Khi mang danh Công giáo, có nghĩa là các điển hình tiên tiến này có những tính chất khác biệt so với các công dân không sở hữu niềm tin vào Thiên chúa. Họ mang trong mình hai tính chất: Tính chất công dân và tính chất Công giáo.

Với tư cách công dân, mọi tín hữu Công giáo đều là công dân Việt Nam, nên có mọi quyền hành và nghĩa vụ như bao thành phần cư dân cũng như các thành phần tôn giáo dân tộc khác nhau. Họ đều tham gia vào các khía cạnh của đời sống xã hội trên cơ sở truyền thống và luật pháp của Nhà nước. Với tư cách này, trong quá khứ đã có rất nhiều điển hình tham gia vào các hoạt động yêu nước. Còn ngày nay, trong một bối cảnh xã hội đã đổi thay, đất nước thống nhất, khái niệm phong trào yêu nước đã khác trước. Vẫn là sự dấn thân trên tư cách công dân nhưng yêu nước ngày nay có thể được hiểu là tuân thủ pháp luật, đồng hành cùng các chủ trương của Nhà nước phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng các phong trào đoàn kết, cùng sản xuất lao động, kiến tạo xã hội ngày một tốt đẹp.

Với tư cách Công giáo, đã tạo cho những điển hình tiên tiến Công giáo những nét đặc thù riêng. Đó là tinh thần Kitô giáo luôn được soi chiếu, lan tỏa trong cách nghĩ và hành động của họ. Điều này cho thấy sự dấn thân của họ tạo ra một sự lan tỏa như những gương sáng trong phong trào xã hội từ lao động sản xuất, đến y tế, giáo dục, từ thiện, nhân đạo, hỗ trợ cộng đồng, tham gia vào các dịch vụ công… Trong nhận thức và hành động, ngoài các nguyên tắc đạo đức thế tục, họ còn căn cứ các giá trị luân lý của riêng Công giáo. Nhiều người Công giáo dấn thân vào các hoạt động, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục đều trên tinh thần Phúc âm, noi gương theo Chúa Giêsu Kitô, làm cho hình ảnh của Thiên chúa hiện diện một cách sống động qua những hành vi thường nhật của mình. Bởi vậy người ta thường thấy ở các tấm gương Công giáo điển hình mang đặc trưng Kitô như: Đề cao đạo đức, nhân bản, nêu cao tinh thần công bằng, bác ái, đùm bọc tha nhân, chia sẻ, đồng hành, liên đới trách nhiệm…

Nhìn chung, những điển hình Công giáo tiên tiến là những người có thể sống đạo trong các môi trường đặc thù, thậm chí khác biệt để làm chứng cho niềm tin tôn giáo của mình. Niềm tin tôn giáo như một thứ “men trong bột” được thẩm thấu và lan tỏa vào hiện thực. Sự dấn thân của họ không phải là một sự khoe mẽ, thể hiện mà xuất phát từ luân lý Công giáo, do đó đạt được mức độ hài hòa giữa Đạo và Đời, đem Đạo vào Đời một cách tự nhiên, nhuần nhụy và đạt được các giá trị tích cực, như những gương sáng, được mọi người trong và ngoài cộng đồng thừa nhận.

Vậy những điển hình tiên tiến Công giáo đó có vai trò gì trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay? Có thể thấy các điển hình có rất nhiều vai trò khác nhau trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội dựa trên các chức năng và vị trí mà các điển hình đảm nhận. Tuy nhiên, có thể điểm tới một số vai trò nổi bật sau:

Thứ nhất, sống tinh thần Công giáo: Các điển hình Công giáo tiên tiến khi họ sống bằng tinh thần Kitô giáo cũng có nghĩa là họ đang đồng hành đúng đắn theo các giá trị tôn giáo của mình và tạo ra những hình ảnh đẹp trong cộng đồng mình và lan tỏa đến những người khác. Bởi vậy nói đến vai trò trước tiên cần phát huy, thì đó chính là các giá trị Công giáo như yêu thương, công bằng, bác ái… những điều mà lời Chúa răn dạy và thiết lập.

Thứ hai, góp phần tạo ra sự ổn định cộng đồng: Những điển hình Công giáo tiên tiến đã tham gia rất tốt trong các nghĩa vụ công dân trên nền tảng Công giáo. Hầu hết các phong trào của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như xây dựng nông thôn mới; sống tốt đời đẹp đạo; xây dựng khu dân cư văn hóa; phong trào xứ, họ đạo không có tệ nạn… đều có sự tham gia tích cực của các cá nhân tập thể điển hình. Họ luôn là những tấm gương tiêu biểu để mọi người tham gia và noi theo. Họ luôn biết cách tập hợp và điều chỉnh các mối quan hệ của các cá nhân trong cộng đồng cũng như của cộng đồng này với cộng đồng khác để có một mối quan hệ hài hòa cùng phát triển. Những điều này tạo ra những cộng đồng xã hội tương đối ổn định, có tính liên kết bền chặt, tạo ra tiền đề cho sự ổn định để phát triển.

Thứ ba, tham gia đóng góp tích cực bằng nhân lực và vật lực cũng như lương tâm vào các lĩnh vực quan tâm của toàn xã hội như y tế, giáo dục, từ thiện… Vai trò này có thể kể ra vô vàn các điển hình Công giáo trong nhiều năm qua. Những đóng góp này được các điển hình sử dụng các “vốn xã hội” để liên kết tập hợp nguồn lực cùng tham gia giải quyết các lĩnh vực mà bản thân Nhà nước không thể giải quyết hết, đang cần có sự tham gia hỗ trợ chia sẻ của các tổ chức tôn giáo, qua các đầu mối là những người Công giáo điển hình đang ra sức vì cộng đồng, cùng chia sẻ trách nhiệm.

Làm gì để phát huy vai trò của các điển hình Công giáo tiên tiến?

Để phát huy vai trò của những điển hình Công giáo tiên tiến, Nhà nước cần quan tâm đến truyền thông; ghi nhận sự đóng góp của các điển hình và cần có sự tham gia nhiều hơn và trực tiếp của những người Công giáo trong hệ thống chính quyền.

- Truyền thông: Hiện nay có nhiều người Công giáo có những đóng góp tích cho các hoạt động kinh tế văn hóa xã hội tại các địa phương nhưng chưa được xã hội biết đến, bởi vậy cần phải tăng cương công tác tuyên truyền đối với những tấm gương tiêu biểu này. Nhà nước cần mở rộng chính sách thi đua khen thưởng trong giới Công giáo. Hàng giáo phẩm đạo hạnh, có công với dân tộc và đất nước phải được tuyên dương khen tặng. Tên của họ được đặt cho các con đường, quảng trường. Cũng như vậy với người Công giáo có những thành tích tiêu biểu phải được biểu dương, khen thưởng kịp thời nhằm động viên khích lệ phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo.

- Ghi nhận những đóng góp: Có một cộng đồng người Việt Nam Công giáo ở nước ngoài. Cộng đồng này tuy không phụ thuộc vào Giáo hội Công giáo Việt Nam, tuy thái độ chính trị của họ đối với dân tộc có khác nhau nhưng nhìn chung đa số họ vẫn mang nặng tinh thần dân tộc, hướng về dân tộc với những đóng góp cho dân tộc. Vì vậy Đảng, Nhà nước nên có chính sách và cơ chế thích hợp để động viên, khuyến khích, tạo cơ hội tốt nhất để họ có điều kiện tham gia vào việc xây dựng và phát triển đất nước. Một mặt cần tạo cơ chế cuốn hút họ, mặt khác cần tăng cường với nhiều biện pháp truyền thông, tuyên truyền để họ hiểu rõ đường lối đổi mới trong đó có đổi mới về tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Từ đó để họ yên tâm trở về quê nhà tham gia đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

- Khuyến khích tham gia: Trên lĩnh vực chính trị-xã hội  Đảng, Nhà nước cần có chính sách để thu hút đảng viên là người có đạo vào các nhiệm vụ chính trị.  Đi kèm với phát triển đảng viên là người có đạo, các cấp ủy Đảng cơ sở giao việc, nhiệm vụ cho các đảng viên là người có đạo để họ phát huy vai trò lãnh đạo của giai cấp tiên phong. Ở những vùng Công giáo tập trung cần phải có chính sách phù hợp để thu hút lực lượng trẻ thiếu niên, đoàn viên thanh niên tham gia công tác đội, công tác đoàn thanh niên. Đảng, chính quyền các cấp nên có sự đầu tư kinh phí cũng như ưu tiên cán bộ phong trào. Cán bộ làm công tác đoàn thanh niên vùng Công giáo tốt nhất là xây dựng người địa phương và tất nhiên họ phải là tín đồ tôn giáo, có chế độ đãi ngộ, khuyến khích vật chất và tinh thần, đặc biệt là đào tạo bồi dưỡng để những người này có năng lực trong công việc. Và chính họ sẽ là những đoàn viên ưu tú, tạo nguồn phát triển đảng viên vùng giáo.

 

TS Ngô Quốc Đông