Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thanh tra Chính phủ phản hồi kiến nghị về tăng thời gian thực hiện luân chuyển công chức cấp xã

Phương Anh

Thứ sáu, 13/09/2024 - 22:28

(Thanh tra) - Cử tri cho rằng nếu theo quy định hiện tại thì nhiều công chức vừa mới làm quen được công việc đã phải chuyển công tác dẫn đến chất lượng, hiệu quả công việc không đạt yêu cầu. Do vậy đề nghị cần nghiên cứu tăng thời gian phải thực hiện luân chuyển lên mức từ 5 năm đến 10 năm để đảm bảo chất lượng và hiệu quả công việc.

Thanh tra Chính phủ cho biết, chuyển đổi vị trí công tác là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Ảnh: PV

Tại báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV của Thanh tra Chính phủ (TTCP), cử tri tỉnh Hải Dương kiến nghị sửa đổi quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Cụ thể, Luật PCTN có quy định về việc định kỳ luân chuyển đối với một số vị trí công tác, thời hạn luân chuyển là từ 2 đến 5 năm, trong đó có công chức cấp xã.

Tuy nhiên, một số vị trí công chức cấp xã trong danh mục chức danh cần luân chuyển định kỳ là những vị trí công tác ngoài yêu cầu về chuyên môn thì cần phải sâu sát với cơ sở, nắm chắc địa bàn, phong tục, tập quán, văn hoá vùng miền… để hỗ trợ công tác chuyên môn (nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn).

Nếu quy định như hiện tại thì nhiều công chức vừa mới làm quen được công việc đã phải chuyển công tác dẫn đến chất lượng, hiệu quả công việc không đạt yêu cầu.

Cử tri tỉnh Hải Dương đề nghị riêng đối với công chức cấp xã cần nghiên cứu tăng thời gian phải thực hiện luân chuyển lên mức từ 5 năm đến 10 năm để đảm bảo chất lượng và hiệu quả công việc.

Trả lời cử tri về vấn đề này, TTCP cho biết, chuyển đổi vị trí công tác là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Theo TTCP, mục đích của giải pháp này nhằm phòng ngừa tình trạng cán bộ công tác tại một vị trí, một bộ phận quá lâu dẫn đến việc nắm bắt được những sơ hở về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực mình công tác, quản lý để lợi dụng thực hiện hành vi tiêu cực; có sự móc ngoặc, thông đồng với đối tượng bị quản lý để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực; khắc phục tình trạng cục bộ trong từng địa phương, đơn vị; nhằm kiểm soát công việc lẫn nhau, người làm việc sau kiểm tra công việc của người trước đó, góp phần ngăn chặn hành vi tiêu cực và tăng cường ý thức kỷ luật công tác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức.

Việc chuyển đổi vị trí công tác không những tạo môi trường, điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ mà còn giúp họ tích luỹ kinh nghiệm thực tế ở những vị trí công tác khác nhau.

Ngoài ra, việc chuyển đổi vị trí công tác cũng góp phần điều chỉnh, tăng cường cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ cho các lĩnh vực quản lý, địa bàn cần thiết khi có yêu cầu (đặc biệt là các địa bàn biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa…).

“Đây là biện pháp quan trọng để rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có điều kiện dể tiếp cận và thông thạo nhiều lĩnh vực công việc ở nhiều vị trí khác nhau, có năng lực thực tiễn để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao khi có yêu cầu”, TTCP nhấn mạnh.

TTCP thông tin, Điều 25 của Luật PCTN năm 2018 quy định: “Người có chức vụ, quyền hạn làm việc tại một số vị trí liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác phải được chuyển đổi vị trí công tác”.

Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 2 năm đến 5 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực. Luật PCTN đã giao Chính phủ quy định chi tiết vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chính quyền địa phương. Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội quy định chi tiết vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

Căn cứ vào quy định này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN quy định các vị trí công tác cụ thể phải chuyển đổi trong 18 ngành, lĩnh vực tại phụ lục ban hành kèm theo nghị định.

Bên cạnh đó, Chính phủ giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực tại chính quyền địa phương để tổ chức thực hiện.

Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 59/2019-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ đã quy định về danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực tại chính quyền địa phương.

Tuy nhiên danh mục vị trí nêu trên chỉ là quy định chung, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của cơ quan, đơn vị mình theo nguyên tắc: Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 2 năm đến 5 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực. Danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi thực hiện theo Phụ lục kèm theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức cấp xã ở một số địa phương còn gặp một số khó khăn, bất cập, như: chỉ có 1 chức danh có chuyên môn đặc thù, khoảng cách địa lý ở khu vực miền núi, chính sách đãi ngộ chưa đồng bộ…

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, TTCP với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về PCTN sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN có liên quan để tham mưu Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung những quy định còn chưa phù hợp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm