Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhìn lại những sự kiện lớn của kinh tế Việt Nam

Chủ nhật, 29/12/2013 - 14:22

(Thanh tra) - Năm 2013 với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ nhằm để khởi đầu một giai đoạn phát triển mới. Cho dù quá trình tái cơ cầu nền kinh tế chỉ trong giai đoạn bắt đầu, nhưng bức tranh kinh tế năm qua cũng có nhiều gam màu sáng đặt niềm tin cho năm 2014 khởi sắc hơn.

Sản xuất tại một nhà máy FDI Nhật bản.

1. Ngân hàng Nhà nước được trao thêm quyền

Khi Nghị định số 156/2013 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước được Chính phủ ban hành có hiệu lực thì Ngân hàng Nhà nước là Ngân hàng Trung ương (NHTW) chứ không chỉ là cơ quan ngang Bộ. NHTW có thêm nhiệm vụ xây dựng chỉ tiêu lạm phát, chủ trì phòng, chống rửa tiền, mua bán ngoại hối và quản lý kinh doanh vàng, theo nghị định Chính phủ mới ban hành. Như vậy, sau hơn 50 năm, NHNN được nhận lại quyền hạn của một NHTW. Với Nghị định này, lần đầu tiên NHNN được trao quyền của một NHTW, hoạt động độc lập và tự chủ, theo các chuẩn mức quốc tế, với nhiệm vụ quan trọng nhất là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm cho các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh trong khuôn khổ luật pháp.

2. VAMC và sứ mệnh giải cứu nợ xấu

Chính phủ cho ra đời Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) vốn điều lệ 500 tỷ đồng, có sứ mệnh xử lý nợ xấu, nhằm tái cơ cấu ngành Ngân hàng và kích thích phát trển kinh tế. Trong quá trình xử lý nợ xấu, VAMC không lấy tiền ngân sách để xử lý nợ xấu mà sẽ phát hành trái phiếu có thời hạn trong 5 năm để mua nợ với mức lãi suất trái phiếu 0%. Trong thời gian này, mỗi năm, ngân hàng bán nợ phải trích lập 20% cho trái phiếu. Sau 5 năm, nếu khoản nợ xấu không bán được, ngân hàng cũng đã trích lập đủ 100% trái phiếu để trả trái phiếu cho VAMC, đồng thời, nhận khoản nợ xấu về. Tuy nhiên, lúc này, khoản nợ xấu đó đã được xóa trong bảng kế toán của ngân hàng, có nghĩa là đã được làm sạch (vì ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro 100%). Năm 2013, VAMC đã xử lý 35 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

3. Vốn FDI vượt mốc 20 tỷ USD

Vốn FDI vào Việt Nam chính thức vượt mốc 20 tỷ USD trong năm 2013. Tính đến ngày 20/11/2013, cả nước có 1.175 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 13,779 tỷ USD, tăng 73,3% so với cùng kỳ năm 2012. Có 446 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 7,036 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung trong 11 tháng đầu năm 2013, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 20,815 tỷ USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm 2012.

4. Đẩy nhanh ngành Công nghiệp lọc dầu

Cuối tháng 10/2013, Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa chính thức khởi công. Với công suất chế biến tới 10 triệu tấn/năm, nhà máy có vốn đầu tư khoảng 9 tỷ USD, dự kiến hoàn thành xây dựng vào Quý IV/2016 và vận hành thương mại vào năm 2017. Tương tự, Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô đặt tại Khu kinh tế Nam Phú Yên thuộc huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, do Tập đoàn Tachnostar Management Ltd Anh Quốc  làm chủ đầu tư cũng bắt đầu khởi động và mức vốn đầu tư lên 3,18 tỷ USD.

Một dự án khác gây nhiều dư luận trái chiều là Dự án Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội nằm tại Khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định do Tập đoàn dầu khí PTT Thái Lan làm chủ đầu tư với số vốn 27,5 tỷ USD để xây dựng nhà máy lọc dầu có công suất chế biến 30 triệu tấn dầu thô/năm. Theo quy hoạch phát triển, ngành Dầu khí VN sẽ không có Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội. Tuy nhiên, các Bộ, ngành và UBND tỉnh Bình Định đều đề xuất bổ sung dự án vào quy hoạch ngành Dầu khí.

Theo tính toán của Bộ Công thương dựa trên tình hình thực tế triển khai, vận hành các nhà máy, trường hợp các dự án Long Sơn, Nam Vân Phong đưa vào vận hành sau năm 2020 và Dự án Nhơn Hội vận hành trước năm 2020, nguồn cung sản phẩm xăng dầu sẽ khoảng 36 triệu tấn, thừa 7 triệu tấn. Đến năm 2025 sẽ thừa 11 triệu tấn. Tuy nhiên, tính toán này chưa kể đến Dự án nhà máy lọc dầu ở Vũng Áng mà UBND tỉnh Hà Tĩnh muốn cấp phép cho Formosa.

5. Bất động sản sẽ không còn bất động

Gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ lãi suất 6%/năm được kỳ vọng làm ấm lại thị trường bất động sản (BĐS) dù việc giải ngân còn thấp do nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2 và có giá dưới 15 triệu đồng/m2 còn khan hiếm. Tuy nhiên trong nhiều cố gắng của Chính phủ cũng như Bộ Xây dựng, nhiều dự án nhà ở thương mại đã được chuyển đổi thành nhà ở xã hội, cùng với hàng loạt dự án nhà ở xã hội mới đang hình thành. Những cố gắng này cùng với việc các doanh nghiệp BĐS đã chủ động đưa ra những chiến lược phù hợp như giảm giá, chia nhỏ diện tích để thu hút khách hàng… tất cả cho thấy kỳ vọng BĐS sẽ không còn bất động đang là kỳ vọng khả thi…

6. Vinashin thoát xác thành SBIC

Từ ngày 01/01/2014, chính thức khép lại việc thí điểm Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin), thay vào đó là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy SHIPBUILDING INDUSTRY CORPORATION (SBIC) hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - con, không có lỗ lũy kế, vốn điều lệ 9.520 tỷ đồng. Ngành nghề chính vẫn là đóng mới tàu thủy, hoán cải tàu thủy, tư vấn, thiết kế tàu thủy… Ngoài ra, Tổng Công ty còn có nhiệm vụ khai thác cảng biển, cảng thủy nội địa, bến tàu, cầu tàu; kinh doanh hoạt động lai dắt, tàu kéo, tàu đẩy, xà lan, phương tiện nổi…

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, khoản nợ các tổ chức tín dụng trong nước của Vinashin đã được các tổ chức tín dụng giảm 13.152 tỷ đồng, khoản nợ các tổ chức tín dụng nước ngoài 13.163 tỷ đồng cũng đã được Chính phủ bảo lãnh trên thị trường Singapore, khoản nợ bắt buộc với các chủ tàu cũng đã giảm 1.704 tỷ đồng. Số nợ còn lại cơ bản được kéo dài, gia hạn thời gian trả nợ đến 2023 và 2025. Nhiều ý kiến cho rằng, với động thái này Vinashin thực sự đã “thoát xác” một cách ngoạn mục.

7. Chính phủ và 5 bộ cùng quản lý Vinalines

Đối với Vinalines, việc tái cơ cấu toàn diện hiện đã có kết quả bước đầu là thu gọn từ 73 còn 36 doanh nghiệp, tập trung vào 3 nhóm ngành nghề kinh doanh chính là vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải. Về cơ cấu tài chính, Vinalines đã cơ cấu được 7.855 tỷ đồng dư nợ tại VDB, cơ cấu nợ được 20.412 tỷ đồng tại các tổ chức trong nước theo hướng giãn nợ, giảm số tiền phải trả mỗi kỳ trong giai đoạn 2013 - 2014. Đồng thời, hoàn thành thủ tục bổ sung 900 tỷ đồng vốn điều lệ. Điều lệ tổ chức, hoạt động của Vinalines được Thủ tướng ban hành nêu rõ, trường hợp Tổng Công ty không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước quy định sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết, hoặc Chính phủ nhận thấy việc tiếp tục duy trì Vinalines là không thực sự cần thiết thì cũng sẽ tiến hành thủ tục giải thể. Đáng chú ý, trong trường hợp chủ nợ có yêu cầu thanh toán nợ đến hạn phải trả mà Vinalines lâm vào tình trạng không có khả năng thanh toán được thì Tổng giám đốc Vinalines phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho tổng công ty. Đặc biệt, sau những sai phạm về quản lý, sử dụng vốn tại Vinalines trong thời gian qua, điều lệ lần này đã quy định rõ, ngoài trách nhiệm chính của chủ sở hữu là Chính phủ, có đến 5 Bộ chuyên ngành là GTVT, Tài chính, KH&ĐT, LĐ-TB&XH.

Duy Khanh tổng hợp

Dự báo kinh tế vĩ mô năm 2014

Năm 2014, Quốc hội đặt ra mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế năm 2014 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát (~7%); tăng trưởng hợp lý (5,8%) và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh trạnh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm đến năm 2015 tạo được chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản, có hiệu quả rõ rệt.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% trong năm 2014, cùng với quyết tâm đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược, Chính phủ sẽ vẫn cần phải duy trì kích thích đầu tư xã hội. Sức cầu, bao gồm cả cầu đầu tư và cầu tiêu dùng) theo đó dự kiến có cải thiện hơn năm 2013. Tuy nhiên, sự cải thiện chỉ ở mức độ nhẹ do Chính phủ dự kiến sẽ không thực hiện biện pháp kích cầu mạnh mà tập trung vào nhiệm vụ tái cơ cấu. 

Lạm phát năm 2014 sẽ vẫn được kiểm soát ở mức tương tự năm 2013 để duy trì sự ổn định vĩ mô. Triển vọng xuất khẩu năm 2014 của Việt Nam vẫn rất khả quan, mục tiêu tăng trưởng 10% là khả thi. Theo đó, nhìn chung trong bối cảnh năm 2014, mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5,8% là một mục tiêu đầy khó khăn và thách thức, đòi hỏi Chính phủ cùng các ban ngành phải có các biện pháp sâu sát, đồng bộ ngay từ đầu năm. 

Về tăng trưởng GDP, theo quan điểm của Trung tâm nghiên cứu triển vọng của BIDV, tăng trưởng của năm 2014 có phần khả quan hơn năm 2013 song nền kinh tế chưa thể lấy lại được đà tăng trưởng nhanh và tăng trưởng GDP dự kiến chỉ cao hơn khoảng 0,3 điểm % so với năm 2013 và đạt khoảng 5,5 - 5,6%.
PVL
 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm