Quần thể danh thắng Tràng An có tổng diện tích khoảng 12.000 ha, thuộc địa bàn 20 xã, phường, nơi đây có những giá trị độc đáo, nổi bật toàn cầu về thiên nhiên và văn hóa. 

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Cố đô Hoa Lư về đêm, ảnh: TV 
leftcenterrightdel
Bảo tồn, kết nối Di sản Tràng An với xây dựng thành phố Hoa Lư tương lai , ảnh: TV

Không gian phát triển trong Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định 3 vùng chức năng, trong đó vùng trung tâm có vai trò động lực, đột phá phát triển là thành phố Hoa Lư (trên cơ sở hợp nhất thành phố Ninh Bình với huyện Hoa Lư hiện nay) và thành phố Tam Điệp. 

Tính chung trên địa bàn huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình hiện nay có trên 460 di tích đã được kiểm kê (chiếm trên 25% số di tích được kiểm kê trên địa bàn tỉnh) thuộc nhiều loại hình khác nhau. Toàn vùng có trên 100 di tích đã xếp hạng (chiếm trên 26% di tích được xếp hạng của tỉnh), gồm 76 di tích cấp tỉnh, 28 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới cùng hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Người dân nơi đây phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan tự nhiên, ảnh: TV 

Trong hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, đa dạng, phong phú đó, có nhiều di sản có giá trị đặc biệt, tạo nên nét khác biệt, độc đáo của thành phố này: Đây là đô thị sở hữu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Đây là di sản hỗn hợp đầu tiên và duy nhất đến nay ở khu vực Đông Nam Á, với các giá trị đặc biệt, nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, chứa đựng kho tư liệu đồ sộ, đầy đủ, phong phú và nguyên vẹn về nhân loại thời tiền sử, thể hiện cách thức thích ứng của nhân loại trước những biến đổi lớn về môi trường địa cầu trong hàng vạn năm qua. 

Tràng An đồng thời còn có các giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật, với các nền văn minh thời đại kim khí, văn minh Đông Sơn, nơi được lựa chọn để đặt kinh đô Hoa Lư - kinh đô của nhà nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam ở thế kỷ X, cùng hàng trăm đền, chùa, miếu, phủ..., các công trình kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng hiện hữu trong các hang động, mái đá hay bên sườn núi đồng điệu cùng thiên nhiên và có kiến trúc mang tính kỹ thuật, mỹ thuật cao, các lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc mang hồn cốt văn hóa của người dân Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung...

Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị thiên nhiên, văn hóa của vùng Di sản Tràng An gắn với xây dựng thành phố Hoa Lư tương lai, cùng với các chính sách của tỉnh, cộng đồng dân cư sống trong vùng di sản luôn thực hiện bảo tồn các giá trị văn hóa, thiên nhiên theo các cam kết quốc tế và pháp luật về di sản văn hóa của Việt Nam, được phát huy như một nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế-xã hội. 

Cùng với sự phát triển của đô thị, các giá trị văn hóa luôn được bảo tồn và phát huy góp phần xây dựng thành phố sở hữu các giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa và thiên nhiên, giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc được bảo tồn và phát huy tiếp nối.

Bên cạnh đó, Cố đô Hoa Lư là một trong ba vùng lõi thuộc Quần thể danh thắng Tràng An. Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích quốc gia đợt đầu tiên năm 1962; được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt năm 2012. Những dấu tích lịch sử-văn hóa hiện còn tại khu vực di tích rất phong phú và đa dạng, bao gồm hệ thống kiến trúc thờ tự, tường thành, hang động. Trong khu vực Cố đô Hoa Lư hiện nay còn lưu giữ được hàng nghìn di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học. Tỉnh Ninh Bình hiện nay có 5 bảo vật quốc gia được lưu giữ, bảo quản tại các di tích thuộc Khu di tích Cố đô Hoa Lư. 

Ninh Bình - vùng đất ngàn năm văn hiến, nơi có Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, Cố đô Hoa Lư lịch sử, với truyền thống văn hóa sâu dày, là nền tảng để xây dựng đô thị theo hướng "Xanh, bền vững và hài hòa". Những giá trị thiên nhiên, văn hóa đã, đang và sẽ làm nên bản sắc và sự độc đáo, để Ninh Bình xây dựng thương hiệu, bản sắc địa phương gắn với bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa và di sản của dân tộc.

Trà Vân