Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

7 năm vẫn nằm trên giấy

Thứ ba, 10/04/2012 - 06:26

(Thanh tra)- Năm 1995, trước nhu cầu của cư dân khu tập thể Nghĩa Tân, huyện Từ Liêm (nay là quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã triển khai xây dựng chợ Nghĩa Tân với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.

Với chủ trương xã hội hóa việc xây dựng chợ, TP chỉ cấp 400 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Còn lại, vốn huy động của các hộ dân tham gia kinh doanh với mức thấp nhất là 6,5 triệu đồng. Kinh phí thu được từ đấu thầu, cho thuê chỗ lên tới hơn 3 tỷ đồng.

Sau 10 năm đưa vào sử dụng, chợ Nghĩa Tân trở nên quá tải và xuống cấp. Năm 2005, TP phê duyệt chủ trương đầu tư công trình xây dựng, cải tạo chợ Nghĩa Tân theo phương thức xã hội hóa.

Trước xu thế chung của Hà Nội lúc đó, việc xây dựng, cải tạo chợ Nghĩa Tân đã đi theo hướng đầu tư xây dựng Chợ - Văn phòng và Trung tâm thương mại với quy mô từ 7 - 9 tầng.

Sau khi có chủ trương, gần 500 hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ cũ có đơn thư tập trung vào một số nội dung: Việc chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác và đầu tư xây dựng chợ không đúng; dự án xây dựng chợ không đủ tính pháp lý, không công khai, giả mạo chữ ký của các hộ kinh doanh trong phương án đền bù.

Tuy nhiên, đến ngày 6/1/2010, UBND quận Cầu Giấy mới có Thông báo kết luận số 01 về việc giải quyết nội dung tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân. Theo đó, UBND quận thừa nhận một số thiếu sót trong quá trình triển khai dự án như: Nội dung chỉ dẫn trong hồ sơ mời thầu chưa thống nhất với bản vẽ quy hoạch tổng thể mặt bằng được UBND quận phê duyệt, quy hoạch một đằng mời thầu một nẻo; quá trình thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ di chuyển, chi trả tiền cho các hộ có việc chưa đúng quy trình…

Không đồng tình với thông báo kết luận của UBND quận, các hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân tiếp tục có đơn tố cáo gửi UBND TP.

Ngày 24/11/2010, UBND TP Hà Nội có Thông báo số 410/TB-UBND kết luận đơn tố cáo, phản ánh của công đân chợ Nghĩa Tân, trong đó chỉ ra rất nhiều sai sót trong tổ chức chỉ đạo của UBND quận Cầu Giấy, Ban Quản lý chợ và chủ đầu tư.

Nội dung công dân tố cáo Ban Quản lý chợ và chủ đầu tư lập hồ sơ khống, giả mạo chữ ký của các hộ, cơ quan thanh tra đã xác minh và khẳng định có việc chữ ký tại biên bản xác định giá trị tại quầy không giống với chữ ký tại dự thảo phương án đền bù nhưng vẫn được Trưởng Ban Quản lý chợ ký xác nhận. Một số trường hợp, chủ hộ không ký mà lại lấy chữ ký của nhân viên phụ giúp bán hàng.

Đáng chú ý, khi Thanh tra thành phố tiến hành giải quyết đơn tố cáo thì chủ đầu tư khai báo để mất 68 bộ hồ sơ giải phóng mặt bằng. Đây chính là những điểm mập mờ gây thắc mắc, khiếu kiện.

Đặc biệt, khi chưa có quyết định thu hồi đất của UBND thành phố, nhưng UBND quận và nhà đầu tư đã cho triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Chưa hết, UBND quận phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà thầu rồi mới báo cáo UBND thành phố theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”.

Tiếp đó, ngày 24/1/2011, UBND TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi 5.499m2 đất cho Cty Cổ phần Thương mại Cầu Giấy (đơn vị trúng thầu từ năm 2008) thuê để thực hiện dự án.

Hiện tại, các hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân đã khởi kiện quyết định thu hồi đất của UBND thành phố ra Tòa Hành chính, TAND TP Hà Nội.

Như vậy, câu chuyện khiếu kiện gay gắt, kéo dài của gần 500 hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội vẫn chưa có hồi kết. Hậu quả là dự án kéo dài 7 năm vẫn nằm trên giấy. Chưa kể, trên thực tế hiện nay mô hình Chợ - Văn phòng cho thuê đang trở nên không hiệu quả. Trong khi đó, nhu cầu về chợ dân sinh cho một địa bàn hơn 20 ngàn dân của phường Nghĩa Tân đang rất bức thiết.  

Hải Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm