Phát hiện nhiều sai phạm
Ngày 29/12/2023, Chánh Thanh tra tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Phụng đã ký ban hành Kết luận thanh tra số 32/KL-TT về việc thanh tra công tác điều hành, quản lý và sử dụng tài sản công, các nguồn tài chính tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh (sau đây viết tắt là Trung tâm) giai đoạn từ năm 2013 tới 2022. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm.
Cụ thể, về chứng từ kế toán năm 2013, qua thanh tra cho thấy, sau khi Sở Nội vụ quyết toán kinh phí năm 2013, bà Đinh Thị Cẩm Nhung không kịp thời nhận lại chứng từ, dẫn đến mất chứng từ kế toán… bà Nhung đã báo cáo việc mất chứng từ nhưng Giám đốc Trung tâm không thực hiện các công việc theo quy định tại Điều 41 của Luật Kế toán năm 2003.
Về quy chế chi tiêu nội bộ, Trung tâm có xây dựng quy chế nhưng không tổ chức thảo luận rộng rãi, dân chủ; không gửi dự thảo quy chế cho cơ quan quản lý cấp trên để lấy ý kiến là thực hiện chưa đúng quy định.
Qua thanh tra việc chấp hành công tác tài chính kế toán từ khâu lập dự toán đến khi quyết toán nguồn kinh phí xác định, hàng năm, Giám đốc Trung tâm không xây dựng kế hoạch tự kiểm tra tài chính, kế toán trong đơn vị theo các nội dung được quy định tại Quyết định số 67/2004/QĐ-BTC ngày 13/8/2004 của Bộ Tài chính về việc ban hành “quy chế tự kiểm tra tài chính, kế toán tại các cơ quan quan, đơn vị có sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước”.
Trong năm 2022, Trung tâm không thực hiện nộp ngân sách Nhà nước kinh phí thường xuyên (nguồn tự chủ) số tiền hơn 118 triệu đồng là thực hiện không đúng quy định tại khoản 1, Điều 2 Quyết định số 1944/QĐ-UBND ngày 4/8/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong niên độ thanh tra, Giám đốc Sở Nội vụ đã ban hành 30 quyết định về tặng giấy khen, công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, lao động tiên tiến cho tập thể và cá nhân của Trung tâm với số tiền gần 170 triệu đồng. Trong đó, quyết định khen thưởng có ghi kèm theo số tiền tặng thường và lấy tiền từ kinh phí khen thưởng của Trung tâm được Sở Nội vụ giao hàng năm để chi cho các đối tượng khen thưởng. Việc làm này là thực hiện chưa đúng quy định về chi khen thưởng.
Liên quan tới nguồn kinh phí không thường xuyên, kết luận cho biết, Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách Nhà nước đảm bảo lương và các khoản đóng góp theo lương. Nhưng Trung tâm áp dụng đơn giá tiền lương bao gồm các khoản đã được ngân sách Nhà nước đảm bảo để làm cơ sở thanh toán tiền công cho cán bộ, công chức, viên chức của Trung tâm trực tiếp thực hiện chỉnh lý tài liệu giấy là không hợp lý. Từ đó dẫn đến chi thanh toán tiền công cho toàn viên chức Trung tâm vượt số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Qua thanh tra nguồn thu dịch vụ từ năm 2021-2022 cho thấy, Trung tâm áp dụng công thức tính đơn giá tiền lương chỉnh lý tài liệu cho cán bộ, viên chức của Trung tâm trực tiếp thực hiện chỉnh lý tài liệu giấy sai Thông tư số 12/2010/TT-BNV của Bộ Nội vụ, dẫn đến thu thừa của 4 đơn vị với số tiền hơn 580 triệu đồng.
Bên cạnh đó, việc mua sắm văn phòng phẩm cũng chưa đúng trình tự, thủ tục. Thậm chí, việc mua sắm văn phòng phẩm có giá trị trên 100 triệu đồng không thực hiện thuê đơn vị thẩm định giá để làm cơ sở lập dự toán mua sắm… Việc thu, chi nguồn phí, lệ phí cũng được xác định là chưa đảm bảo theo quy định.
Chuyển cơ quan điều tra
Đáng chú ý, qua thanh tra quỹ đời sống của Trung tâm cho thấy có dấu hiệu của hành vi phạm tội “lập quỹ trái phép và “tham ô tài sản”. Tổng số tiền Trung tâm đã lập và sử dụng quỹ đời sống là hơn 4 tỷ đồng, bao gồm 2 nguồn hình thành. Nguồn hình thành từ nguồn thu hoa hồng để lại với tổng số tiền hơn 450 triệu đồng. Trung tâm không nhập quỹ cơ quan mà thành lập quỹ đời sống; không đưa vào hệ thống sổ sách kế toán để theo dõi, quản lý; không lập chứng từ thu, chi; không hạch toán kế toán, không có báo cáo tài chính. Hành vi này có dấu hiệu phạm tội “lập quỹ trái phép được quy định tại Điều 205 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Một nguồn khác là hình thành từ khoản tiền cá nhân nộp lại từ tiền công chỉnh lý tài liệu với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng. Đây là khoản tiền đóng góp của các viên chức Trung tâm. Quá trình thực hiện thu, chi, Giám đốc Trung tâm không thông qua Ban Giám đốc và tập thể viên chức là việc làm không công khai, minh bạch. Việc làm của Giám đốc tạo sự hoài nghi, phát sinh đơn yêu cầu, kiến nghị của viên chức.
Cùng với đó, việc viên chức không thống nhất một số khoản chi ngoài mục đích chi thu nhập, hỗ trợ khó khăn cho viên chức khi không thực hiện chỉnh lý tài liệu và đề nghị Giám đốc Trung tâm có trách nhiệm hoàn trả lại tiền cho viên chức là yêu cầu chính đáng.
Đối với khoản chi (Giám đốc Trung tâm báo cáo) hỗ trợ cho tập thể và cá nhân ngoài Trung tâm số tiền hơn 880 triệu đồng, qua xác minh, có 1/7 tập thể không thừa nhận có nhận số tiền 8 triệu đồng, có 52/58 cá nhân không thừa nhận đã nhận số tiền hơn 370 triệu đồng. Điều này cho thấy, các khoản chi nêu trên không có căn cứ xác định là có thật toàn bộ; hiện nay khoản tiền trên không còn tồn quỹ tiền mặt và không thể hiện trên số dư tài khoản tiền gửi. Hành vi trên có dấu hiệu phạm tội “tham ô tài sản” được quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Chánh Thanh tra tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi, nộp vào tài khoản tạm giữ, chờ xử lý của Thanh tra tỉnh số tiền hơn 4,2 tỷ đồng… Đồng thời, Chánh Thanh tra tỉnh cũng đã chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền đối với việc thành lập và sử dụng quỹ đời sống với số tiền hơn 4 tỷ đồng.
Cùng với đó, Chánh Thanh tra đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Trần Quốc Việt - Giám đốc Trung tâm và bà Đinh thị Cẩm Nhung đối với những thiếu sót, sai phạm đã nêu trong kết luận thanh tra.