Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vụ kiện cuối năm

Thứ sáu, 07/01/2011 - 23:41

(Thanh tra)- Vào dịp năm hết Tết đến, có rất nhiều chuyện phải lo toan ở cơ sở, nhưng chính quyền xã Điện Phương và huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đang phải đau đầu vì một vụ kiện tập thể về tranh chấp đất đình làng Đông Khương...

Đình làng Đông Khương được xây dựng hơn 100 năm nay

“Ông Từ” chiếm đất của làng? 

Chuyện cả làng Đông Khương khiếu nại (KN) đòi đất đình làng Đông Khương (thôn Đông Khương 2, xã Điện Phương, được tạo lập từ hơn 100 năm nay để thờ các bậc tiền nhân của hơn 60 Chư tộc phái đã dày công khai phá vùng đất này) đang rộ lên trong những ngày cuối năm.


Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi gặp Hội đồng Chư tộc phái làng Đông Khương, gồm ông Đỗ Ngọc Kỳ, Trưởng ban Cố vấn; ông Đoàn Văn Bá, Trưởng ban Thường trực, đều trên dưới 70 tuổi. Theo ông Kỳ, ngôi đình làng cùng ngôi nhà thờ các bậc tiền nhân được xây dựng cùng một thời gian và tọa lạc ở hai nơi khác nhau. Dựa vào bi ký còn lưu lại, thời gian tái thiết đình làng nhằm vào năm Thành Thái lục niên (1893). Đến năm 1961, đình làng và nhà thờ tự được nhập lại một nơi, dành đất xây dựng Trường Tiểu học Đông Khương (hiện nay chuyển làm Nhà văn hóa thôn Đông Khương 2). Trước đây, làng giao cho ông Nguyễn Chi làm Thủ từ (gọi là ông Từ) trông coi, kế đến đời con là Nguyễn Hoanh thay thế vị trí này. Về sau, ông Lê Cẩn nhận làm ông Từ. Đến năm 1973, ông Cẩn chuyển cho cháu ruột là ông Lê Hòa làm ông Từ cho đến nay. Người làm Thủ từ được sinh sống và canh tác trên diện tích đất của đình làng, lấy sản phẩm thu được để sinh hoạt và góp phần lo hương khói vào các dịp hội hè, cúng tế tại đình làng.


Sự việc sẽ chẳng có gì nếu ông Lê Hòa không cắt đất của đình làng bán cho người cháu 180m2 để xây dựng nhà kiên cố vào giữa năm 2008. Hội đồng Chư phái tộc hỏi nguyên do thì ông Hòa cho biết: "Đất của tôi thì tôi có quyền bán, vì tôi có đủ giấy tờ rồi...". Nói đoạn, ông Hòa đưa cho mọi người xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Điện Bàn cấp ngày 16/11/1995 với diện tích 2.540m2 đứng tên ông Lê Hoà. Hội đồng Chư phái tộc không ngờ ông Hòa đã biến toàn bộ đất đình làng thành đất riêng của mình... Vì vậy, Hội đồng Chư phái tộc thống nhất làm đơn KN việc cấp đất đình làng cho ông Hoà.

Đất của đình làng hay đất của ông Lê Hoà?

Vụ việc vẫn chưa có hồi kết


Đơn KN về chiếm đất làng với chữ ký của hơn 40 hộ đại diện Chư tộc phái ở Đông Khương được gửi lên UBND xã Điện Phương. Ngày 11/9/2008, UBND xã tổ chức cuộc họp giải quyết đơn với đầy đủ các thành phần, trong đó có Hội đồng Chư phái tộc làng Đông Khương và ông Lê Hòa. Tuy nhiên, cuộc họp chỉ kết luận chung chung: "Trong khi chờ đợi UBND xã tiếp tục giải quyết, thì Hội đồng Chư tộc phái không nên gửi đơn lên cấp trên, hoặc có xô xát nhau làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội...". Đến ngày 14/10/2008, UBND xã tiếp tục họp để giải quyết đơn nhưng cũng không đưa ra được kết luận. Bên KN vẫn nhất định đòi lại đất của làng, còn ông Lê Hòa vẫn khẳng định đó là đất hợp pháp của ông vì đã được cấp sổ đỏ.


Tiếp đó, UBND xã Điện Phương đề nghị Hội đồng Chư phái tộc làng Đông Khương gửi đơn KN đến TAND huyện để giải quyết, nhưng tòa cho rằng việc này không thuộc thẩm quyền vì Hội đồng Chư phái tộc làng Đông Khương không có sổ đỏ đất đình làng... Họ được hướng dẫn gửi đơn lên UBND huyện, huyện lại hướng dẫn chuyển tới tòa án và tòa lại chuyển về xã, về huyện... Cứ thế, lá đơn chạy lòng vòng suốt gần 2 năm qua. Mãi đến ngày 22/10/2010, UBND xã Điện Phương có Công văn số 20/CV-UBND về việc giải quyết đơn kiến nghị của nhân dân thôn Đông Khương. Theo đó, UBND xã bác đơn KN của 42 hộ dân thôn Đông Khương vì việc cấp sổ đỏ cho ông Lê Hòa là đúng quy định Luật Đất đai. Căn cứ theo Luật KN, tố cáo, đề nghị các hộ dân lập thủ tục KN đúng theo quy định và gửi đơn đến cấp có thẩm quyền giải quyết.


Không đồng tình, Hội đồng Chư phái tộc làng Đông Khương tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng và UBND huyện để xem xét giải quyết. Các vị cao niên của làng Đông Khương đều cho biết, kể từ năm 1961, đình làng được sửa chữa vẫn nằm nguyên vẹn trên khu đất có từ 100 năm nay. Nơi đây thường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như cúng tế tiền hiền, sinh hoạt chi hội khuyến học và là nơi bảo tồn, phát triển nghề chạm khắc gỗ, gốm đỏ truyền thống của làng. Hội đồng Chư phái tộc và bà con rất quan tâm đến vấn đề tu bổ và giữ gìn truyền thống tổ tiên có từ lâu đời của đình làng, đáp ứng nhu cầu tham quan của khách du lịch... Đình làng cũng đang được đề nghị công nhận là di sản lịch sử văn hóa, nhưng đất đai, cảnh quan bị xâm lấn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy di sản văn hóa này.


Người dân mong muốn chính quyền sở tại xác minh kỹ lưỡng, đưa ra quyết định giải quyết công tâm, thấu tình đạt lý, trả lại sự thanh tịnh vốn có của đình làng cổ kính và người dân nơi này.

 Nguyên Ngọc Phó  

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

An Giang: Dự kiến tiến hành 102 cuộc thanh tra trong năm 2025

An Giang: Dự kiến tiến hành 102 cuộc thanh tra trong năm 2025

(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng đã ký ban hành kế hoạch thanh tra năm 2025. Tại kế hoạch, Thanh tra tỉnh, thanh tra các sở và thanh tra huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh dự kiến tiến hành 102 cuộc thanh tra.

Cảnh Nhật

14:16 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm