Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều điểm mới Nghị định 119 về hóa đơn điện tử

Thứ ba, 23/10/2018 - 14:59

(Thanh tra)- Lộ trình hoàn thành thực hiện hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã được ngành Thuế xác định trước ngày 1/11/2020. Nhiều vấn đề quan tâm của doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh về: Nguyên tắc lập, sử dụng, quản lý thuế; đối tượng phải thực hiện HĐĐT; nội dung và định dạng HĐĐT; trường hợp không có mã của cơ quan thuế đối với một số ngành nghề, lĩnh vực thì việc áp dụng HĐĐT như thế nào... đã được giải đáp tại hội thảo chuyên đề do Tổng cục Thuế tổ chức mới đây.

Nếu có vướng mắc về HĐĐT các DN, hộ kinh doanh có thể liên hệ để được các cơ quan thuế giải đáp, hướng dẫn. Ảnh: T.A

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh nào sử dụng HĐĐT?

Theo Tổng cục Thuế, đối tượng áp dụng việc sử dụng HĐĐT được Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định rõ là các tổ chức, DN, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ; tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT; cơ quan quản lý thuế các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng hóa đơn.

Trong đó, đối với hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ phải sử dụng HĐĐT.

Trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc diện bắt buộc nhưng có thực hiện sổ sách kế toán, có yêu cầu cũng được áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế theo quy định.

Cũng theo đại diện Tổng cục Thuế, việc thực hiện theo nguyên tắc: Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập HĐĐT có mã của cơ quan thuế hoặc HĐĐT không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Trường hợp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán có sử dụng máy tính tiền thì đăng ký sử dụng HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Việc đăng ký, quản lý, sử dụng HĐĐT trong giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, kế toán, thuế và quy định tại Nghị định 119.

Dữ liệu HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý thuế và cung cấp thông tin cho các tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc cấp mã của cơ quan thuế trên HĐĐT dựa trên thông tin của DN, tổ chức kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh lập trên hóa đơn. DN, tổ chức kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên hóa đơn.

HĐĐT có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua. Do vậy, hóa đơn do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế không được gọi là HĐĐT.

Định dạng HĐĐT sẽ được thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế. Song điểm khác là chữ ký số, chữ ký điện tử và trên hóa đơn có mã của cơ quan thuế.

HĐĐT phục vụ cho hoạt động kiểm tra hàng hóa lưu thông

Theo quy định từ Nghị định số 119, khi kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, đối với trường hợp sử dụng HĐĐT, cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền truy cập cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin về HĐĐT phục vụ yêu cầu quản lý, không yêu cầu cung cấp hóa đơn giấy.

Các cơ quan có liên quan có trách nhiệm sử dụng các thiết bị để truy cập, tra cứu dữ liệu HĐĐT. Cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền đang thực hiện kiểm tra căn cứ chứng từ giấy chuyển từ HĐĐT để lưu thông hàng hóa và tiếp tục thực hiện tra cứu dữ liệu HĐĐT (tại đầu mối đăng ký với Tổng cục Thuế) để phục vụ công tác kiểm tra theo quy định.Trường hợp người vận chuyển hàng hóa không có chứng từ giấy chuyển từ HĐĐT thì cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền đang thực hiện kiểm tra truy cập cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để kiểm tra, xác nhận HĐĐT của DN.

Cung cấp dịch vụ HĐĐT có mã của cơ quan thuế không thu tiền

Có 5 trường hợp được Tổng cục Thuế hoặc tổ chức được Tổng cục Thuế ủy nhiệm cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế không thu tiền.

Các đối tượng này gồm: DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn;

DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định pháp luật và hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành DN (trừ DN nêu tại gạch đầu dòng nêu trên) trong thời gian 12 tháng kể từ khi thành lập DN;

Hộ, cá nhân kinh doanh. Riêng hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ trong thời gian 12 tháng kể từ tháng áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế.

DN nhỏ và vừa khác theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định của Bộ Tài chính trừ DN hoạt động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Và các trường hợp khác cần thiết để khuyến khích sử dụng HĐĐT do Bộ Tài chính quyết định...

Cũng theo quy định tại Nghị định số 119, kể từ thời điểm sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế hoặc HĐĐT không có mã của cơ quan thuế, thì DN, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện hủy những hóa đơn giấy còn tồn chưa sử dụng. Ngoài ra, HĐĐT hợp pháp có thể được chuyển đổi thành chứng từ giấy. Song phải bảo đảm sự khớp đúng giữa nội dung của HĐĐT và chứng từ giấy sau chuyển đổi.

T.A

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm