Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ ba, 04/06/2024 - 16:40
(Thanh tra) - Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên “có biết những vụ livestream bán hàng thu trăm tỷ đồng mỗi ngày, giá thấp bất thường hay không” và giải pháp quản lý thế nào?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh:P.Thắng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bắt đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 4/6, trong đó có công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.
Vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử ngày càng tinh vi
Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TP HCM) đặt vấn đề, thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số của Việt Nam, nhưng hoạt động này bị các đối tượng lợi dụng để lừa đảo, kinh doanh hàng cấm, hàng giả.
Theo ông, các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, khó lường, đặc biệt là các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
“Bộ trưởng sẽ triển khai giải pháp nào để phát triển thương mại điện tử lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng? Việc thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử trên mạng xã hội sẽ được thực hiện như thế nào?”, đại biểu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam đối mặt 3 thách thức trong thương mại điện tử.
Đó là, người tiêu dùng đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân. Hàng giả, hàng kém, chất lượng... sẵn sàng đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng. Cùng đó, tỷ lệ thất thu thuế trên thương mại điện tử còn đang kể.
Về bảo vệ an toàn dữ liệu cá nhân, ông Diên thừa nhận có tình trạng lộ lọt, đồng thời có tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng, tuy không phổ biến.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 và Nghị định 55 hướng dẫn thi hành luật. Luật này đưa ra nguyên tắc xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh của người tiêu dùng.
Liên quan tới hàng giả, hàng nhái thâm nhập, ông Diên cho biết Bộ Công Thương đã khuyến nghị người sản xuất nâng cao sản phẩm trong nước để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại; triển khai cơ chế tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước. Năm 2023, cơ quan chức năng gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm, chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm.
Bộ cũng tăng kiểm tra nguồn gốc hàng, để tránh hàng giả, hàng nhái. Cùng đó, Bộ trưởng Diên cho biết, Bộ này sẽ cùng hải quan, tách bạch giữa luồng thông thường để tăng cường quản lý người bán nước ngoài qua kênh này.
Về giải pháp chống thất thu thuế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo thống kê, nộp thuế trong lĩnh vực này năm 2003 tăng 16% so với năm 2022. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận còn thất thu thuế trong lĩnh vực này.
Với trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với ngành thuế chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện rà soát và tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử.
Tới đây, theo ông Diên, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử chia sẻ liên thông với các bộ, ngành liên quan; phối hợp với Bộ Công an trong áp dụng định danh điện tử cho người bán trên sàn giao dịch.
Bộ Công thương cũng công khai danh sách các website thương mại điện tử về phản ánh có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Livestream bán hàng doanh thu trăm tỷ đồng mỗi ngày đúng không?
Chung mối quan tâm, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) nói thời gian qua, mạng xã hội xôn xao với những vụ livestream bán hàng doanh thu có thể đến hàng trăm tỷ mỗi ngày.
Ông Nghĩa hỏi bộ trưởng thông tin quảng bá đó có đúng hay không? Làm thế nào quản lý được chất lượng các sản phẩm này?
“Giá bán này thấp hơn nhiều giá bán buôn cho các đại lý, điều này đang gây bất ổn thị trường, ví dụ như trong các livestream trị giá cả chục tỷ, trăm tỷ kể trên. Vậy các cơ quan quản lý nhận định vấn đề này thế nào? Hướng xử lý ra sao?”, đại biểu đoàn Phú Yên chất vấn.
Phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sau đó có đề cập về livestream nhưng lại không trả lời thẳng bán hàng doanh thu trăm tỷ mỗi ngày có đúng hay không.
Do đó, đại biểu Nghĩa giơ biển xin tranh luận và nhắc lại: “Câu hỏi của tôi là về livestream bán hàng trên một số mạng xã hội như Tik Tok doanh thu lên đến hàng trăm tỷ đồng một ngày, một con số rất là lớn và tôi hỏi 2 ý”.
Đại biểu Nghĩa băn khoăn, với hình thức thương mại như vậy làm thế nào để quản chất lượng, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
“Giá bán như vậy rẻ hơn thông qua các đại lý đang gây bất ổn, hoang mang cho thị trường về hàng thật, hàng giả. Vậy các cơ quan quản lý, cụ thể Bộ Công Thương, Tổng Cục Quản lý thị trường quan niệm thế nào, xử lý làm sao, kinh nghiệm quốc tế?”, đại biểu Nghĩa nêu.
Ông Nghĩa đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng câu hỏi: “Với các livestream vừa rồi bộ trưởng có biết không, nhận định đó thật hay ảo, và bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng như thế nào?”.
Cũng giơ biển tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nói, cần phải có chế tài xử lý vi phạm trong thương mại điện tử và cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp.
Đại biểu đề nghị bộ trưởng nêu rõ những giải pháp khắc phục triệt để vấn đề này, bảo vệ người tiêu dùng.
Quản lý livestream bán hàng trên mạng… thật sự khó
Trả lời sau đó, Bộ trưởng Công Thương nhìn nhận quản lý hoạt động bán hàng trên môi trường điện tử nói chung và livestream nói riêng thật sự khó khăn. Cho nên, không chỉ trách nhiệm ngành công thương, mà trách nhiệm của rất nhiều ngành như thông tin truyền thông, thuế…
Nhiều giải pháp được Bộ trưởng Diên đưa ra, trong đó, ông nhấn mạnh, "giải pháp tốt nhất trước hết phải có sự phối hợp. Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, kiểm soát, xử lý”.
Ông Diên cũng cho biết, sẽ sử dụng lực lượng quản lý thị trường để phát hiện, đấu tranh làm rõ hành vi sai phạm; thường xuyên trao đổi, chia sẻ dữ liệu thông tin với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý các sai phạm, đặc biệt chống thất thu thuế...
“Trường hợp vi phạm mà chứng minh được thì đương nhiên xóa vĩnh viễn trang này hoặc yêu cầu chủ phòng livestream phải chịu trách nhiệm trước pháp luật bởi hành vi của mình”, ông Diên nhấn mạnh.
Với việc thực hiện nhiều giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, “chắc chắn từng bước giảm vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này”.
Ở vị trí điều hành, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị phần tranh luận còn lại của đại biểu Nghĩa, bộ trưởng trả lời bằng văn bản.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên xin phép trả lời nhanh: “những trường hợp vi phạm như thế này chúng ta có thể hoàn tất hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xem xét xử lý theo quy định pháp luật”.
Thời gian dành cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên Phiên bắt đầu từ 14h30 chiều 4/6 đến 8h50 sáng 5/6.
Ông Diên sẽ trả lời về công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Chia lửa” cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề đại biểu quan tâm, có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và bộ trưởng các bộ: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Khoa học Công nghệ, Thông tin Truyền thông, Ngoại giao.
Tags
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam vừa vinh dự được xướng tên trong danh sách 50 Doanh nghiệp niêm yết tiên phong và cam kết nâng cao quản trị công ty Việt Nam – VNCG50 tại Diễn đàn thường niên Quản trị công ty (AF7).
Theo VietinBank
21:28 11/12/2024(Thanh tra) - Ngày 10/12/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 1383/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Rạng Đông Holding (Mã chứng khoán RDP) số tiền 242,5 triệu đồng.
Trần Quý
19:12 11/12/2024Uyên Uyên
12:45 11/12/2024Trần Quý
10:05 11/12/2024Trần Quý
22:15 10/12/2024TC
19:00 10/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà