Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục

Thứ sáu, 06/04/2018 - 14:31

(Thanh tra)- Là thị trường có sức tăng mạnh nhất thế giới trong quý I/2018, VN-Index đang tỏ ra bản lĩnh hơn bao giờ hết khi chinh phục đỉnh lịch sử và làm nên những kỳ tích.

Quý I/2018 ghi nhận nhiều thương vụ bán vốn lần đầu ra công chúng (IPO) của nhiều doanh nghiệp, tổng công ty Nhà nước lớn. Ảnh: TM

VN-Index vượt đỉnh lịch sử, tăng mạnh nhất thế giới

Trong quý I/2018, VN-Index đã tăng 19,33% và là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới, bỏ xa thị trường đứng thứ 2 là Ai Cập với mức tăng 15,52%. Trong 6 tháng gần nhất, VN-Index cũng  giữ ngôi quán quân với mức tăng lên tới 46%.

Với con số tăng trưởng 19,33%, VN-Index cũng chạm 1.174,46 điểm, mức đỉnh lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ khi thành lập đến nay. Cùng với đà tăng của thị trường, HNX-Index cũng tăng 13,4%, chạm 132,46 điểm và UPCoM tăng 10,5%, chạm 60,66 điểm.

Vốn hóa thị trường trong quý I cũng tăng 18% so với cuối năm trước, đạt 183 tỷ USD (tương đương 4,16 triệu tỷ đồng). Trong đó, HOSE vẫn chiếm tỷ trọng lớn của thị trường, ở mức 77%, đạt gần 3,2 triệu tỷ đồng. Vốn hóa sàn HNX chỉ bằng 1/3 UPCoM, đạt 238 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, mức vốn hóa thị trường hiện tại vào khoảng 82,2% GDP, chưa tính trái phiếu, theo lời Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3. Thật không ngoa khi cho rằng thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Cũng trong quý I, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 20 tỷ cổ phiếu, tăng 13% so với quý trước, tương ứng tổng giá trị giao dịch đạt 524 nghìn tỷ đồng, tăng 23%. Sàn HOSE vẫn chiếm tỷ lệ giao dịch lớn nhất trong ba sàn,  đạt hơn 14,5 tỷ cổ phiếu nhưng mức tăng trưởng lại nhỏ nhất, chỉ 11%.

Hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài trong quý đầu năm cũng khá sôi động với giá trị mua ròng 10,4 nghìn tỷ đồng, tương ứng mua gần 269 triệu cổ phiếu. Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 293 triệu cổ phiếu với giá trị 11.000 tỷ đồng. Ba mã chứng khoán được mua ròng mạnh nhất là VRE, VIC và HDB.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 23,6 triệu cổ phiếu với giá trị 655.000 tỷ đồng. Các mã chứng khoán bị bán ròng mạnh nhất là TAG, VGC, PVS.

Động lực tăng trưởng thị trường

Để có được sự tăng trưởng thần kỳ của thị trường chứng khoán, kinh tế vĩ mô đóng một vai trò quan trọng và là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ. GDP quý I tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây. Hơn thế nữa, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức ký kết là cơ hội cho một số ngành tăng trưởng như bất động sản, thủy sản, dệt may và thổi luồng gió mới cho sự tích cực của thị trường.

Quý đầu năm cũng là thời điểm những kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức của các doanh nghiệp được công bố. Đây cũng là luồng thông tin quý báu hỗ trợ cho đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán.

Chưa kể, quý I ghi nhận nhiều thương vụ bán vốn lần đầu ra công chúng (IPO) của nhiều doanh nghiệp, tổng công ty Nhà nước lớn như Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (PVOIL), Tổng Công ty Dầu khí Điện lực Việt Nam (POW) hay làn sóng lên sàn của HDBank, VPBank. Tính riêng các đợt IPO, thị trường hút được 21.300 tỷ đồng. Cụ thể, BSR chào bán thành công 241,5 triệu cổ phần với giá bình quân 23.043 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị cổ phần bán được lên tới 5.566 tỷ đồng, cao gấp rưỡi so với dự kiến. PVOIL cũng bán thành công 206,8 triệu cổ phiếu với giá bình quân là 20.196 đồng/cổ phiếu, ứng với tổng giá trị 4.177 tỷ đồng. Với giá 33.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của HDBank khi lên sàn vào khoảng 32.400 tỷ đồng, nằm trong top 20 doanh nghiệp có vốn hóa cao nhất trên sàn HOSE. Tương tự, 1,33 tỷ cổ phiếu VPBank cũng niêm yết sàn HOSE ở giá tham chiếu 39.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa gần 52.000 tỷ đồng.

Sự tăng trưởng thị trường trong quý I càng củng cố thêm nhận định năm 2018 sẽ là năm vàng của đầu tư chứng khoán. Đây được coi là năm bản lề trong giai đoạn 2016 - 2019 thực hiện mục tiêu đưa thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hạng lên nhóm thị trường chứng khoán mới nổi. Hoạt động thoái vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn cũng sẽ diễn ra với quy mô lớn trong năm, có thể lớn hơn nhiều so với con số đã thực hiện trong năm 2017.  Vì vậy, nhiều công ty chứng khoán nhận định năm nay sẽ hút lượng vốn đầu tư lớn vào thị trường, thanh khoản và vốn hóa thị trường dự đoán tăng trưởng mạnh. Một số ngành như ngân hàng, bất động sản, dầu khí, ngành điện sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư gia tăng danh mục tài sản và chốt lời.

Trà My

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm