Theo dõi Báo Thanh tra trên
Đoàn Hồng Phong Uỷ viên Trung ương Đảng Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ
Thứ tư, 23/11/2022 - 06:00
(Thanh tra)- Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt, là tổ chức tiền thân của ngành Thanh tra. Và từ đó, ngày 23/11 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam; vừa qua được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 840/QĐ-TTg ngày 15/7/2022.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong (phải ảnh) chụp ảnh cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khoá XV. Ảnh: ĐX
77 năm qua với nhiều tên gọi khác nhau như: Ban Thanh tra Chính phủ (1949 - 1954), Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (1955 - 1960), Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ (1961 - 1983), Uỷ ban Thanh tra Nhà nước (1984 - 1989), Thanh tra Nhà nước (1990 - 2004), Thanh tra Chính phủ (từ 2004 đến nay), ngành Thanh tra Việt Nam không ngừng phấn đấu vươn lên, ngày càng lớn mạnh, trưởng thành để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay sau khi được thành lập, Ban Thanh tra Đặc biệt đã giám sát công việc của UBND địa phương, xem xét khiếu nại, tố cáo của nhân dân, qua đó chấn chỉnh được nhiều yếu kém, khuyết điểm trong quản lý, xử lý kỷ luật những trường hợp vi phạm, minh oan, trả tự do cho những người bị oan sai, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương, củng cố lòng tin của nhân dân.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các tổ chức thanh tra đã tập trung thanh tra việc thực hiện chính sách giảm tô, giảm tức, huy động sức dân phục vụ tiền tuyến, quản lý tài chính quân đội, quản lý ngân sách, góp phần vào việc động viên nhân dân ra sức sản xuất, bảo đảm đời sống, huy động sức người, sức của cho tiền tuyến.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, công tác thanh tra bám sát những nhiệm vụ cấp thiết, phục vụ kịp thời việc khôi phục chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc, chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.
Sau khi miền Nam giải phóng, ngành Thanh tra tập trung thực hiện nhiệm vụ chống tiêu cực, chống quan liêu, cửa quyền nhằm phát hiện và xử lý các tiêu cực trong quản lý kinh tế và xã hội, phát hiện những nhân tố mới, những điển hình mới trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, hoạt động của ngành Thanh tra ngày càng đi vào nền nếp, đã bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung thanh tra làm rõ, xử lý các hành vi vi phạm; nhiều yếu kém trong công tác quản lý điều hành của các cấp chính quyền và bức xúc của nhân dân được quan tâm giải quyết, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế.
Năm 2022, với sự đoàn kết, thống nhất, toàn ngành Thanh tra đã nỗ lực phấn đấu, triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật, nhất là tập trung cùng cả nước tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2026, qua đó đạt một số kết quả quan trọng trên các mặt công tác, điểm nổi bật là:
Trong công tác thanh tra, ngành Thanh tra vừa làm công tác quản lý Nhà nước về thanh tra vừa tiến hành thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong 9 tháng đầu năm 2022, ngành Thanh tra đã triển khai 6.301 cuộc thanh tra hành chính và 157.974 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 52.466,4 tỷ đồng, 8.240,8ha đất; ban hành 105.265 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.592,6 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.554 tập thể và 5.109 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 317 vụ, 199 đối tượng, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 5.586 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, thu hồi 1.089 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 60,3%), 10,2ha đất; xử lý hành chính 1.714 tổ chức, 4.841 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 370 văn bản pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt tỷ lệ 72,4%).
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì trình Quốc hội thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi); báo cáo công tác thanh tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; xây dựng định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra năm 2023 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2023.
Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý Nhà nước về khiếu nại, tố cáo; trực tiếp thực hiện và tham mưu thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, nhằm bảo đảm công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đã được quy định tại Hiến pháp (Điều 30) để bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trong 9 tháng đầu năm 2022, các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp 262.117 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 215.421 vụ việc; tiếp nhận 301.774 đơn các loại; đã xử lý 278.184 đơn (14.859 vụ việc khiếu nại, 5.098 vụ việc tố cáo); đã giải quyết 16.699/19.957 (83,7%) vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Qua đó, kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 5,3 tỷ đồng, 6,3 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 20,5 tỷ đồng, 19,1 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 91 tổ chức, 416 cá nhân; kiến nghị xử lý 398 người; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 21 vụ, 23 đối tượng.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, ngành Thanh tra có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, phát hiện, xử lý tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tiến hành kiểm tra tại 14.162 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 137 đơn vị vi phạm; kiểm tra 5.564 cuộc về thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 244 vụ việc vi phạm, 360 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 147,3 tỷ đồng; kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 6.113 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời chấn chỉnh các sai phạm và phát hiện, xử lý 315 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm; kiểm tra, thanh tra 850 cuộc việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai tài sản thu nhập là 3.945 cơ quan, tổ chức, đơn vị… Các cơ quan hành chính đã ban hành 9.647 văn bản; huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 2.059 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; chuyển đổi vị trí công tác đối với 39.978 cán bộ, công chức, viên chức; áp dụng 273.323 thủ tục; tổ chức cho 366.751 người kê khai tài sản, thu nhập; phát hiện 70 vụ việc, 60 người có dấu hiệu tham nhũng; xử lý kỷ luật 31 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ được Chính phủ giao trình Bộ Chính trị ban hành Quy chế Phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng Cơ sở Dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập”; xây dựng báo cáo chuyên đề và Dự thảo Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra; báo cáo tổng kết việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch Thực thi công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; xây dựng và triển khai Định hướng Xác minh tài sản, thu nhập năm 2022...
Để đạt được kết quả đó, ngành Thanh tra luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của lớp lớp các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thanh tra, đặc biệt là sự tin tưởng và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, trước tình hình hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, khó lường hơn; tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp; công tác thanh tra cần tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm… Do đó, đòi hỏi ngành Thanh tra phải quyết tâm cao và nỗ lực lớn trong triển khai và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thời gian tới.
Năm 2023, ngành Thanh tra sẽ bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Thủ tướng Chính phủ và cấp uỷ, chính quyền các cấp để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, xây dựng ngành Thanh tra ngày càng vững mạnh, phát triển. Trong đó, tập trung phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm, tham nhũng, tiêu cực; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả thanh tra; đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về thanh tra; xây dựng và thực hiện văn hoá thanh tra, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thực hiện được mục tiêu, yêu cầu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Với tinh thần đó, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra quyết tâm thực hiện bằng được các mục tiêu và yêu cầu nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, ngành Thanh tra tập trung triển khai và xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được Quốc hội phê chuẩn để tổ chức thực hiện; tăng cường thanh tra công tác quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế, xã hội của các cấp, các ngành, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm; chú trọng kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực; quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.
Thực hiện nghiêm và đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra.
Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là bộ) trên các lĩnh vực quan trọng, chủ yếu; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai; khai thác tài nguyên, khoáng sản; thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.
Triển khai thanh tra chuyên đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; tiếp tục thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp; phối hợp với Bộ Công an theo dõi, nắm tình hình thực hiện một số dự án hạ tầng giao thông lớn...
Thứ hai, ngành Thanh tra tham mưu giúp thủ trưởng các cơ quan Nhà nước tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 7/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư; chú trọng xem xét, giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ ban đầu mới phát sinh tại cơ sở, địa phương, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%.
Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định số 1849/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 1910/KH-TTCP ngày 29/10/2021 và Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, kéo dài, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ người tố cáo, để người tố cáo bị trả thù, trù dập; cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo để công dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, thực hiện không nghiêm các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
Thứ ba, ngành Thanh tra triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Toàn quốc Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/1/2019 của Bộ Chính trị về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05-KL/TW ngày 3/6/2021 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, nhằm bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tiếp tục triển khai thực hiện những quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước; tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập; thực hiện quy định về công khai, minh bạch trên các lĩnh vực, đặc biệt trong quy hoạch, sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức… Chú trọng phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và trong việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật; đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực.
Thứ tư, ngành Thanh tra tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược.
Thanh tra Chính phủ tập trung hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, bộ máy và chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan thanh tra để thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước và các hoạt động nghiệp vụ; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-BCSĐ ngày 22/7/2022 của Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ về lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ; xây dựng và ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động đoàn thanh tra, trong đó chú trọng phân rõ trách nhiệm về việc đảm bảo tiến độ và chất lượng cuộc thanh tra, quy định chế tài xử lý khi có vi phạm đối với trưởng, phó trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra, người giám sát hoạt động đoàn thanh tra, người thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và người ký ban hành kết luận thanh tra; đồng thời, quy định những hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra, như: Cấm nhận tiền, quà, giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức; không được bỏ lọt, bỏ sót, bỏ qua hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra...
Ngành Thanh tra tiếp tục đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành; quyết tâm xây dựng ngành Thanh tra ngày càng vững mạnh; chú trọng việc giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ, năng lực, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra; không ngừng rèn luyện người cán bộ thanh tra văn hoá, gương mẫu, tận tuỵ, khách quan, công tâm, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Thanh tra là tai, mắt của trên, là người bạn của dưới”.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - 2025 là năm đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng. Với bề dày truyền thống tốt đẹp và sự nỗ lực, cố gắng, tận tụy, ngành Thanh tra được kỳ vọng tiếp tục đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, góp phần tích cực đưa Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hương Giang
(Thanh tra) - Từ khi thành lập đến nay, trải qua 79 năm, ngành Thanh tra Việt Nam không ngừng phấn đấu vươn lên ngày càng lớn mạnh, trưởng thành để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành Thanh tra Việt Nam là rất đáng tự hào. Ngành đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1990), Huân chương Sao Vàng (năm 2010), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2015) và nhiều phần thưởng cao quý khác…
Phương Hiếu - Ngọc Bích
Bích Tuệ
Phương Hiếu
Hoài Phương
Trọng Tài
TC
Trọng Tài
TKBT
PV
Hương Trà
Trần Quý
Trần Quý
Nam Dũng
T.Vân
Hải Hiếu
PV