Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã có kết luận liên quan đến Công ty Nam Sơn. Theo đó Thanh tra tỉnh đã làm rõ sự ra đời của công ty này, từ đó “tuýt còi” việc giao đất, cấp 2 GCNQSDĐ cho doanh nghiệp không đúng đối tượng, không đúng quy định.
HTX có được chuyển thành công ty?
Hợp tác xã (HTX) Xây dựng cầu đường Nam Sơn (viết tắt HTX Nam Sơn) được thành lập từ năm 1979.
Năm 1987, UBND thị xã Buôn Ma Thuột (nay là TP Buôn Ma Thuột) ban hành 2 quyết định (số 135 và số 94), giao QSDĐ có tổng diện tích 16,5 ha cho HTX này; thời gian được sử dụng đất 20 năm.
Ngày 12/1/1993, HTX này có đơn xin chuyển sang Công ty TNHH Cầu đường Nam Sơn (nay là Công ty TNHH Xây dựng Nam Sơn).
Thời điểm ấy, HTX vẫn còn một số khoản nợ: Công ty Ngoại thương 57.093,3kg cà phê nhân; nợ Ngân hàng Đầu tư 407.327.100 đồng; nợ thuế 46.986.260 đồng. Vì số còn nợ trên nên HTX Nam Sơn không giải thể được mà chuyển thể sang công ty để tiếp tục làm nghĩa vụ thanh toán công nợ.
Ngày 19/10/1992, UBND tỉnh cấp giấy phép thành lập Công ty Nam Sơn.
Ngày 28/01/1993, Trọng tài Kinh tế tỉnh cấp GCN đăng ký kinh doanh cho Công ty Nam Sơn.
Tại biên bản họp đại hội xã viên bất thường ngày 21/8/1992 của HTX Nam Sơn vàđdơn xin chuyển HTX có thể hiện nội dung chuyển đổi cơ chế HTX để thành lập công ty và khi công ty được thành lập sẽ kế thừa toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ của HTX.
Tuy nhiên, hồ sơ giải quyết thủ tục cấp giấy phép thành lập công ty và giải quyết cấp GCN đăng ký kinh doanh cho Công ty Nam Sơn, không có văn bản nào của cấp có thẩm quyền thể hiện HTX Nam Sơn được giải thể, chấm dứt hoạt động và cũng không có văn bản nào của cấp có thẩm quyền thể hiện HTX Nam Sơn được chuyển đổi thành Công ty Nam Sơn.
Bởi theo Điều 14 Luật Công ty năm 1990, muốn thành lập công ty, các sáng lập viên gửi đơn xin phép thành lập đến UBND tỉnh nơi dự định đặt trụ sở chính; không có quy định công ty TNHH được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ loại hình HTX.
|
|
UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận chủ trương cho Công ty Nam Sơn đầu tư dự án nhà ở thương mại tại khối 7 (phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) trên diện tích hơn 8 ha còn nguyên thổ đất nông nghiệp. Ảnh: AM |
Thanh tra tỉnh “tuýt còi”
Về mặt pháp lý thì HTX Nam Sơn vẫn còn đang tồn tại, chưa giải thể chấm dứt hoạt động.
HTX Nam Sơn và Công ty Nam Sơn là hai chủ thể khác nhau, độc lập và không có mối quan hệ chuyển đổi.
Thế nhưng, năm 2003, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 2824 về việc cấp 2 GCNQSDĐ cho Công ty Nam Sơn với tổng diện tích 174.787m2 tại phường Tân Lợi. Nguồn gốc đất là đất được giao (đất mà UBND thị xã Buôn Ma Thuột giao cho HTX Nam Sơn vào năm 1987), mục đích sử dụng là đất cà phê, thời hạn sử dụng đến năm 2023.
Một năm sau (tức năm 2004), Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) đề nghị thu hồi 2 GCNQSDĐ đã cấp Công ty Nam Sơn. Lý do thời hạn được ghi trong GCNQSDĐ đã cấp vượt quá thời hạn là 16 năm so với quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền.
Năm 2005, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 234 về việc thu hồi và hủy bỏ giá trị pháp đối với 2 GCNQSDĐ, đồng thời cũng ra Quyết định số 235, cho thu hồi 174.787m2 đất của Công ty Nam Sơn và giao cho UBND thành phố quản lý, bố trí sử dụng theo quy hoạch.
Thế nhưng năm 2018, UBND tỉnh Đắk Lắk lại chấp thuận chủ trương cho Công ty Nam Sơn đầu tư dự án nhà ở thương mại tại khối 7 (phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) trên diện tích hơn 8 ha còn nguyên thổ đất nông nghiệp.
Đến năm 19/3/2020, UBND tỉnh mới ban hành quyết định về việc hủy bỏ Quyết định số 234 và số 235. Nghĩa là lúc này, về mặt pháp lý, quyền sử dụng diện tích đất trên mới được khôi phục cho Công ty Nam Sơn.
Như vậy, UBND tỉnh Đắk Lắk rất bất nhất khi chấp thuận chủ trương dự án trên chính phần đất đã quyết định thu hồi và lại cho chính doanh nghiệp bị thu hồi đất làm dự án.
Đến năm 2023, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk kết luận, việc giao đất, cấp 2 GCNQSDĐ trên cho Công ty Nam Sơn là không đúng đối tượng sử dụng đất và không đúng thời hạn sử dụng đất đã được UBND thị xã Buôn Ma Thuột giao.
Bởi đối tượng được cấp GCNQSDĐ là “Công ty Nam Sơn”, trong khi đó nguồn gốc đất lại dựa trên quyết định giao đất của UBND thị xã Buôn Ma Thuột cho “HTX Nam Sơn”. Hai chủ thể độc lập và không có mối quan hệ chuyển đổi. Như vậy, việc UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ cho Công ty Nam Sơn là không đúng đối tượng sử dụng đất.
Chưa kể, thời hạn sử dụng đất ghi trong 2 GCNQSDĐ đã cấp cho Công ty Nam Sơn là đến năm 2023. Trong khi đó, thời hạn sử dụng đất là tại 2 quyết định giao đất của UBND thị xã Buôn Ma Thuột là 20 năm. Như vậy, thời hạn sử dụng đất tại 2 GCNQSDĐ trên vượt 16 năm so với thời hạn sử dụng đất tại quyết định giao đất ban đầu của UBND thị xã Buôn Ma Thuột.
Do đó, Thanh tra tỉnh kiến nghị thu hồi 2 GCNQSDĐ đã cấp cho Công ty Nam Sơn cách đây hơn 20 năm (tức năm 2003), cũng như huỷ bỏ quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền cho doanh nghiệp này.
Đồng thời, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk còn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc hoạt động của HTX Nam Sơn kể từ khi Công ty Nam Sơn được thành lập cho đến nay.
Theo báo cáo của UBND TP Buôn Ma Thuột, trên địa bàn thành phố không có tên HTX Nam Sơn đang hoạt động; báo cáo của Liên Minh HTX tỉnh Đắk Lắk và Chi cục Thuế thành phố cũng xác nhận tính đến thời điểm báo cáo không quản lý HTX Nam Sơn.
Suýt bị mất 43.061m2 công
Theo tài liệu của PV, ngay sau khi Công ty Nam Sơn được cấp 2 GCNQSDĐ có tổng diện tích 174.787 m2, thì doanh nghiệp này lập tức trình UBND tỉnh xin phép chuyển nhượng 43.061 m2 đất để lấy tiền trả nợ ngân hàng. Đề nghị này của công ty được UBND tỉnh chấp nhận. Doanh nghiệp nhanh chóng làm thủ tục chuyển nhượng cho 4 hộ gia đình là thành viên công ty (Hộ ông Trần Văn Phương: 8.614 m2; hộ ông Võ Ngọc Phối: 11.032 m2; hộ ông Trần Xuân Quảng: 18.176 m2; hộ ông Trần Mạnh Quân: 5.239 m2).
Việc cho phép chuyển nhượng không đúng quy định này đã được Sở TN&MT phát hiện, cấp báo lên UBND tỉnh Đắk Lắk. Tỉnh này lập tức giao Sở TN&MT đình chỉ ngay các thủ tục chuyển nhượng QSDĐ nêu trên.
Liên quan đến dự án nhà ở thương mại tại khối 7 do Công ty Nam Sơn làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận vào năm 2022, chỉ ra nhiều sai phạm, yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk xử lý dứt điểm.
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục phản ánh.