Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Vẫn tiến độ… rùa bò

Bài, ảnh: Trần Quý

Thứ ba, 18/05/2021 - 07:00

(Thanh tra) - Cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là một chủ trương lớn, tuy nhiên, tiến trình thực hiện trong những năm qua không đạt được như kỳ vọng.

Tổng Công ty Viễn thông MobiFone - 1 trong 92 DN phải CPH trong năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa thể CPH. Ảnh: TQ

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, trong 4 tháng đầu năm 2021, Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN) nhận được báo cáo phê duyệt phương án CPH 2 doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (không thuộc danh mục doanh nghiệp CPH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) với tổng giá trị doanh nghiệp là 202 tỷ đồng, trong đó phần vốn của Tổng Công ty Lương thực miền Bắc là 119 tỷ đồng.

Đối với việc thoái vốn, lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, đã thoái vốn với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về ngân sách 2.165 tỷ đồng. Trong đó: Vốn Nhà nước đã thoái 3 đơn vị thuộc Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 52,5 tỷ đồng, thu về 84,1 tỷ đồng; thoái vốn của tập đoàn, tổng công ty tại 9 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, VNPT, Tổng Công ty Thái Sơn với tổng giá trị là 234,1 tỷ đồng, thu về 2.081,3 tỷ đồng.

Như vậy, tiến trình CPH DNNN và thoái vốn diễn ra rất chậm so với kế hoạch đề ra. Theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2020, CPH (hoàn thành công bố giá trị DN) 93 DN, trong đó có 04 DNNN nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên; 62 DNNN nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và 27 DNNN nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần.

Thế nhưng, theo Cục TCDN, năm 2020 chỉ nhận được báo cáo phê duyệt phương án CPH của 9 DN. Trong đó, có 3 DN thuộc kế hoạch CPH theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hải Dương; Công ty TNHH MTV In báo Nghệ An và Tổng Công ty Phát điện 2.

Kết quả thoái vốn, trong năm 2020, cả nước đã thoái được 2.506 tỷ đồng, thu về NSNN 5.967 tỷ đồng, trong đó thoái vốn tại 14 DN theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ ban hành với giá trị 1.789 tỷ đồng, thu về 4.619 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, kết thúc giai đoạn 2016 - 2020 còn 89 DN chưa hoàn thành kế hoạch CPH theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự kiến các DN này sẽ tiếp tục triển khai CPH theo kế hoạch, trong đó những đơn vị còn nhiều DN phải CPH như: Thành phố Hồ Chí Minh CPH 38 DN (11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Hà Nội CPH 13 DN (4 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước CPH 6 DN (3 tập đoàn, 3 tổng công ty), Bộ Xây dựng CPH 2 tổng công ty…

Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam chưa thể CPH. Ảnh: TQ

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản việt Nam, một trong những “ông lớn” chưa thể CPH. Ảnh: TQ

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục TCDN, để đẩy nhanh tiến độ CPH, thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách quan trọng phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN như: Nghị định số 121/2020/NĐ-CP ngày 9/10/2020, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020, Nghị định số 150/2020/NĐ-CP, Nghị quyết số 161/NQ-CP ngày 29/10/2020… Đặc biệt sắp tới Dự thảo Đề án Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt sẽ là cơ sở để tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 111/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính, xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập, bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần (hướng dẫn Nghị định số 150/2020/NĐ-CP).

Đồng thời, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan hoàn thiện Dự thảo Đề án Cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021-2025 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, làm cơ sở tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN để DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo độc lập, tự chủ và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN giai đoạn tới, trong khâu thực hiện, Bộ Tài chính đã đề xuất các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, DNNN cần triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Cụ thể đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các DN cần thực hiện đúng và đầy đủ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu được giao theo quy định của pháp luật; hoàn thành phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Đáng chú ý, việc CPH được gắn trách nhiệm với người đứng đầu. Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại, CPH, thoái vốn và xử lý dứt điểm tồn tại để nâng cao hiệu quả hoạt động, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo hoàn thành.

Xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN không nghiêm túc thực hiện, không hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại, CPH, thoái vốn và nhiệm vụ được giao trong việc quản lý điều hành DN, không thực hiện báo cáo tiến độ triển khai cơ cấu lại theo quy định.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm