Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Kinh doanh thụt lùi, tăng trưởng âm, Ngân hàng Phương Đông (OCB) cắt giảm các khoản chi nhân viên

Gia Hân

Thứ năm, 27/01/2022 - 18:25

(Thanh tra) - Hai mảng đóng góp lớn nhất vào doanh thu là thu nhập lãi thuần và chứng khoán đầu tư đều sụt giảm so với cùng kỳ trong khi kinh doanh ngoại hối, chứng khoán kinh doanh... có sự tăng trưởng nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ.

Tăng trưởng âm trong hoạt động chính

Ngân hàng TMCP Phương Đông - OCB (mã OCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với lợi nhuận trước thuế 1.750 tỷ đồng, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước do các mảng kinh doanh chính đi xuống.

Cụ thể, mảng tín dụng trong kỳ vừa qua mang về cho ngân hàng khoản lãi thuần 1.531 tỷ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư cũng giảm mạnh tới 40%, xuống còn 523 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ đi ngang với gần 316 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, mảng kinh doanh ngoại hối và chứng khoán kinh doanh kỳ qua ghi nhận tăng trưởng khá khả quan với mức tăng lần lượt 56,5% và 34,8%, đạt 46 tỷ và 104 tỷ đồng. Lãi thuần từ các hoạt động kinh doanh khác cũng tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ, đạt gần 154 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động của OCB trong quý cuối cùng của năm đạt 2.673 tỷ, giảm 9,3% so với cùng kỳ. Theo đó, dù đã cắt giảm 18,3% chi phí hoạt động nhưng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn giảm 6,5% xuống mức 2.087 tỷ. Cùng với đó, chi phí dự phòng tăng 4,2%, lên 337 tỷ đồng khiến lãi trước thuế của ngân hàng sụt giảm so với cùng kỳ.

Tính chung cả năm 2021, OCB ghi nhận lợi nhuận trước và sau thuế đạt 5.519 tỷ và 4.405 tỷ, đều tăng gần 25% so với năm trước. Tăng trưởng chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần tăng hơn 14% đi cùng với việc giảm được 21% chi phí dự phòng so với năm 2020. Ngoài ra, lãi thuần chứng khoán kinh doanh và hoạt động kinh doanh khác cũng được cải thiện.

Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản ngân hàng đã tăng 21% so với đầu năm lên mức 184.491 tỷ đồng. Dư nợ cho vay tăng 14,4% lên 102.051 tỷ đồng đồng trong khi tiền gửi khách hàng cũng tăng 13,3% lên 98.805 tỷ đồng.

Để bù đắp thanh khoản, OCB đã tăng mạnh vay các TCTD khác lên 11.971 tỷ đồng, gấp đôi so với đầu năm trong khi phát hành giấy tờ có giá cũng tăng 38,5%, lên gần 22.629 tỷ đồng.

Về chất lượng tín dụng, nợ xấu nội bảng của OCB thời điểm 31/12/2021 đã giảm 10,5% so với hồi đầu năm, xuống còn 1.350 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cũng theo đó giảm từ 1,69% xuống 1,32%.

Cắt giảm khoản chi cho nhân viên

Trong năm vừa qua, số lượng nhân sự làm việc trên toàn hệ thống OCB tăng thêm 28 người lên 5.792 người. Tuy nhiên, chi phí cho nhân viên lại giảm hơn 123 tỷ đồng, tương đương gần 25% xuống còn 375 tỷ đồng. Trong đó, quỹ lương và phụ cấp giảm 125 tỷ đồng so với năm trước, xuống còn gần 331 tỷ đồng.

OCB mới đây đã công bố triển khai phương án tăng vốn điều lệ trong đó có bao gồm cả hình thức phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành 5 triệu cổ phiếu ESOP với mức giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 64% so với thị giá của cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Điều này đồng nghĩa với việc cán bộ nhân viên sẽ có thể được mua cổ phiếu với giá “rẻ” hơn nhiều so với giá thị trường nhưng đương nhiên sẽ phải chịu một khoảng thời gian hạn chế giao dịch.

Ngoài ESOP, OCB cũng có kế hoạch chào bán 882.341 cổ phần riêng lẻ cho Ngân hàng Aozora với giá chào bán 25.571 đồng/cổ phiếu. Số tiền huy động được từ 2 đợt phát hành này dự kiến vào khoảng hơn 72 tỷ đồng, được dùng để bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm