Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ được ban hành kế hoạch thanh tra sau khi được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt định hướng

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết, ngày 30/5/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có văn bản yêu cầu Thanh tra Chính phủ (TTCP) thống nhất với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan về các nội dung còn có ý kiến khác nhau quy định tại dự thảo nghị định. Trong đó, lưu ý về thẩm quyền ban hành kế hoạch thanh tra của Thanh tra Cơ yếu; việc quy định Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ bồi dưỡng đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; việc xác định cơ quan thanh tra chuyên ngành, cơ quan đuợc giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đối với chi cục.

Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành rà soát các luật chuyên ngành và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, xem xét bổ sung các tổng cục, cục thuộc bộ được thành lập cơ quan thanh tra theo quy định. Xác định rõ tiêu chí, điều kiện và phạm vi quản lý Nhà nước của các ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế  - xã hội làm căn cứ để Chính phủ quy định các tổng cục, cục thuộc bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành, bảo đảm công khai, minh bạch.

Tổng Thanh tra yêu cầu các đại biểu dự họp tập trung cho ý kiến về các nội dung trên để TTCP hoàn thiện nội dung nghị định để kịp thời ban hành cùng với thời gian Luật Thanh tra 2022 có hiệu lực (1/7/2023).

Giải trình về các nội dung trên, theo TTCP, do Ban Thanh tra Cơ yếu không nằm trong cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng, nên kế hoạch thanh tra của Ban Cơ yếu không nằm trong kế hoạch thanh tra của Bộ Quốc phòng. Để phù hợp hơn với tinh thần của Luật Cơ yếu, TTCP tiếp thu và hoàn thiện lại quy định này theo hướng Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ ban hành kế hoạch thanh tra sau khi được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt định hướng.

Đối với việc quy định Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định chế độ bồi dưỡng đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, TTCP cho rằng quy định này được kế thừa từ quy định tại khoản 1, Điều 13 của Nghị định số 07/2012/NĐ-CP quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt dộng thanh tra chuyên ngành.

Trên cơ sở này, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2014/QĐ-TTg quy định chế độ bồi dưỡng đối với công chức thanh tra chuyên ngành. Đây là hoạt động có tính đặc thù của công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; mức chi là 80.000 đồng/ngày, tính theo ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quyết định thanh tra.

Hiện nay, Luật Thanh tra 2022 vẫn tiếp tục quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, nên việc có quy định này là phù hợp để tiếp tục thực hiện chế độ bồi dưỡng cho người được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và làm cơ sở cho việc ban hành Quyết định thay thế cho Quyết định số 12/2014/QĐ-TTg.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: TH

Lý do không giao cho các chi cục chức năng thanh tra chuyên ngành

Việc xác định cơ quan thanh tra chuyên ngành, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành đối với chi cục, TTCP cho biết, các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành chủ yếu làm công tác kiểm tra, mà ít thực hiện thẩm quyền thanh tra, nhất là đối với các chi cục thuộc sở, chi cục thuộc cục, thuộc bộ và chi cục thuộc cục, thuộc tổng cục. Điều này được lý giải do tiến hành thanh tra phải bảo đảm đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục theo quy định nên các chi cục về cơ bản chỉ thực hiện kiểm tra với trình tự, thủ tục đơn giản, nhanh gọn.

Bên cạnh đó, hiện nay, một số chi cục đề nghị không thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành mà trả về cho thanh tra sở thực hiện (các chi cục thuộc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn).

Vì vậy, dự thảo nghị định quy định giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cho cấp tổng cục, cục thuộc bộ và cục thuộc tổng cục mà không quy định giao cho các chi cục như hiện nay vì những lý do trên.

“Các chi cục sẽ thực hiện hoạt động kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm. Nếu có nội dung vượt quá chức năng kiểm tra, cần thanh tra thì báo cáo để cơ quan thanh tra cấp trên tiến hành thanh tra. Các nội dung cần thanh tra thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của các chi cục có thể được thanh tra bởi các cơ quan có chức năng thanh tra của bộ, tổng cục, cục thuộc bộ, cục thuộc tổng cục, thanh tra sở và thanh tra tỉnh (đối với lĩnh vực không tổ chức thanh tra sở). Vì vậy, luôn bảo đảm trong bất kỳ lĩnh vực, nội dung quản lý Nhà nước nào cũng có thanh tra” , TTCP cho hay.

TTCP cũng cho biết, hiện nay không có chi cục nào được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, vì vậy không có quy định về hoạt động cơ cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đối với chi cục trong dự thảo.

Đối với  tiêu chí thành lập cơ quan thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ trong dự thảo nghị định được thực hiện theo tiêu chí quy định tại luật và theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và tại tổng cục, cục thuộc bộ đó có phạm vi đối tượng quản lý Nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 11 cơ quan thanh tra được quy định tại Điều 15 của dự thảo nghị định có 4 cơ quan được thành lập theo luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như: Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam, Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam, Thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

7 cơ quan còn lại được thành lập theo tiêu chí “có phạm vi đối tượng quản lý Nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phúc tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội” gồm: Thanh tra Kho bạc Nhà nước, Thanh tra Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Thanh tra Tổng cục Hải quan, Thanh tra Tổng Giáo dục nghề nghiệp, Thanh tra Tổng cục Thuế, Thanh tra Tổng cục Thống kê, Thanh tra Cục Bổ trợ tư pháp.

Một số tổng cục hiện nay không đề xuất thành lập cơ quan thanh tra như Tổng cục Quản lý thị trường hoặc có đề nghị thôi không thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành như Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài…

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đều thống nhất với dự thảo nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đã được Bộ Tư pháp thẩm định.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại cuộc họp.

Đồng thời, khẳng định TTCP sẽ tiếp thu các ý kiến về những vấn đề liên quan theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng để hoàn thiện và điều chỉnh dự thảo nghị định, sớm ban hành theo quy định.

Thái Hải