Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không nên “tham bát, bỏ mâm”

Thứ sáu, 11/09/2015 - 09:30

(Thanh tra)- Đó là ý kiến chung của các doanh nghiệp (DN), chuyên gia trong nước và quốc tế xung quanh Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành biểu mức thuế suất tài nguyên do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Phạm Đình Thi chủ trì cuộc họp. Ảnh: Phương Hiếu

Thuế, phí cao ngất ngưởng

Theo tờ trình của Bộ Tài chính gửi Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị Quyết 712/UBTVQH13 ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, dự kiến sẽ điều chỉnh mức thuế suất đối với từng nhóm, loại tài nguyên tăng từ 2% đến 12%.

Cụ thể: Khoáng sản là kim loại sẽ nâng thuế suất của các mặt hàng như sắt từ 12% lên 14; titan từ 16% lên 18%, vàng từ 15% lên 17%, chì và kẽm từ 10% lên 15%... Khoáng sản không phải kim loại như đá hoa trắng sẽ tăng thuế suất từ 9% lên 15% (mức kịch trần); cát từ 11% lên mức 15%, cát làm thủy tinh từ 13% lên 15%; đất làm gạch từ 10% lên 15%, granite từ 10% lên 15%; than từ 7% lên 10%... Riêng các sản phẩm của rừng tự nhiên như gỗ sẽ giảm từ mức trần 35% xuống kịch sàn là 10% đến 25%.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính Phạm Đình Thi cho rằng, việc điều chỉnh thuế suất đối với từng nhóm, loại tài nguyên cho phù hợp nhằm tăng cường quản lý Nhà nước trong việc khai thác tài nguyên quốc gia, góp phần bảo vệ, khai thác hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên; bảo đảm phù hợp với tiến trình đổi mới cơ chế quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển rừng theo Nghị quyết 30 ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, góp phần đảm bảo đồng bộ hệ thống pháp luật về nguồn thu ngân sách Nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, quan điểm này không nhận được sự đồng thuận của các DN, đại diện các hiệp hội ngành hàng, là những đối tượng đã, đang và sẽ chịu tác động của việc thay đổi chính sách thuế.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Biên, các DN hiện nay đang rất khó khăn, do vậy việc điều chỉnh thuế tài nguyên phải bám sát tình hình thực tế. Nếu điều chỉnh như mức nêu trong dự thảo thì thu ngân sách có thể tăng nhưng sau một năm, sản xuất kinh doanh của DN sẽ không còn lãi. Việc điều chỉnh tăng ở thời điểm này là không phù hợp.

Cân nhắc, tính toán cho hợp lý

Đại diện Cty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương cho rằng, thuế tài nguyên đề nghị áp dụng cho  khai thác đá ở Việt Nam từ 9% lên 15% hiện nay là cao hơn rất nhiều so với 3% ở Italia và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo doanh nghiệp này, tăng thuế sẽ không giúp đạt được mục tiêu quản lý, bảo vệ, tái tạo và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên quốc gia mà sẽ khiến một phần tài nguyên quốc gia bị bỏ lại trong lòng đất và không thu hồi được; thứ nữa là làm gia tăng các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và rất nhiều hệ lụy kinh tế - xã hội - môi trường.

PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam, Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam cho rằng, chính sách thuế, phí đối với khoáng sản ngày càng tăng, trong khi đó điều kiện khai thác khó khăn, phức tạp đã làm cho giá thành sản phẩm cũng ngày càng tăng lên dẫn tới hiệu quả kinh doanh của DN bị giảm sút. Do đó, chính sách thuế, phí hiện hành đối với khai thác khoáng sản không nên theo tư duy “tham bát, bỏ mâm”, chỉ vì tăng thu thêm một khoản cho ngân sách mà để tổn thất một lượng tài nguyên khoáng sản trong lòng đất có giá trị gấp nhiều lần. Thuế tài nguyên hiện đang tính theo sản lượng khoáng sản khai thác được, điều này dễ gây ra tình trạng “dễ làm, khó bỏ” làm tổn thất tài nguyên, vì khu vực khai thác khó khăn có giá thành cao lại phải nộp thuế tài nguyên ngày càng cao làm cho DN bị lỗ nên họ sẽ bỏ lại, không khai thác.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Đỗ Thị Hồng, đại diện trên 60 DN khai thác đá hoa trắng ở Lục Yên, Yên Bái và ở tỉnh Nghệ An cho rằng, nếu quyết định tăng thuế tài nguyên được thông qua sẽ tạo sức ép lớn đối với nhiều DN đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Bởi đối với ngành này, các DN phải đầu tư rất lớn vào hệ thống máy móc, dây chuyền công nghệ và thiết bị khai thác. Việc thay đổi chính sách thuế liên tục như trong vài năm qua, khiến DN chưa kịp hoàn vốn đã thất thu không ít, chưa nói đâu tới chuyện có lãi. Vì thế, việc điều chỉnh tăng, hay giảm thuế suất cần có sự cân nhắc, tính toán và áp dụng theo từng lộ trình phù hợp.

Không chỉ DN phản ứng dữ dội về phương án tăng thuế tài nguyên, nhiều chuyên gia Việt Nam và quốc tế cũng cho rằng, Việt Nam hiện là nước có khung thuế suất thuế tài nguyên cao trên thế giới. Trung Quốc là nước khai thác khoáng sản hàng đầu thế giới nhưng có mức thuế suất tài nguyên chỉ từ 5% đến 10%; Australia áp dụng thuế tài nguyên đối với khoáng sản là kim loại dao động từ 1,6% đến 7,5%.  Việc tính toán tăng thuế tài nguyên để bù đắp thuế xuất khẩu khoáng sản, vốn sẽ bị giảm và xóa bỏ khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ ký kết có hiệu lực.

Ông Vũ Hồng, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo thuộc Tập đoàn Masan. Ảnh: Phương Hiếu

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ Phạm Thị Hạnh: Không thể tạo chính sách cản trở môi trường kinh doanh

Vấn đề đặt ra là thu thuế tài nguyên như thế nào để nhà nước không bị thiếu hụt ngân sách, đồng thời tạo môi trường kinh doanh, bảo đảm cho DN đầu tư và phát triển. Không thể tạo ra chính sách cản trở môi trường kinh doanh, phải có sự hài hòa cân bằng lợi ích nhà nước và DN. Hiện nay, hầu hết là DN vừa và nhỏ. Nếu không có chính sách thuế tài nguyên phù hợp để thúc đẩy ngành công nghiệp khai khoáng phát triển DN, ngành này sẽ rất thiệt thòi trong cuộc chơi hội nhập.

Ông Vũ Hồng, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo thuộc Tập đoàn Masan: Hơn 50% chi phí trực tiếp đã là phí, thuế tài nguyên

Chưa kể thuế thu nhập DN, hiện gánh nặng chi phí thuế của Cty như Cty Núi Pháo đã chiếm tới 30% tổng chi phí của các hoạt động trực tiếp. Trong đó hơn 50% là chi phí thuế tài nguyên. Chính sách thuế thay đổi liên tục trong khoảng thời gian ngắn đã và sẽ gây tác động lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, khiến các DN không muốn đầu tư sâu vào chế biến khoáng sản mà chỉ tập trung vào khai thác nhỏ, lẻ để bán khoáng sản thô. Việc tăng thuế suất tài nguyên sẽ làm tăng chi phí khai thác khiến DN chỉ tập trung khai thác phần quặng giàu, bỏ quặng nghèo, dẫn đến lãng phí tài nguyên.

Phương Hiếu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm