lớn nhất, thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới như Chuyên trang “This is insider” của Mỹ bình chọn Ninh Bình đứng đầu 50 địa điểm hấp dẫn phải đến; tờ Telegraph (Anh) chọn Ninh Bình là 1 trong 15 điểm đến tuyệt đẹp, Hollywood đã chọn Tràng An làm bối cảnh phim “King - đảo đầu lâu” nổi tiếng…

 Tam Chúc đưa Hà Nam lên bản đồ du lịch thế giới

17 năm trước, khu chùa Tam Chúc chỉ là vùng hồ ruộng ngập nước bao la, trùng điệp các dãy núi đá vôi với rừng cây bao phủ, xunh quanh là những khu vực sình lầy cách trở đường đi. Người dân chỉ cấy được một vụ lúa.

leftcenterrightdel
Chùa Tam Chúc, Hà Nam 
leftcenterrightdel
Ba pho tượng bằng đồng dát đồng đen, mỗi pho tượng nặng 200 tấn đặt tại trung tâm điện Tam Thế. 

Sau 8 năm, được sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành, tỉnh Hà Nam, Doanh nghiệp Xuân Trường đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Khu du lịch Tam Chúc diện tích trên 5.000 ha. Trong đó khu chùa Tam Chúc 144 ha với nhiều công trình nguy nga, lộng lẫy.

Đó là chùa Ngọc nằm trên đỉnh núi Thất Tinh cao 468 m, với 299 bậc lên, nặng 2.000 tấn bằng đá khối xếp liền nhau do các nghệ nhân Ấn Độ chế tác, một kiệt tác về kiến trúc đá. Điện Tam Thế cao 45 m trên trục thần đạo, 3 tầng mái cong mang kiến trúc đình chùa Việt. Điện Pháp Chủ 2 tầng mái cong, cao 31 m, mặt sàn 3.000 m2. Điện Quan Âm cao 30,5 m, mặt sàn rộng 3.000 m2. Cổng Tam Quan 3 tầng mái cong, cao 28,8 m. Trung tâm Hội nghị quốc tế nổi trên mặt hồ, năng lực phục vụ gần 3.500 khách.

Một điểm sáng độc nhất của Tam Chúc là 30.500 bức tranh đá trên các bức tường ở điện Tam Thế, Pháp Chủ và Quan Âm được lấy từ núi lửa ngàn năm Merapi do các nghệ nhân quần đảo Java (Indonesia) chế tác.

Tam Chúc còn ấn tượng với Điện Tam Thế thờ 3 tượng Phật Tổ bằng đồng dát đồng đen, mỗi bức hơn 200 tấn, phía sau là 3 lá bồ đề dát vàng rộng chưa từng có. Ấn tượng với Vạc Phổ Minh khổng lồ, tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối nặng 150 tấn ở Điện Pháp Chủ, Tượng đồng Quan Âm Bồ Tát nguyên khối 100 tấn ở Điện Quan Âm.

Đặc biệt, chùa Tam Chúc đang thiết lập vườn cột kinh với 1.000 cột đá, mỗi cột cao 14 m, nặng 200 tấn làm từ đá xanh Thanh Hóa. Cây bồ đề được chiết từ "Cây Bồ Đề Vĩ Đại Cát Tường" (Jaya Sri Maha Bodhi) 2.250 tuổi và thiên thạch mặt trăng có trọng lượng 5,5 kg “The Moon Puzzle”.

Khu du lịch quốc gia Tam Chúc khiến du khách trong và ngoài nước ngỡ ngàng bởi tầm cỡ và vẻ đẹp hữu tình như một “vịnh Hạ Long trên cạn” đã lọt vào tầm ngắm của UNESCO tiền đề cho một Di sản thế giới.

Năm 2019 Tam Chúc được chọn tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak với hơn 1.650 chức sắc, lãnh đạo các giáo hội, nhà nghiên cứu... từ hơn 112 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hơn 20.000 phật tử và khách thập phương.

Ngay khi bắt tay vào xây dựng khu du lịch Tam Chúc, doanh nghiệp Xuân Trường đã cam kết ưu tiên lao động địa phương. Đến nay đã có trên 2.000 lao động làm việc trực tiếp tại Tam Chúc với thu nhập 6,5 triệu đồng/người/tháng cùng hàng ngàn lao động có việc làm gián tiếp.

Khách đến với Tam Chúc mỗi năm tăng từ 20 đến 25%. Năm 2019 Tam Chúc tạo đột phá cho du lịch Hà Nam với hơn 3 triệu lượt khách, doanh thu 716 tỷ đồng, vượt 141.9% so với năm 2018.

Nặng lòng với di sản và biển đảo

Đầu năm 2022, Doanh nghiệp Xuân Trường đã báo cáo UBND tỉnh Hưng Yên xin chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng và phục dựng Phố Hiến với tên gọi “Phố Hiến xưa” trên diện tích 1.200 ha, xây dựng những hình ảnh gợi nhớ về một thương cảng quốc tế Phố Hiến sầm uất, từng được mệnh danh “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, tạo động lực mới phát triển kinh tế - xã hội của Hưng yên và tạo nên những di sản cho mai sau.

Xuân Trường cũng là doanh nghiệp nặng lòng với biển đảo đất nước. Giám đốc Nguyễn Văn Trường có lẽ là doanh nhân đạt kỷ lục về số lần và thời gian ra đảo Trường Sa để tôn tạo, phục dựng lại chùa Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Phan Vinh, Nam Yết, Trường Sơn Đông, Sinh Tồn Đông, Đá Tây A, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Trà Vân