Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cơ bản thống nhất với nội dung kiến nghị của TTCP tại Văn bản số 1434/TTCP-BTCDTW ngày 20/8/2020.

Riêng nội dung kiến nghị về việc hướng dẫn các hộ dân hoàn thiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), thực hiện theo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 5538/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 6/10/2020, trong đó cần phải thực hiện xong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu tại điểm 3, điểm 4 Thông báo số 100 ngày 17/3/2020 của Văn phòng Chính phủ; đồng thời chỉ đạo hướng dẫn, hoàn thiện thủ tục cấp GCNQSDĐ đối với các hộ dân đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật về đất đai.

Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội có trách nhiệm khẩn trương, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, dứt điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 100 ngày 17/3/2020 của Văn phòng Chính phủ về xử lý sau thanh tra việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

TTCP theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

UBND TP Hà Nội chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng

Tại Văn bản số 1434 ngày 20/8/2020, TTCP cho biết, thời gian qua các công dân thuộc dự án vườn quả Jifpro, thôn Lâm Trường, xã Minh Phú và thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội liên tục gửi đơn đến TTCP và trực tiếp đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương để gửi đơn KN, đơn đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn công nhận và cấp GCNQSDĐ ở cho các hộ gia đình tại khu kinh tế mới Đồng Đò, thôn Minh Tân, xã Minh Trí và dự án vườn quả Jifpro, thôn Lâm Trường, xã Minh Phú; đề nghị UBND TP Hà Nội công khai bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ và làm rõ tính pháp lý của Quyết định số 2100/QĐ-UBND ngày 29/5/2008 của UBND TP Hà Nội về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch rừng Sóc Sơn; việc tổ chức cưỡng chế công trình xây dựng của các hộ gia đình trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tài sản cho các hộ gia đình. 

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Thông báo số 100 ngày 17/3/2020 của Văn phòng Chính phủ về kết quả thanh tra việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, TTCP đã cử tổ công tác làm việc với các cơ quan có liên quan của TP Hà Nội và kiểm tra tại thực địa.

Qua đó, TTCP nhận thấy,  UBND TP Hà Nội chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2664 ngày 22/5/2006 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện kiến nghị của TTCP (Kết luận số 754/TTCP ngày 17/4/2006 về kết luận thanh tra đất rừng huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) còn một số nội dung chưa được thực hiện dứt điểm, công dân tiếp tục khiếu kiện đông người với thái độ gay gắt, bức xúc.

Tạm dừng cưỡng chế tại xã Minh Trí, xã Minh Phú

Việc quy hoạch rừng phòng hộ năm 2008 được phê duyệt tại Quyết định số 2100/QĐ-UBND ngày 29/5/2008 của UBND TP Hà Nội vẫn còn nhiều diện tích đất của tổ chức, đất an ninh quốc phòng, đất do hộ dân sử dụng vào mục đích đất ở, đất sản xuất nông nghiệp trước ngày 15/10/1993 (được đo đạc bản đồ địa chính năm 1993) trùng lấn quy hoạch rừng; bên cạnh đó, khi quy hoạch không được cắm mốc giới, ranh giới ngoài thực địa; bản đồ thực hiện dưới hệ tọa độ giả định, khi thực hiện cắm mốc hệ tọa độ VN2000 ngoài thực địa phát hiện có một số thửa đất ở, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất sản xuất nông nghiệp của các hộ dân trùng vào quy hoạch rừng, gây khó khăn cho công tác quản lý và không đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất.

Nguồn gốc đất của 27 hộ dân khu vực hồ Đồng Đò, thôn Minh Tân, xã Minh Trí có công trình xây dựng đang sử dụng là đất khai hoang vùng kinh tế mới từ năm 1985 theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội; đã sử dụng ổn định, không có tranh chấp; việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các hộ gia đình không vi phạm pháp luật, có xác nhận của chính quyền địa phương; không nằm trong diện tích giao khoán bảo vệ rừng hàng năm, do đó cần thiết phải tạm dừng cưỡng chế để xem xét yếu tố lịch sử, nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của các hộ dân để không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân.

leftcenterrightdel
 Tổ công tác Thanh tra Chính phủ kiểm tra tại thực địa. Ảnh: TH

Đối với các hộ dân thuộc dự án vườn quả Jifpro, xã Minh Phú: Mục tiêu của dự án lâm nông nghiệp Lâm trường Sóc Sơn được phê duyệt tại Quyết định số 1915/QĐ-UB ngày 10/9/1994 của UBND TP Hà Nội nhằm thu hút các hộ ở khu vực lân cận tham gia thực hiện dự án, mặc dù các hộ này không được Lâm trường Sóc Sơn giao khoán từ đầu, nhưng việc chuyển giao lâm lộc, tài sản và quyền quản lý đất lâm nghiệp của ông Ngô Văn Cam cho các hộ này để tiếp tục trồng, chăm sóc cây ăn quả theo mục tiêu của dự án (có xác nhận của UBND xã).

Quy định số 246/QĐ/LT ngày 1/10/1999 của Lâm trường Sóc Sơn nêu rõ người được giao khoán được xây dựng lán trại và sinh sống tại chỗ; UBND xã xác nhận 4 hộ dân này có nhà tạm trên đất thuộc diện tích vườn quả từ năm 2005, trước thời điểm công bố kết luận thanh tra của TTCP năm 2006, trong quá trình sử dụng, chăm sóc vườn quả, các hộ dân có đơn xin sửa chữa cải tạo và nâng cấp công trình, được UBND xã Minh Phú xác nhận, do đó cần phải tạm dừng cưỡng chế để xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng có hay không việc xây nhà và công trình phụ ngoài phạm vi nhà tạm, lán trại cũ, việc xây nhà để ở và chăm sóc vườn cây của dự án Jifpro để có biện pháp xử lý đúng quy định của pháp luật, có lý, có tình để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân.

Hướng dẫn hoàn thiện thủ tục cấp GCNQSDĐ

Để có cơ sở giải quyết dứt điểm KNTC của công dân huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, TTCP đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Hà Nội thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Thông báo số 100/TB-VPCP ngày 17/3/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Sóc Sơn hướng dẫn các hộ dân tại khu kinh tế mới Đồng Đò, thôn Minh Tân, xã Minh Trí và các hộ dân trú tại lô 8, khoảnh 11, dự án vườn quả Jifpro, thôn Lâm Trường, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn hoàn thiện thủ tục để được cấp GCNQSDĐ.

Đẩy nhanh tiến độ dự án “Xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai huyện Sóc Sơn”. Báo cáo đề xuất Chính phủ cho điều chỉnh quy hoạch đất rừng năm 2008 để bóc tách diện tích đất tổ chức, đất an ninh quốc phòng, đất ở, đất nông nghiệp của hộ dân ra khỏi quy hoạch rừng; hướng dẫn thực hiện việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển Thuỷ lợi Hà Nội khẩn trương thực hiện việc cắm mốc giới phạm vi bảo vệ công trình hồ, đập thuỷ lợi trên địa bàn huyện Sóc Sơn theo quy định; hướng dẫn, chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội tiến hành xác định ranh giới rừng giữa Ban Quản lý rừng với UBND các xã có rừng để phục vụ tốt cho công tác quản lý rừng; có phương án báo cáo UBND thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng cho Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội; phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững để Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội có cơ sở pháp lý thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình thực hiện phải tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống, căn cứ việc quản lý hồ sơ của các cơ quan quản lý Nhà nước để giải quyết các vấn đề phát sinh, không đòi hỏi người dân phải chứng minh những nội dung thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước các cấp, nhất là của chính quyền địa phương.

Bảo Anh