Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sách trắng Doanh nghiệp Việt: Các “ông lớn” nợ gấp 3 lần vốn tự có

Hương Giang

Thứ ba, 28/04/2020 - 15:51

(Thanh tra) - Năm 2018, khu vực doanh nghiệp Nhà nước có chỉ số nợ là 3,4 lần; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 1,9 lần và khu vực doanh nghiệp FDI là 1,7 lần.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, năm 2019, các tổ chức quốc tế uy tín và nhiều quốc gia, đối tác đánh giá cao và khẳng định Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong khu vực và toàn cầu. Ảnh: TN

Đây là nội dung được công bố tại Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2020 do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư) tổ chức ngày 28/4.

Doanh nghiệp FDI có chỉ số quay vòng vốn đứng “đầu bảng”

Theo số liệu mà sách công bố, chỉ số nợ chung của toàn bộ doanh nghiệp năm 2018 là 2,1 lần. Nói cách khác, tổng số nợ bình quân của doanh nghiệp năm 2018 gấp 2,1 lần vốn tự có bình quân của doanh nghiệp.

Số liệu thống kê cho thấy, theo khu vực kinh tế, trong năm 2018, khu vực dịch vụ có chỉ số nợ cao nhất với 2,6 lần; khu vực công nghiệp và xây dựng với 1,5 lần. Trong đó, thấp nhất khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 0,6 lần.

Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp Nhà nước có chỉ số nợ là 3,4 lần; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 1,9 lần và khu vực doanh nghiệp FDI là 1,7 lần. Như vậy, đây là năm thứ 2 liên tiếp khu vực doanh nghiệp Nhà nước “dẫn đầu” về chỉ số nợ so với vốn tự có bình quân của doanh nghiệp.

Còn theo quy mô doanh nghiệp, năm 2018, khu vực doanh nghiệp quy mô lớn có chỉ số nợ cao nhất với 2,7 lần, tiếp đó là khu vực doanh nghiệp có quy mô vừa với 2,2 lần; khu vực doanh nghiệp quy mô nhỏ với 1,5 lần; thấp nhất là khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ với 0,8 lần.

Cũng theo Sách trắng Doanh nghiệp 2020, chỉ số quay vòng vốn năm 2018 của toàn bộ khu vực doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đạt 0,6 lần, thấp hơn mức 0,7 lần của năm 2017.

Theo khu vực kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng có chỉ số quay vòng vốn đạt cao nhất với 1,0 lần, gấp 2 lần so với khu vực dịch vụ và gấp 2,7 lần so với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Với loại hình doanh nghiệp thì khu vực doanh nghiệp FDI đứng “đầu bảng” khi chỉ số quay vòng vốn đạt cao nhất với 1 lần. Tiếp đến là khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 0,7 lần; khu vực doanh nghiệp Nhà nước có chỉ số quay vòng vốn thấp nhất với 0,4 lần.

Doanh nghiệp Nhà nước có hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu cao nhất

Số liệu cũng cho thấy, tính đến thời điểm 31/12/2018, khu vực doanh nghiệp Nhà nước có 2.260 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, giảm 9,1% so với thời điểm 31/12/2017.

Trong đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước có 1.097 doanh nghiệp, chiếm 0,2% số doanh nghiệp cả nước, giảm 8,9% so với cùng thời điểm năm 2017 (trong đó có 1.773 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, chiếm 78,5%; 51 doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn, chiếm 2,2%; có 436 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, chiếm 19,3%).

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho hay, hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) của toàn bộ doanh nghiệp năm 2018 đạt 7,6%. Còn hiệu suất sinh lợi trên doanh thu (ROS) của toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2018 đạt 3,8%.

Trong đó, tính theo loại hình doanh nghiệp năm 2018, khu vực doanh nghiệp Nhà nước có hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu đạt 8,9% (trong đó, khu vực 100% vốn nhà nước đạt 7,3%); khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 4,5% và khu vực doanh nghiệp FDI đạt 15,4%.

Hiệu suất sinh lợi trên doanh thu thì khu vực doanh nghiệp Nhà nước có ROS đạt 5,6%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 2,4% và khu vực doanh nghiệp FDI đạt 5,6%.

Làm ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng có thu nhập cao nhất

Với thu nhập bình quân tháng một lao động của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 đạt 8,82 triệu đồng, tăng 6,6% so với năm 2017.

Theo số liệu mà Sách trắng công bố, khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân một lao động một tháng năm 2018 đạt cao nhất với 10,19 triệu đồng (trong đó, ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức thu nhập bình quân lao động đạt cao nhất trong các ngành kinh tế với 22,35 triệu đồng).

Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 8,16 triệu đồng (trong đó ngành sản xuất và phân phối điện có mức thu nhập bình quân đạt cao nhất với 16,13 triệu đồng); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức thấp nhất trong các khu vực kinh tế với 5,39 triệu đồng.

So với năm 2017, khu vực doanh nghiệp Nhà nước có mức thu nhập bình quân tháng một lao động trong năm 2018 đạt cao nhất với 12,56 triệu đồng (trong đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đạt 12,04 triệu đồng); khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 7,87 triệu đồng; khu vực doanh nghiệp FDI 9,70 triệu đồng.

Nếu tính theo quy mô doanh nghiệp thì thu nhập bình quân tháng của một lao động năm 2018 tăng dần theo cấp độ từ siêu nhỏ đến lớn.

Khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ mặc dù có mức thu nhập thấp nhất với 6,72 triệu đồng/tháng nhưng là khu vực có tốc độ cải thiện thu nhập cho người lao động cao nhất, tăng 12,2% so với năm 2017.

Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp quy mô nhỏ có mức thu nhập 7,76 triệu đồng; khu vực doanh nghiệp quy mô vừa với 8,28 triệu đồng; khu vực doanh nghiệp quy mô lớn có mức thu nhập cao nhất đạt 9,56 triệu đồng.

Số liệu cũng chỉ ra, thu nhập bình quân tháng của người lao động ở TP Hồ Chí Minh là cao nhất với 10,3 triệu đồng. Tiếp đến là Hà Nội 10,1 triệu đồng; Đồng Nai 9,8 triệu đồng; Quảng Ninh và Bắc Ninh cùng có mức thu nhập 9,5 triệu đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu 9,3 triệu đồng. Chỉ có 3/63 địa phương có mức thu nhập bình quân tháng một lao động dưới 5 triệu đồng là Điện Biên 4,3 triệu đồng; Đắk Lắk 4,6 triệu đồng; Sơn La 4,9 triệu đồng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

PVcomBank khuyến nghị khách hàng sớm cập nhật giấy tờ và xác thực sinh trắc học

PVcomBank khuyến nghị khách hàng sớm cập nhật giấy tờ và xác thực sinh trắc học

(Thanh tra) - Nhằm tăng cường an toàn, bảo mật đồng thời đảm bảo các giao dịch rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử không bị gián đoạn sau ngày 01/01/2025, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) khuyến nghị khách hàng cần nhanh chóng cập nhật giấy tờ tùy thân còn hiệu lực và hoàn thành đối chiếu khớp đúng với thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản/thẻ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

21:11 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm