(Thanh tra) - Từ ngày 28/9, tổ chức và hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Giao thông vận tải; thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra ngành Giao thông vận tải… sẽ được điều chỉnh bởi Nghị định 57/2013/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.
Theo Nghị định, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Giao thông vận tải gồm: Thanh tra Bộ; Thanh tra Sở Giao thông vận tải; Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam và Cục Hàng hải Việt Nam; Chi cục Đường thủy nội địa; Cảng vụ Hàng không, Cảng vụ Hàng hải và Cảng vụ Đường thủy nội địa; Cơ quan quản lý đường bộ ở khu vực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Thanh tra Bộ có nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Giao thông vận tải; thanh tra Sở thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở Giao thông vận tải.
Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo phân công của cấp có thẩm quyền.
Cuộc thanh tra của Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở thực hiện theo quy định tại Điều 45 Luật Thanh tra, Điều 16 và Điều 30 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP.
Cuộc thanh tra chuyên ngành do Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày.
Cuộc thanh tra chuyên ngành do Cảng vụ Hàng không, Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Đường thủy nội địa, Chi cục Đường thủy nội địa, Cơ quan quản lý đường bộ ở khu vực tiến hành không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày.
Thời hạn thanh tra chuyên ngành độc lập đối với mỗi đối tượng thanh tra là 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiến hành thanh tra. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra gia hạn thời gian thanh tra, nhưng thời gian gia hạn không được vượt quá 5 ngày làm việc.
Đối tượng thanh tra là cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải theo ủy quyền hoặc phân cấp của UBND cấp tỉnh. Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có nghĩa vụ chấp hành quy định pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành Giao thông vận tải.
Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Giao thông vận tải thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
Nghị định nêu rõ, nếu có sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ sẽ chủ trì giải quyết về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành với nhau.
Bên cạnh đó, phối hợp với Chánh Thanh tra các bộ, cơ quan ngang bộ giải quyết việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Giao thông vận tải với các cơ quan thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ; phối hợp với Chánh Thanh tra tỉnh giải quyết việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Giao thông vận tải với các cơ quan thanh tra của địa phương; trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định khi cần thiết.
Nghị định cũng quy định cụ thể thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra ngành Giao thông vận tải; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh tra ngành Giao thông vận tải; trang phục, cờ hiệu, cơ sở vật chất kỹ thuật và công cụ hỗ trợ của thanh tra Ngành giao thông vận tải.
Hồng Hà