Trước kia, trong điều kiện kỹ thuật và kinh tế còn eo hẹp, ngành làm đẹp thường chú trọng ở cải thiện các hình thức bên ngoài như làn da, mái tóc, quần áo, thời trang, phụ kiện… và thường chỉ giành cho nữ giới.

Ngày ấy, phẫu thuật thẩm mỹ dường như là một thứ quá xa xỉ và chỉ dành cho giới diễn viên, nghệ sĩ - những con người được sự quan tâm của đám đông và luôn thu hút dư luận. Họ rất chú trọng tới vẻ hình thức bề ngoài của mình. Nhiều người đã can thiệp tới nhan sắc cơ thể, sửa lại cấu trúc tự nhiên một số bộ phận qua phẫu thuật dao kéo, tạo ra những diện mạo mới khá tích cực trước công chúng.

Ngày ấy, vẻ đẹp cải sửa của nhiều nghệ sĩ tên tuổi là ước ao của nhiều tầng lớn bình dân khác.

Thế rồi, kinh tế khởi sắc, thông tin truyền thông phát triển, nhu cầu làm đẹp trong đó có phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ của giới diễn viên nghệ sĩ mà đã trở lên phổ thông hơn. Nó không chỉ giành cho người lớn tuổi mà phần nhiều giành cho giới trẻ. Không chỉ có nữ mà nam giới cũng có nhu cầu làm đẹp. Khi cầu luôn cao hơn cung cũng là lúc các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ mọc lên như nấm sau mưa. Ra phố thấy đâu cũng trưng biển liên quan đến làm đẹp. Vào mạng nhan nhản những quảng cáo nâng mũi, sửa ngực, làm trắng da, rất nhanh, giá rẻ, an toàn và tiện lợi…

Nhưng, một hiện thực phũ phàng là: Sự tăng lên về số lượng của các cơ sở làm đẹp đã không đồng nghĩa với chất lượng mà nó mang lại. Ngoài những cơ sở uy tín, trong thời gian vừa qua, một loạt hệ quả đau lòng từ phẫu thuật thẩm mỹ được báo, đài đưa tin.

Ngày 12/4, Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, thời gian gần đây liên tục tiếp nhận các trường hợp nữ bệnh nhân gặp biến chứng vì "nâng ngực đệm mô lipid", "nâng ngực bằng sóng xung kích" tới khám. Nguyên nhân là nhiều chị em muốn cải thiện vòng một, nghe theo quảng cáo nâng ngực không đau, nâng ngực không phẫu thuật, nhiều chị em sập bẫy. Xử lý biến chứng sau đó khiến nhiều chị em tốn kém, đau đớn, ám ảnh cả đời...

Điều này cho thấy, công tác quản lý, giám sát những cơ sở làm đẹp tại nước ta còn nhiều bất cập, lỏng lẻo thậm chí có nhiều trường hợp sai phạm diễn ra nhưng cơ quan chức năng kiểm tra xử lý không triệt để dẫn tới nhiều hệ lụy.

Nguyên nhân một phần cũng từ chính sự chủ quan của khách hàng khi không tìm hiểu kỹ lưỡng các cơ sở làm đẹp. Trên thực tế, nhiều cơ sở làm đẹp chỉ được cấp phép cho những quy trình trị liệu không can thiệp nhưng trên thực tế họ vẫn làm những thủ thuật như hút mỡ, xăm môi, cắt mí, tạo núm đồng tiền… Đó là những dich vụ vượt ngoài giấy phép có thể tạo ra những rủi ro với chính mình. Nó cũng liên quan đến những quảng cáo sai sự thật, đồn thổi quá mức tạo ra một niềm tin ảo cho người xem.

Sự lên ngôi của làm đẹp qua can thiệp chứng tỏ khát khao hoàn thiện hình thức của con người rất cháy bỏng, nhưng đồng thời nói lên rằng, tiêu chí về cái đẹp đã có nhiều chuyển dịch so với chuẩn mực truyền thống. Không phủ nhận, vẻ ngoài hình thức đẹp sẽ đem lại cho chúng ta nhiều lợi thế và cơ hội. Nhưng trong hành trình hoàn thiện đó, hãy cẩn trọng với các can thiệp bên ngoài và đừng quên bồi bổ những vẻ đẹp bên trong mà dao kéo không thể cải sửa như: Văn hóa, tính cách và tâm hồn của chính chúng ta.

Tình trạng phẫu thuật thẩm mĩ chui, ngoài những nguyên nhân chủ quan còn có một nguyên nhân khác, là sự thiếu hụt trầm trọng các thông tin chính thống, xác thực, để tham khảo.

Thiết nghĩ, Bộ Y tế nên công bố rộng rãi danh sách các cơ sở thẩm mĩ đủ điều kiện thực hiện các can thiệp, phẫu thuật để những ai có nhu cầu tiếp cận được nguồn thông tin chính thống, có cơ sở tốt để đưa ra quyết định.

Ngô Quốc Đông