Từ việc này, một tính toán khá đơn giản, nếu như mỗi em phải học thêm mấy môn chính thường dùng để thi là toán, văn và ngoại ngữ, số tiền học thêm không hề thua kém số tiền học phí phải đóng hằng tháng, thậm chí lớn hơn nhiều. Bởi vậy học thêm dù là bồi dưỡng mở mang kiến thức, nhưng rõ ràng tăng gánh nặng học hành cho học sinh, áp lực thời gian và tài chính cho phụ huynh. Hơn nữa, học thêm lấy đi khoảng thời gian vui chơi, tham gia các hoạt động khác của những đứa trẻ. Bởi vậy việc dậy thêm, học thêm bị ngành Giáo dục cấm, làm chặt trên giấy tờ, nhưng chắc chắn chỉ là hình thức. 

Vấn đề này đã được sự quan tâm chú ý của dư luận và đại biểu. Trong phiên họp ngày 20/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo bày tỏ: Dạy thêm, học thêm và việc học tập ngoài nhà trường là một nhu cầu thực tế của người học và rất đa dạng. Tuy nhiên, đối với vấn đề ngoài nhà trường, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo còn thiếu cơ sở pháp lý để quản lý, điều tiết giám sát, xử lý vấn đề này. Ông viện dẫn việc liên quan đến quy định của ngành Giáo dục là chủ yếu liên quan đến không gian trường học, ngoài trường học thì chưa có cơ sở pháp lý. Ông đề nghị bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và kêu gọi sự giám sát của các địa phương trong lĩnh vực này.

Trên thực tế, dù việc dạy thêm có được chế tài kiểm soát bằng luật đi nữa, có thể sẽ rất khó để hạn chế tình trạng này. Vì chúng ta biết rằng việc dạy thêm và học thêm là một quá trình vận hành theo nguyên tắc cung-cầu, nên có tính khách quan của nó. Nhìn từ góc độ này, chúng ta sẽ thấy, những người có con học giỏi năng khiếu ở một số môn, họ sẽ tìm thầy cô giáo giỏi để phụ đạo, tiếp thụ kiến thức cho con em họ. Mặt khác, một số phụ huynh có con học yếu kém thì họ sẽ tìm thầy cô để phụ đạo theo được chương trình cơ bản. Một số con em học lực trung bình vừa phải, nhưng bố mẹ không có năng lực để kèm cặp, cũng tìm đến thầy cô để trợ giúp họ. Điều đó có nghĩa là việc học thêm không chỉ xuất phát từ phía nhà trường và thầy, cô, mà còn từ nhu cầu của chính các gia đình.

Với thầy cô mà nói, họ có trình năng lực tốt, nhưng lại sống chật vật trong đồng lương eo hẹp, trong khi lương của ngành Giáo dục chưa có gì cải tiến đời sống của họ. Bởi vậy cách này cách khác họ cũng có quyền gia tăng thu nhập từ lao động chính và từ bằng cấp nghề nghiệp của mình.

Chính vì thế, việc cấm dạy thêm, học thêm với 53 nghìn trường học hiện nay ở 63 tỉnh, thành phải chăng là một bài toán không khả thi và phi hiện thực? Có lẽ vấn đề này chỉ nên kiểm soát các tính chất tiêu cực, biến tướng của nó như: Ép buộc, thu tiền giá cao, hay có những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Chúng ta từng có tư duy kiểu không quản thì cấm, nhưng có tình huống đó là một sự chủ quan, bởi đôi khi việc chúng ta cấm không phụ thuộc vào ý chí và quyết định của chúng ta, mà nó vận hành theo một quy luật khách quan nào đó, khó can thiệp triệt để. Bởi vậy chúng ta nên cân nhắc việc học thêm, nên “quản”, hay “cấm”?

Ngô Quốc Đông