Theo thống kê, hiện có khoảng 33 triệu lao động tự do tại Việt Nam, chiếm hơn 50% tổng số việc làm. Con số này là một bức tranh chân thực về vai trò quan trọng của lao động này trong đảm bảo cuộc sống và phát triển kinh tế đất nước. Họ đang đóng vai trò quan trọng với đời sống kinh tế của nhiều gia đình, tham góp chung vào sự phát triển và ổn định kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, nhìn rộng ra với lực lượng lao động này, họ đang đối mặt với nhiều khó khăn. Họ thường không được bảo vệ bởi pháp luật lao động, có thu nhập thấp và ít quyền lợi trong quá trình thương lượng về điều kiện làm việc. An toàn trong lao động cũng không được đảm bảo, đặc biệt là với việc không tham gia bảo hiểm xã hội. Nhiều người chạy xe ôm không may bị tại nạn, làm kinh tế gia đình điêu đứng vì họ là lao động chính. Nhiều thợ xây không may ngã dàn giáo, mất sức lao động, nằm viện dài kéo theo nhiều gánh nặng kinh tế gia đình…

Trong bối cảnh hiện nay, với thu nhập giữa các khu vực công và tư đang có sự chênh lệch, nên có xu hướng dịch chuyển từ lao động chính thức sang lao động tư do ngày một tăng. Điều này đặt ra nhiều thách thức và cơ hội với chính người chuyển dịch. Nhưng nó cũng đánh động tới chiến lược quốc gia về các cơ sở pháp lý và những điều kiện hỗ trợ, quan tâm  tốt hơn cho lực lượng lao động này. 

Để giải quyết vấn đề này, cần thiết phải xem xét và điều chỉnh khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi của lao động tự do. Các ngành chức năng như: Lao động xã hội, y tế, bảo hiểm… cần phải tính tới chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để họ có thể đảm bảo và thụ hưởng tốt hơn về chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Đồng thời, cần mở rộng và cải thiện hệ thống dịch vụ việc làm để họ có cơ hội dễ tiếp cận việc làm và cơ hội nghề nghiệp.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng cuộc sống của lao động tự do, cần tăng cường đào tạo và tuyên truyền pháp luật, giúp họ hiểu rõ về quyền lợi và trách nhiệm của mình. Điều này không chỉ giúp họ có thêm kỹ năng, mà còn tạo ra một môi trường làm việc tích cực và an toàn.

Lao động tự do đang là lực lượng quan trọng trong việc tạo ra của cải và kinh tế cho nhiều hộ gia đình. Họ đứng đằng sau nhiều thành công của con cái. Nhiều gia đình nhờ năng động từ lao động tự do mà lo cho con cái được học hành và duy trì mái ấm. Dù vậy họ chưa ý thức sâu sắc về vấn đề an sinh xã hội. Điều này đặt ra những thách thức đối với nền kinh tế, nhất là trong tương lai, khi quá trình già hóa dân số ngày một tăng, gánh nặng sức khỏe, bệnh tật, thất nghiệp sẽ tác động mạnh tới lực lượng lao động này. Bởi vậy nâng cao đời sống cho lao động tự do không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là một sự chuyển đổi nhận thức tư duy và hành động từ chính bản thân họ.

Ngô Quốc Đông