Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thoái vốn ồ ạt, thị trường sẽ “bội thực”

Thứ hai, 02/11/2015 - 10:08

(Thanh tra) - Ngày 2/11, Quốc hội (QH) dành cả ngày thảo luận ở hội trường về phát triển kinh tế - xã hội. Bên hành lang QH, trao đổi với PV Báo Thanh tra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Bùi Đức Thụ nhấn mạnh, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) là cần thiết những phải có lộ trình phù hợp. Nếu làm ồ ạt một lúc thì dẫn đến bội thực thị trường và thiệt hại của Nhà nước…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH Bùi Đức Thụ . Ảnh: TN

Bán cổ phần Nhà nước thời điểm nào phải cân nhắc

+ Để bù hụt thu ngân sách Trung ương năm 2015, Chính phủ đề nghị bán bớt cổ phần Nhà nước tại DN. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Bán một phần vốn Nhà nước trong các DN là một chủ trương đúng. Tuy nhiên bán như thế nào, trong thời điểm nào thì cần phải cân nhắc. Theo tôi, nó phụ thuộc vào thị trường. 

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang có những biến động bất thường, chưa thực sự phục hồi thì phải tính đến thời điểm bán phần vốn này cho hợp lý để tối đa hóa lợi ích của Nhà nước phù hợp với quy định.

Còn về hình thức, theo tôi phần vốn góp của Nhà nước đã được kiểm toán hàng năm. Việc bán cổ phiếu được công khai trên thị trường chứng khoán, do vậy bằng hình thức bán công khai trong điều kiện cạnh tranh hoàn hảo là phù hợp.

Số tiền bán một phần vốn Nhà nước đầu tư vào các DN là nguồn thu của Nhà nước. Việc quản lý sử dụng thế nào đã có cơ chế hiện hành. Việc sử dụng, bố trí vào ngân sách Nhà nước về nguyên tắc phải trình ra Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy định của Luật ngân sách Nhà nước. Nếu đầu tư vào các lĩnh vực khác thì theo quy định hiện hành, nguồn vốn này đã được phân cấp giao Chính phủ.

+ Dự kiến phương án sử dụng nguồn tiền từ bán một phần vốn Nhà nước đầu tư tại các DN sẽ dành 10.000 tỷ đồng bố trí vào ngân sách Trung ương?

Ngân sách Nhà nước của chúng ta năm nay hết sức khó khăn. Mặc dù tổng thu ngân sách năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng, nhưng tăng thu chủ yếu của ngân sách địa phương (khoảng 47.700 tỷ đồng), còn ngân sách Trung ương hụt thu 31.300 tỷ đồng, điều này dẫn đến khó khăn trong cân đối ngân sách Nhà nước. 

Do vậy, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, đã đề nghị Chính phủ cần tính toán các giải pháp để bù hụt thu, đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước.

Trước tình trạng đó buộc phải cắt giảm chi. Trong bối cảnh hiện tại, chi ngân sách của các cơ quan Trung ương bố trí dự toán ngặt nghèo và cũng buộc phải tiết kiệm lớn, nên việc cắt giảm cũng không thể thêm nữa. 

Để cân đối ngân sách địa phương và Trung ương cần phải thực hiện một loạt giải pháp, trong đó không làm bội chi tăng lên. Một trong những giải pháp đó là dùng 10.000 tỷ đồng từ bán cổ phần Nhà nước trong các DN để cân đối ngân sách Trung ương trong năm 2015. Đây là điều cần thiết trong bối cảnh kinh tế tài chính của chúng ta hiện nay. 

Thoái vốn là cần thiết

+ Chính phủ vừa cho phép Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn tại 10 DN lớn trong đó có Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT... Ông nghĩ gì về điều này?

Một trong những nhiệm vụ của Nhà nước phải là bà đỡ cho cái mới phát triển và kiến tạo để xác lập những điều kiện tiền đề cho DN, cá nhân đầu tư phát triển chứ không làm thay việc của DN, hay của cá nhân. 

Trên tinh thần đó, một số lĩnh vực như Công ty Vinamilk phát triển tương đối tốt thì việc điều chỉnh rút vốn ra cũng là cần thiết. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần rà soát lại để có lộ trình thoái vốn phù hợp, nếu chúng ta làm ồ ạt luôn một lúc thì dẫn đến bội thực thị trường và thiệt hại của Nhà nước. Do vậy thời điểm thoái vốn, phương pháp, lộ trình, mức độ thoái vốn… cần phải có kế hoạch cụ thể.

+ Khi các cơ quan chủ quản rút vốn khỏi DN Nhà nước, SCIC sẽ đại diện sử dụng vốn Nhà nước đầu tư sinh lời. Vậy SCIC cần tập trung đầu tư vào các ngành mang lại giá trị cao, hay chỉ tập trung vào lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế?

Mô hình hoạt động của SCIC tôi cho rằng cần phải rà soát lại điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn. 

Có 2 quan điểm: Một là SCIC phải hoạt động có hiệu quả, vốn Nhà nước giao cho SCIC chỉ tập trung đầu tư vào những DN có hiệu quả để bảo tồn nhân vốn lên. Còn quan điểm thứ hai là đối với SCIC nhiệm vụ chính là công cụ của Nhà nước để điều hành nền kinh tế vì sự phát triển ổn định lâu dài. 

Do vậy, đối với DN hoạt động có hiệu quả thì không nhất thiết phải đầu tư mà phải thoái vốn. Nhà nước là bà đỡ, kiến tạo cho sự phát triển thì tập trung vào những ngành có lợi thế nhưng chưa phát triển. Các lĩnh vực thành phần kinh tế tư nhân đầu tư thì Nhà nước nên rút ra.

Hai quan điểm này cần phải thảo luận làm rõ để có định hướng đổi mới trong giai đoạn tới để hoàn thiện mô hình quản lý kinh tế tài chính nói chung.

Sức sống của thương hiệu phụ thuộc vào DN

+ Thoái vốn tại các DN Nhà nước như Vinamilk hay Sabeco, có ý kiến lo ngại sẽ bị mất các thương hiệu Việt, thưa ông?

Trong kinh tế thị trường, thương hiệu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đây là tài sản vô hình của DN. Khi thoái vốn, bán cổ phiếu công khai trên thị trường chứng khoản hoặc đấu giá rộng rãi thì phần vốn của DN đã được tính đến giá trị tài sản cũng như giá trị thương hiệu.

Còn sức sống của thương hiệu phụ thuộc vào chính chất lượng hoạt động của DN đó, sức cạnh tranh hàng hóa của DN đó cung ứng trên thị trường. Một DN có thương hiệu lớn, nổi tiêng nhưng sau một thời gian chất lượng hàng hóa không đảm bảo được thì thương hiệu, uy tín cũng mai một. 

Tất nhiên, duy trì thương hiệu, duy trì uy tín của hàng hóa, dịch vụ còn phụ thuộc vào chủ sở hữu của DN, trong đó có các thành phần kinh tế nắm giữ phần vốn của DN đó. 

+ Những nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài muốn thay đổi thương hiệu Việt thì có giữ được không, thưa ông?

Thương hiệu phụ thuộc vào chủ sở hữu. Trong điệu kiện niêm yết trên thị trường và đã bán cho các chủ thể thì phụ thuộc vào Đại hội cổ đông. Việc thay đổi, bổ sung thêm thương hiệu thuộc thầm quyền của Đại hội cổ đông. 

Về phía Nhà nước thì tạo điều kiện cho các DN, nhất là DN Việt Nam có thương hiệu. Trong giới hạn cho phép thì quảng bá thương hiệu đó để đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường thế giới cũng như phổ biến thị trường trong nước, để thúc đẩy xuất khẩu, không bị thua trên sân nhà. 

+ Trân trọng cảm ơn ông!

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm