Những thói quen đó đã làm trẻ con lệ thuộc và có dấu hiệu “nghiện điện thoại”. Bởi vậy nhiều phụ huynh dỗ dành con trẻ bằng cách cho chúng xem điện thoại khi chúng quấy khóc, hoặc lợi dụng cho xem để tranh thủ cho con ăn. Đến khi không có điện thoại, nhiều đứa bỏ ăn, hờn dỗi, phản ứng rất tiêu cực. Ngược lại, những người cao tuổi cũng rất nhanh nhạy với việc tạo cho mình một tài khoản zalo hoặc facebook để liên lạc và kết bạn. Rõ ràng, internet có sức hút rất mạnh với nhiều lứa tuổi.

Một hiện tượng khác là chúng ta thấy một nhóm bạn trẻ rủ nhau đi cà phê. Khi đến quán, điều đầu tiên là hỏi mật khẩu wifi. Sau đó mỗi người đều cầm điện thoại thông minh và dán mắt vào đó, quẹt, phẩy, like, nhắn tin… theo những dòng cảm xúc riêng tư. Sự tương tác trực tiếp rất ít mặc dù vẫn ngồi uống cà phê với nhau.

Tương tự, không ít gia đình, chỉ có buổi tối sum họp ăn cơm, hoặc ngồi ở phòng sinh hoạt chung của gia đình, nhưng nhìn các thành viên, người xem ti vi, người lướt điện thoại, người chơi game… tạo ra một sự rời rạc thiếu liên kết bằng lời nói, cử chỉ cho dù các thực thể rất gần nhau.

Vài cơ quan, đôi khi ở cuộc họp, tình trạng người trên nói, người dưới xem điện thoại cũng khá phổ biến, tạo ra một sự thiếu tập trung trong chia sẻ và tiếp nhận thông tin giữa kẻ nói và người nghe, gây một ấn tượng rất xấu.

Như vậy, rõ ràng trong thời đại thông tin liên lạc rất hiện đại, người ta liên lạc với nhau cực dễ dàng, nhưng các chỉ số về cảm xúc, chia sẻ, trò chuyện trực tiếp đang có xu hướng cá nhân hóa. Mỗi người theo đuổi với vũ trụ quan của mình theo các nhóm riêng tư lập ra trên mạng.

Trong cái “ốc đảo” đó, người ta tìm thấy các cảm xúc như: Vui, buồn, tự tôn, hãnh diện, tự hào, khoe khoang… Chức năng và những lợi ích của internet thật là kỳ diệu, ta không phải bàn, nhưng mặt trái có lẽ là tính lệ thuộc công nghệ và kiếm tìm các cảm xúc từ internet tạo ra cả những phản ứng tiêu cực tới cảm xúc tâm lý của con người. Nhiều người chỉ một tin nhắn đã khóc, một comment đã buồn, rồi bị tấn công mạng, bị quấy rối, bị lợi dụng…làm cho tâm lý rất thất thường, bị đảo lộn bởi sức mạnh truyền thông mạng.

Theo ước tính tại Việt Nam, 50% thanh niên ở thành thị và 13% thanh thiếu niên ở nông thôn đã sử dụng internet và có dấu hiệu nghiện Internet. Dấu hiệu này thấy rất rõ là nhiều người suốt ngày ôm laptop, điện thoại, chát chít, chơi game thâu đêm suốt sáng. Lúc nào cũng chăm chú và lắng nghe các tin báo từ điện thoại…

Theo một số nghiên cứu, việc lạm dụng internet có thể tạo ra những cảm xúc tiêu cực như dễ cáu giận vô cơ, dễ chán nản, mất ngủ, trầm cảm, ít vận động tương tác với bên ngoài.

Một ngày chúng ta mất bao nhiêu thời gian cho điện thoại thông minh, chắc ít ai để ý, nhưng thực tế có thể là rất nhiều. Liệu có khi nào chúng ta muốn vứt điện thoại vào thùng rác bởi email, bởi tin nhắn từ nó làm ta mất ngủ và đau đầu. Chúng ta sáng tao ra công nghệ là để làm cho cuộc sống được nhàn và tích cực hơn. Nhưng, ngoài tiện ích nó cũng tạo cho ta không ít lệ thuộc, gia tăng áp lực và cả những thông tin phiền toái.


Ngô Quốc Đông