Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phó Thủ tướng: Các dự án BOT phải bảo đảm được lợi ích của người dân

Thứ ba, 07/06/2016 - 16:27

(Thanh tra) - “BOT là hình thức đầu tư trả chậm, thay vì Nhà nước trả trực tiếp thì người dân trả thông qua phí, nên phải kiểm tra chặt chẽ theo đúng các quy trình về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, từ khâu chuẩn bị lập dự án, đến khâu thiết kế, giải phóng mặt bằng, nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng… trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư, đặc biệt là phải bảo đảm được lợi ích của người dân”.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị, phải thanh tra nếu thấy có vi phạm hoặc theo định kỳ để kịp thời khắc phục sai phạm về khối lượng, chất lượng, giá phí, trạm thu phí, bảo đảm lợi ích của người dân

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ Giao thông Vận tải quản lý ngày 7/6.

Còn không ít bức xúc…

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hạ tầng là một nhân tố tạo môi trường đầu tư, cùng với thể chế, nguồn nhân lực, để phát triển đất nước, hội nhập với thế giới.

Trong 5 năm qua, những kết quả đã được được về công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò rất quan trọng, thể hiện sự nỗ lực cố gắng của Bộ Giao thông Vận tải, cùng các bộ, ngành có liên quan như Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên Môi trường, các địa phương, đặc biệt là các ngân hàng thương mại.

“Tôi đánh giá rất cao điều này”, Phó Thủ tướng nói nhưng cũng nghiêm khắc nhìn nhận một loạt hạn chế, yếu kém, thậm chí vi phạm.

Đó là, không ít công trình chất lượng còn thấp, như hiện tượng lún, nứt ảnh hưởng đến an toàn của phương tiện, con người, gây bức xúc. Còn nhà đầu tư tính toán chưa chính xác khối lượng, chi phí dẫn đến khối lượng thực tế thấp hơn nhiều so với xác định ban đầu, để lại bức xúc.

Hay, bố trí trạm thu phí chưa hợp lý, người dân bức xúc; huy động vốn BOT chỉ có doanh nghiệp trong nước mà chưa có doanh nghiệp nước ngoài do thiếu quy hoạch tổng thể…

“Nói những điều này không phải mang ra kiểm điểm mà để nhìn nhận đúng hơn, từ đó có giải pháp, biện pháp thực hiện tốt hơn để hạ tầng giao thông, nền kinh tế đất nước phát triển bền vững hơn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Để tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đặt ra yêu cầu phải phát triển hệ thống giao thông đồng bộ cả đường đắt, đường thủy, hàng không.

Nhưng hiện nay cơ cấu rất bất hợp lý, chủ yếu là đường bộ chiếm 70 - 80%, trong khi đường sắt chỉ 1%, còn lại là đường thủy, hàng không, gây áp lực lên hạ tầng giao thông lớn.

Do đó, Phó Thủ tướng lưu ý, việc kết nối hài hòa hệ thống hạ tầng giao thông giữa các vùng, miền và địa phương, giao thương khu vực và quốc tế là rất cần thiết.

Vốn đầu tư BOT là người dân trả qua phí

Giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến sẽ đầu tư hoàn thành khoảng 1.524km để đến hết năm 2020 sẽ có khoảng 2.270km đường cao tốc.

Nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cần khoảng 1.039 nghìn tỷ đồng cho các dự án do Bộ Giao thông Vận tải trực tiếp quản lý.

Theo dự kiến, ngân sách chỉ có thể đáp ứng được khoảng 11% nhu cầu, nguồn vốn ODA đang thu hẹp, nợ công đang ở mức cao.

Chính vì vậy, phải bàn cách huy động nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng. Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục rà soát quy hoạch, chủ trì đề xuất các dự án giao thông về đường bộ, đường sắt, cảng… ưu tiên đầu tư bằng BOT cụ thể. Quy hoạch định hướng trạm thu phí, khắc phục hạn chế thời gian qua.

Các bộ, ngành phối hợp đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT để hút nguồn vốn của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bản chất BOT là hình thức đầu tư trả chậm, thay vì ngân sách Nhà nước trả trực tiếp thì người dân trả thông qua phí, nên phải kiểm tra chặt chẽ từ khâu chuẩn bị lập dự án đến thiết kế, nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng… đảm bảo minh bạch lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư, đặc biệt là phải bảo vệ được lợi ích của người dân.  

“Do đó phải xác định rõ tổng mức đầu tư, minh bạch trong việc lựa chọn nhà thầu. Khi các dự án đưa vào sử dụng phải kiểm tra, thanh tra nếu thấy có vi phạm hoặc theo định kỳ để kịp thời khắc phục sai phạm về khối lượng, chất lượng, giá phí, trạm thu phí”, Phó Thủ tướng nói và lưu ý một lần nữa, “phải bảo đảm lợi ích của người dân”.

Hơn 444.000 tỷ đồng được rót vào các dự án BOT giao thông

Giai đoạn 2011 - 2015, tổng nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ Giao thông Vận tải quản lý đã huy động được 444.040 tỷ đồng, trong đó huy động nguồn vốn tư nhân là 186.660 tỷ đồng (chiếm 42%) và thu hút, ký kết được 6,24 tỷ USD vốn ODA (tổng vốn ODA đã ký kết đến nay là 18,64 tỷ USD).

Trong tổng số 186.660 tỷ đồng huy động từ tư nhân, đã triển khai 62 dự án (58 dự án đường bộ; 1 dự án đường thủy nội địa; 2 dự án hàng hải; 1 dự án đào tạo) theo hình thức hợp đồng BOT và BT.

Đến nay, đã giải ngân vốn tư nhân đạt 121.833 tỷ đồng (chiếm 32,13%) trong tổng nguồn vốn giải ngân giai đoạn này khoảng 397.213 tỷ đồng. Hai lĩnh vực chưa huy động được là đường sắt và đường hàng không.

Nhờ đó, đã góp phần đưa vào khai thác 26 dự án với tổng mức đầu tư là 74.806 tỷ đồng, chưa kể 18 dự án khởi công trước năm 2011 với tổng mức đầu tư là 37.212 tỷ đồng cũng đưa vào khai thác giai đoạn này.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai đầu tư 36 dự án với tổng mức đầu tư 111.854 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật, các dự án BOT đã rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, đi lại an toàn hơn.

Trong khi đó, tổng mức đầu tư và suất vốn đầu tư các dự án BOT sau khi tách riêng chi phí lãi vay trong quá trình xây dựng là tương tự như các dự án sử dụng vốn Nhà nước.

Đề xuất nguyên tắc xác định trạm thu phí, mức phí

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng thông tin có 88 trạm thu phí trên tuyến quốc lộ, trong đó Bộ Giao thông Vận tải quản lý 74 trạm thu phí, UBND các tỉnh quản lý 14 trạm.

Có 13 hệ thống thu phí trên các tuyến đường cao tốc, trong đó Bộ Giao thông Vận tải quản lý 12 hệ thống; UBND các tỉnh quản lý 1 hệ thống.

Các trạm thu phí trên quốc lộ có 20 trạm có khoảng cách < 60km; một số dự án triển khai trước đây có trám thu phí nằm ngoài phạm vi dự án, một số dự án có bổ sung hạng mục đầu tư nằm ngoài phạm vi dự án do địa phương kiến nghị.

Điều quan tâm nhất là mức thu phí và lộ trình tăng phí hiện nay ở một số vị trí, vẫn được đánh giá là cao.

Một trong những nguyên nhân được kể đến là do chưa có một đánh giá về khả năng chi trả của người dân và tác động mức phí đến các yếu tố kinh tế vĩ mô.

Do đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định về quy trình, nguyên tắc xác định trạm thu phí, mức phí và tham vấn người sử dụng để khắc phục các tồn tại, đảm bảo tính công bằng, minh bạch.

Việc giám sát nguồn thu tại các trạm thu phí cũng là nhiệm vụ quan trọng được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm