Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngân hàng Nhà nước: Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%

Thứ hai, 07/01/2019 - 18:33

(Thanh tra) - Sáng ngày 7/1, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức buổi họp báo công bố kết quả chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2018, phương hướng nhiệm vụ năm 2019.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: NĐ

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết: Năm 2018 là năm thứ 5 liên tiếp lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4% và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% - cao nhất trong 11 năm trở lại đây. Đến cuối năm 2018, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2017.

Mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định trong bối cảnh lãi suất thị trường quốc tế gia tăng. 

Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, thông suốt, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Trong năm 2018, NHNN đã chủ động và linh hoạt điều tiết thị trường ngoại hối, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT, điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VND hợp lý để ổn định thị trường, có điều kiện bổ sung dự trữ ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát.

Trong công tác tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu. Ước tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017.

Đối với hoạt động thanh toán, ngành Ngân hàng cũng là một trong những ngành chủ động đi đầu ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng các tiện ích cho khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán điện tử tiếp tục được coi trọng và tăng cường.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng tương ứng 33,03% và 18,34% so với cùng kỳ năm 2017; số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 29,74% và 125,85% so với cùng kỳ năm 2017.

Thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông từ năm 2013 đã giúp tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước đối với các chi phí liên quan đến in ấn, giao nhận, bốc xếp, kiểm đếm, vận chuyển, bảo quản,…

Đảm bảo nhu cầu tiền mặt Tết Kỷ Hợi 2019

Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, NHNN đặc biệt quan tâm tới nhu cầu tiền mặt của người dân, thường xuyên theo dõi, giám sát để kịp thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) về chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, hoạt động của hệ thống ATM.

Cuối năm 2018, NHNN đã có các văn bản chỉ đạo các NHTM chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán vào dịp cuối năm và Tết Kỷ Hợi 2019; trong đó đặc biệt yêu cầu các NHTM chủ động tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời, có các biện pháp phù hợp nhằm giảm tải cho ATM, đảm bảo hoạt động của hệ thống ATM thông suốt, ổn định và an toàn.

NHNN chủ động xây dựng các phương án cung ứng tiền mặt, lên kế hoạch và thực hiện điều chuyển tiền từ Trung ương đến NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm nâng cao dự trữ, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế trong dịp cuối năm và giáp Tết Nguyên đán 2019.

Phó Thống đốc NHNN cho biết, từ nay đến giáp Tết Nguyên đán 2019, NHNN theo dõi sát diễn biến tình hình tiền mặt tại từng địa phương, tập trung nguồn lực ở mức cao nhất để điều chuyển bổ sung dự trữ, kịp thời ứng phó nhu cầu đột xuất, bất thường.

Với số lượng dự trữ hiện nay, NHNN đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt cho lưu thông về giá trị và cơ cấu các mệnh giá tiền một cách hợp lý.

Chiến lược phát triển Ngân hàng năm 2019

Năm 2019, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng theo định hướng đề ra. Tái cấp vốn cho TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu. điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT, biện pháp can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ.

Điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; trong đó, ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đối với TCTD.

Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng. Kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.

Chủ động thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng hiệu quả. Tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước. Triển khai tích cực các biện pháp hạn chế tình trạng đô la hóa trên lãnh thổ, tăng niềm tin vào đồng Việt Nam, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra.

Trong hoạt động thanh toán, NHNN tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được nhu cầu thanh toán của người dân.

Đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc...

Nguyễn Điểm

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm