Chưa thực hiện hoàn nguyên
Ngoài những sai phạm đã được Báo Thanh tra nêu ở bài trước, tại kết luận, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ rõ, đối với mỏ khai thác đất phục vụ công tác san lấp của D.A, theo báo cáo, các đơn vị đã dừng việc khai thác đất tại vị trí mỏ đất Quang Hanh, TP Cẩm Phả; hiện trường không có máy, thiết bị phục vụ khai thác.
Thực tế cho thấy, thời tiết, thủy văn, địa chất khu vực... đã tác động và làm thay đổi địa hình khu vực mỏ; dẫn đến, khó xác nhận được cao độ, hiện trạng sau khi kết thúc khai thác để xác định khối lượng đã thực hiện. Cùng với đó, phần khối lượng thực hiện tại hiện trường D.A đã được che phủ bởi kết cấu khác.
“CĐT, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với khối lượng khai thác tại mỏ đất, ranh giới quy hoạch mỏ khai thác của D.A” - kết luận nêu rõ.
Hiện nay, sau khi kết thúc khai thác, khu vực mỏ có nguy cơ bị sạt trượt, tác động xấu đến môi trường xung quanh; xuất hiện các hố, mái taluy âm làm ảnh hưởng đến an toàn khu vực; tuy nhiên, các hoạt động hoàn nguyên chưa được triển khai thực hiện.
Lý giải về nguyên nhân, theo kết luận thanh tra, hiện nay, mặc dù đã kết thúc quá trình khai thác đất nhưng tổng thể D.A vẫn chưa hoàn thành dứt điểm.
Đồng thời, trong việc cải tạo, phục hồi môi trường mỏ khai thác đất, CĐT cần phối hợp với địa phương để rà soát quy hoạch mỏ khai thác đất dự kiến trong tương lai, trên cơ sở đó xây dựng phương án cải tạo, phục hồi môi trường hiệu quả, nhằm tránh lãng phí. Do đó, việc lập và thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường chưa thể triển khai thực hiện.
Liên quan đến các vị trí đổ thải và mỏ khai thác đất phục vụ công tác san lấp của D.A, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh yêu cầu, UBND TP Cẩm Phả, UBND TP Hạ Long phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý D.A đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh để xác định và thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường…
Quá trình thực hiện, cần đánh giá, xem xét tính hợp lý, khả thi của báo cáo đánh giá tác động môi trường; tổng thể về quy hoạch, dự kiến kế hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu khai thác đất, đổ thải trong tương lai và hoạt động xây dựng trên địa bàn đề tránh lãnh phí nguồn lực đầu tư trong quá trình hoàn nguyên môi trường.
|
|
Do thiếu khu vực đổ thải đất dư thừa, vì thế nhà thầu rất khó khăn trong công tác tổ chức thi công. Ảnh: TTTT |
Trường hợp không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường do nhu cầu sử dụng đất trong tương lai, các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát các vị trí có khả năng sạt lở, gây ảnh hưởng đến an toàn dân sinh, môi trường để đề xuất CĐT xây dựng phương án xử lý đảm bảo an toàn, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư.
Còn chủ quan, chưa làm “tròn” nhiệm vụ
Làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, sai phạm trên, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cho rằng, về khách quan, đây là D.A lớn, có tính đặc thù, phức tạp về thiết kế, địa chất, địa hình. Quá trình thi công phát sinh nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn công trình cần phải điều chỉnh, bổ sung thiết kế làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện D.A; gây lúng túng trong khâu giám sát, xử lý hiện trường…
D.A có yêu cầu cao về tiến độ; nhiều hạng mục trải dài trên toàn tuyến; nhiều vị trí thi công gặp khó khăn do giáp biển, ảnh hưởng bởi thủy triều, dẫn đến việc giám sát, kiểm soát khối lượng, đôn đốc nhà thầu thi công chưa đảm bảo tính chính xác để kịp thời điều chỉnh hợp đồng, đáp ứng theo tiến độ đã ký; quá trình thực hiện phải tập trung thi công các hạng mục chính đảm bảo theo tiến độ, do đó, còn một số hạng mục phát sinh chưa được nhà thầu chú trọng thi công dứt điểm.
Ngoài ra, D.A triển khai trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 (năm 2020, 2021), chịu ảnh hưởng bởi yếu tố giãn cách xã hội nên khó khăn trong huy động nhân công, máy móc; đơn giá vật tư, thiết bị có nhiều biến động... làm ảnh hưởng chung đến tiến độ D.A.
Về chủ quan, đơn vị tư vấn thiết kế, lập dự toán còn chủ quan, chưa làm tốt nhiệm vụ khảo sát, đánh giá toàn diện hiện trạng địa chất, thủy văn dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung thiết kế, phát sinh khối lượng nhiều lần; một số nội dung thiết kế chưa phù hợp với thực tế thi công.
Ban Quản lý D.A đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh là CĐT, chịu trách nhiệm quản lý D.A nhưng chưa kịp thời trong việc rà soát, tổng hợp nội dung điều chỉnh, bổ sung trình UBND tỉnh đồng ý, chấp thuận, đảm bảo cơ sở pháp lý khi triển khai D.A, thanh quyết toán chi phí đầu tư.
Quá trình thực hiện D.A, các cán bộ kỹ thuật chịu trách nhiệm giám sát của CĐT có lúc, có việc còn chủ quan, chưa chủ động, sát sao trong việc đôn đốc nhà thầu thi công và tham mưu rà soát, báo cáo kịp thời CĐT để thực hiện các nội dung điều chỉnh, bổ sung.
Bên cạnh đó, có nhà thầu thi công trách nhiệm chưa cao, để xảy ra tồn tại trong quá trình thi công; chưa đảm bảo về tiến độ; chưa kịp thời đề xuất, tham mưu CĐT điều chỉnh các nội dung phát sinh, thay đổi so với hồ sơ thiết kế, dự toán được duyệt, hợp đồng đã ký kết.
Căn cứ kết quả thanh tra, cùng với một số nội dung kiến nghị khác, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu Ban Quản lý D.A đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh thực hiện kiến nghị qua thanh tra số tiền gần 3,5 tỷ đồng trước khi A-B quyết toán.
Đồng thời, tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể có liên quan.
Các nội dung kiến nghị tại Kết luận thanh tra sẽ được triển khai thực hiện thế nào? Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin.