Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị đã giúp ngành Thuế hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Trung Kiên

Thứ năm, 30/12/2021 - 12:07

(Thanh tra)- 2021 là một năm ngân sách đầy khó khăn và thách thức nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm, ngành thuế đã hoàn thành vượt dự toán được giao và ghi thêm nhiều dấu ấn mới trong công tác quản lý, cải cách và hiện đại hóa ngành.

Sáng ngày 24/12/2021, Tổng cục Thuế tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2021 và triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2022 với 64 điểm cầu trong cả nước

Trong năm 2021 đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế trong bối cảnh nguồn lực của doanh nghiệp (DN) và người dân giảm sút mạnh, tạo sức ép rất lớn đến nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN). Trước tình hình đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo toàn ngành bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, định hướng của Bộ Tài chính tập trung, phấn đấu nỗ lực thực hiện dự toán thu NSNN năm 2021. Bằng những chính sách kịp thời hỗ trợ người dân, DN, cũng như các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, nền kinh tế đã phục hồi nhanh chóng, góp phần giúp ngành thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách. Kết quả thu NSNN năm 2021 do ngành Thuế quản lý đã vượt 177.300 tỷ đồng so với dự toán.

Đạt được kết quả thu ngân sách nêu trên, trước hết là nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, đồng lòng của cộng đồng DN và người dân trong việc triển khai thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm soát tốt dịch bệnh trên phạm vi cả nước và triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ cho DN và người dân; cùng với những yếu tố thuận lợi trong phát triển kinh tế những tháng đầu năm 2021 đã góp phần bù đắp phần giảm thu do dịch bệnh COVID-19, tạo đà cho nguồn thu ngân sách cả năm 2021.

Bên cạnh đó, trong quá trình chỉ đạo điều hành NSNN, Tổng cục Thuế đã tham mưu cho Bộ Tài chính báo cáo các cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp điều hành thu NSNN chủ động, linh hoạt, tập trung hỗ trợ kịp thời cho DN, người dân vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh như: Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, TNDN, TNCN và tiền thuê đất trong năm 2021; Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 tiếp tục thực hiện giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021; Thông tư số 112/2020/TT-BTC và Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021; Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022…

Sáng ngày 21/11/2021, tại trụ sở Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị trực tuyến công bố triển khai Hệ thống Hóa đơn điện tử

Đồng thời, Tổng cục Thuế đã tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách này với phương châm đơn giản, thuận tiện, kịp thời, tạo điều kiện cho DN và người dân sớm được thụ hưởng chính sách. Đến nay, tổng số tiền gia hạn, miễn, giảm khoảng 117 nghìn tỷ đồng (trong đó: thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất theo Nghị định số 52 cho 139.190 người nộp thuế với số tiền là 92,8 nghìn tỷ đồng; thực hiện miễn, giảm khoảng trên 24,2 nghìn tỷ đồng).

Cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách của Quốc hội, Chính phủ về hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do dịch Covid-19, toàn ngành đã nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng DN nhanh chóng phục hồi hoạt động. Đồng thời, chủ động phân tích nguồn thu, phân vùng các nhóm lĩnh vực, ngành nghề theo 2 hướng bị ảnh hưởng hoặc có cơ hội phát triển để có biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả.

Quan trọng hơn, trên cơ sở bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, ngành thuế đã có những hành động quyết liệt, kịp thời để triển khai nhiệm vụ thu một cách tốt nhất. Cụ thể trong đợt dịch lần thứ 4, ngay khi dịch bệnh diễn biến phức tạp làm suy giảm nghiêm trọng số thu NSNN, Tổng cục Thuế đã tổ chức các cuộc làm việc với các cục thuế lớn, có tỷ trọng số thu cao để chỉ đạo triển khai các giải pháp tăng cường công tác quản lý, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp khai thác nguồn thu còn tiềm năng, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc và đôn đốc người nộp thuế nộp đúng, đủ vào NSNN. Các cục thuế đã có sự điều chỉnh linh hoạt các giải pháp quản lý và chống thất thu thuế, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Cùng với thành tích nổi bật trong thực hiện dự toán thu NSNN, năm qua ngành thuế còn ghi thêm những dấu ấn về cải cách hành chính và điện tử hóa công tác quản lý. Bởi chỉ có điện tử hoá mới góp phần xây dựng diện mạo ngành thuế hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả. Theo đó, toàn ngành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa toàn bộ quy trình quản lý người nộp thuế từ khâu đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, đến hoàn thuế. Đến nay, việc tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ của người nộp thuế đã được thực hiện tập trung và tự động. 100% các giao dịch được truyền nhận điện tử theo cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan đăng ký kinh doanh; 99,9% DN sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99% DN nộp thuế điện tử và gần 98% số DN hoàn thuế tham gia hoàn thuế điện tử.

Sáng ngày 24/12/2021, Tổng cục Thuế tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2021 và triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2022 với 64 điểm cầu trong cả nước

Công nghệ thông tin đã được ứng dụng xuyên suốt trong công tác thanh kiểm tra, quản lý nợ thuế và tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, khi đã tạo thuận lợi cho người dân và DN thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách mà không phải trực tiếp đến cơ quan thuế.

Cùng với đưa 150 thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, ngành thuế đã triển khai thành công ứng dụng thuế điện tử dành cho thiết bị di động (eTax mobile).

Ngoài ra, ngành tiếp tục đẩy mạnh các dịch vụ thuế điện tử dành cho cá nhân như khai, nộp thuế điện tử đối với cá nhân cho thuê nhà; khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử ôtô, xe máy. Đặc biệt, với nhiệm vụ trọng tâm là triển khai hệ thống hoá đơn điện tử (HĐĐT), giai đoạn 1 tại 6 tỉnh TP gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Bình Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, ngành Thuế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tính đến ngày 21/12/2021, sau đúng 1 tháng kích hoạt hệ thống, số lượng người nộp thuế đã đăng ký sử dụng HĐĐT là 263.182 DN, chiếm 71% tổng số DN, tổ chức kinh tế của 6 tỉnh, TP thuộc lộ trình áp dụng HĐĐT giai đoạn 1 hoàn thành sớm trước hạn theo lộ trình kế hoạch đã được Bộ Tài chính đề ra.

Năm 2022, ngành thuế triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình trong nước có nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Đặc biệt dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với những biến thể mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó nhiệm vụ của ngành thuế sẽ càng nặng nề. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, toàn ngành thuế tiếp tục bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính. Trong đó trọng tâm là, tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, đồng thời đánh giá, tổng hợp kết quả để nghiên cứu, trình Chính phủ, trình Quốc hội các giải pháp hỗ trợ người dân và DN đẩy nhanh tốc độ hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2022 và những năm tiếp theo, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN.

Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn chủ trì cuộc họp giao ban

Trên toàn hệ thống, cơ quan thuế sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, đánh giá, phân tích chi tiết theo từng địa bàn, khu vực, sắc thuế. Qua đó, một mặt xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả; mặt khác tham mưu kịp thời cho Bộ Tài chính, Chính phủ trong điều hành, cân đối NSNN, đáp ứng việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện “bình thường mới” và đảm bảo nguồn lực cho phòng chống dịch bệnh.

Để tạo thuận lợi tốt nhất cho người nộp thuế, toàn ngành tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ thông qua việc đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tiếp cận. Cùng với đó, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử. Đồng thời, tập trung nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng về HĐĐT, bảo đảm dữ liệu chính xác, thống nhất, an toàn, đảm bảo đáp ứng và phục vụ tốt nhất việc triển khai áp dụng HĐĐT trên phạm vi toàn quốc theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm