Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Khơi thông "huyết mạch" thẻ tín dụng nội địa

Đức Thành

Thứ bảy, 12/03/2022 - 17:11

(Thanh tra) - Ngày 11/3/2022, Báo Lao động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức Hội thảo "Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam”. Hội thảo bàn về cơ hội, giải pháp để phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, cũng như những rủi ro về an toàn đối với thẻ tín dụng.

Hội thảo "Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam”

Dư địa phát triển còn rất tiềm năng

Theo số liệu của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2021, Việt Nam có hơn 6,5 triệu thẻ tín dụng phát hành bởi gần 40 tổ chức phát hành. Thẻ tín dụng từ năm 2001 đã được phát hành nhưng độ phát triển chưa cao. Lượng thẻ ghi nợ hiện nay vẫn lớn hơn so với thẻ tín dụng.

Ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc NAPAS nhận định, chỉ có 6,5 triệu thẻ tín dụng so với dân số gần 100 triệu dân thì tỷ lệ còn rất nhỏ. Đặc biệt, thẻ tín dụng đang là một công cụ thanh toán không thể thiếu trong tương lai nhờ những chính sách cho việc mở thẻ ngày càng trở nên dễ dàng, thuận tiện và khách hàng ngày càng được hưởng nhiều ưu đãi khi thanh toán.

Ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc NAPAS

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng nếu khách hàng đã sử dụng thanh toán điện tử không dùng tiền mặt rồi thì sẽ chắc chắn không bao giờ quay trở lại dùng tiền mặt. Để họ sử dụng lần đầu thì chỉ có truyền thông mới làm được điều đó.

Trước dư địa phát triển rộng lớn, trong thời gian tới, ông Dũng đề nghị các tổ chức phát hành thẻ và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, tập trung, thực hiện có hiệu quả nội dung liên quan đến phát hành thẻ nội địa. Cụ thể là đẩy mạnh công tác truyền thông rộng rãi cho các khách hàng về thông tin, quy trình phát hành của các dòng thẻ tín dụng nội địa. Xây dựng và triển khai chính sách phí phù hợp với điều kiện phát triển thẻ tín dụng nội địa.

Đồng thời, tích cực triển khai các sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng theo hướng số hoá các sản phẩm thẻ, tự động hoá các quy trình. Mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ liên thông vào tất cả dịch vụ, lĩnh vực trong nền kinh tế.

Tiếp tục nghiên cứu thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán thẻ tín dụng tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn liền với chính sách toàn diện tài chính quốc gia, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thể trong xã hội tiếp cận, hưởng tiện ích của dịch vụ ngân hàng hiện đại. Từ đó đảm bảo phát triển cân bằng, hài hoà trong nền kinh tế, toàn quốc gia và lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh phát triển thẻ tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị phát hành thẻ tín dụng và NAPAS chú ý đến bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống thẻ nói chung và hệ thống thẻ nội địa nói riêng. Đồng thời đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dùng trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng nội địa

Ông Lê Thanh Hà, Trưởng Tiểu ban Rủi ro, Hội Thẻ Việt Nam, chia sẻ: Người sử dụng thẻ tín dụng cần hiểu, nhận biết và kiểm soát được những rủi ro để đảm bảo an toàn. Ví dụ, khách hàng không đưa thẻ của mình cho bất cứ người nào khác, trừ nhân viên của ngân hàng hoặc các nhân viên thu ngân của đơn vị chấp nhận thanh toán được chỉ định để làm việc với khách hàng; khi thu ngân thực hiện giao dịch phải trong tầm quan sát của chủ thẻ; khách hàng nên chủ động quản trị rủi ro thẻ thông qua các công cụ mà ngân hàng cung cấp như các ứng dụng hoặc các trang web.

Ông Lê Thanh Hà, Trưởng Tiểu ban Rủi ro, Hội Thẻ Việt Nam

Trường hợp phát sinh rủi ro (như thất lạc, mất thẻ/đã cung cấp thông tin thẻ cho đối tượng giả mạo…)/nghi ngờ có rủi ro hoặc thông tin, dữ liệu thẻ của mình có thể đã bị xâm nhập, khách hàng cần lập tức thực hiện những bước sau:

- Khóa thẻ thông qua ứng dụng ngân hàng cung cấp cho khách hàng.

- Liên hệ ngay tổng đài hỗ trợ khách hàng 24/7 của các ngân hàng phát hành thẻ để khóa thẻ.

- Liên hệ với cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ. Việc làm việc với cơ quan công an sẽ là các bằng chứng để củng cố hồ sơ nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng trước các rủi ro phát sinh.

Trưởng Tiểu ban Rủi ro, Hội Thẻ Việt Nam cảnh báo khách hàng không nên cung cấp các thông tin như thông tin thẻ (số thẻ, ngày hết hạn, họ tên trên thẻ…), thông tin cá nhân (số CMND/CCCD), mã OTP… để tránh các trường hợp giả mạo.

Một số giải pháp để hạn chế rủi ro phát sinh

Người dùng cần thường xuyên kiểm tra thông báo giao dịch thẻ qua tin nhắn gửi qua điện thoại hoặc ứng dụng mà ngân hàng cung cấp để biết được các biến động giao dịch từ thẻ và liên hệ ngay với ngân hàng trường hợp giao dịch đó không do mình thực hiện.

Thường xuyên thay đổi mã PIN, mật khẩu của thẻ và nên tránh các con số dễ đoán hoặc có liên quan đến các thông tin cá nhân.

Khi giao dịch thẻ tại ATM cần quan sát kỹ trước khi thực hiện giao dịch, không giao dịch nếu máy ATM có thiết bị lạ, bất thường và sử dụng tay che bàn phím khi nhập PIN. Với tại POS cần đảm bảo giao dịch phải được thực hiện trong tầm quan sát của mình khi thu ngân thực hiện giao dịch và yêu cầu thu ngân không được sao chụp, ghi lại các thông tin của thẻ.

Cuối cùng là luôn lấy tay che bàn phím khi nhập mã PIN (nếu được yêu cầu). Chỉ giao dịch tại các website/ứng dụng di động uy tín, các địa chỉ mua hàng tin cậy, bảo mật cao và phải đăng xuất thoát khỏi ứng dụng, website khi hoàn thành phiên giao dịch.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm