Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Nội vay lại hơn 225 tỷ đồng vốn ODA để trả nợ gói thầu cầu Nhật Tân

Thứ sáu, 06/07/2018 - 12:10

(Thanh tra)- HĐND TP Hà Nội đồng ý vay lại hơn 1 tỷ yên (tương đương 225.799 triệu đồng) từ vốn vay ODA Nhật Bản để trả nợ gói thầu cầu Nhật Tân do chậm tiến độ…

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: HG

Ngày 5/7, với tỷ lệ tán thành chiếm 94,12 tổng số đại biểu, HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2018 của TP.

Theo Nghị quyết này, 6 tháng cuối năm, Hà Nội tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý Nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường; phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội; tiếp tục cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; bảo đảm quốc phòng địa phương, duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại.

Nghị quyết này cũng lồng ghép nội dung phê duyệt phương án vay lại một phần vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản để thanh toán chi phí bổ sung do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng gói thầu số 1 và số 3 của dự án xây dựng cầu Nhật Tân và tuyến đường hai bên đầu cầu.

Cụ thể, tổng giá trị vay lại là 1.085.574.286 yên (tương đương 225.799 triệu đồng), trong đó giá trị vay lại gói thầu số 1 là 756.414.803,5 yên, tương đương 157.334 triệu đồng và gói thầu số 3 là 329.159.482,5 yên, tương đương 68.465 triệu đồng.

Tổng giá trị trả nợ, bao gồm gốc và lãi là 1.139.288.741,79 yên, tương đương 236.972 triệu đồng, thời hạn trả nợ gốc là 30 năm, lãi suất cho vay lại: 0,2%/năm/dư nợ vay lại.

Nguồn vốn trả nợ từ ngân sách TP bố trí hằng năm theo kế hoạch. UBND TP cân đối nguồn vốn ngân sách thành phố để lập kế hoạch trả nợ hằng năm bảo đảm theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý ngân sách và trả nợ vốn vay nước ngoài.

Theo báo cáo của UBND TP, việc phát sinh chi phí thực hiện 2 gói thầu số 1 và số 3 đã được Kiểm toán Nhà nước xác định là do các nguyên nhân khách quan. Việc TP vay lại 50% phần vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản để vay lại với giá trị hơn 1 tỷ yên đã được Chính phủ chỉ đạo.

“Khoản vay lại này không làm mức dư nợ vay hằng năm của TP bị vượt quá quy định, đồng thời đã được Chính phủ chấp thuận không tính vào bội chi ngân sách địa phương. Năm 2018, ngân sách TP đã dự kiến nguồn để chi trả lãi vay của khoản vay này”, báo cáo nêu.

Trước khi HĐND TP biểu quyết thông qua nghị quyết, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, 6 tháng đầu năm nay, kinh tế vĩ mô của TP tiếp tục ốn định, thu hút đầu tư tăng, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 9,9% so với cùng kỳ, ước đạt 128,9 nghìn tỷ đồng, giá cả hàng hóa, dịch vụ ổn định, công nghiệp thương mại du lịch tăng mạnh so cùng kỳ, nông nghiệp phát triển ổn định…

Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, chỉ số PCI đứng thứ 13/63 tỉnh, TP, cao nhất từ trước đến nay. Giá cả thị trường ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn so cùng kỳ (khoảng 2,24%; cùng kỳ là 3,86%).

Cũng theo ông Hùng, ngay từ đầu năm, TP đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách, nhất là các khoản nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất... 6 tháng đầu năm, Thủ đô thu ước đạt 120 nghìn tỷ đồng, đạt 50,4% dự toán, tăng 19% so với cùng kỳ. Song song với tăng nguồn thu, TP đã chỉ đạo điều hành chi ngân sách đúng quy định, tiết kiệm, đáp ứng nhiệm vụ chi thưòng xuyên cũng như đột xuất.

Sẽ giám sát chuyên đề giải quyết khiếu nại, tố cáo Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, thời gian tới, Thường trực HĐND TP sẽ tập trung, triển khai 11 chương trình, nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra. ĐB HĐND TP Hà Nội biểu quyết thông qua nghị quyết. Ảnh: HG   Đáng chú ý, HĐND TP sẽ tổ chức, triển khai giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện kết quả kiến nghị của cử tri; kết quả giải quyết các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn TP từ đầu nhiệm kỳ. Cùng với đó, triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Đề án thí điểm chính quyền đô thị; lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hợp nhất các cơ quan Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND TP; triển khai quy định về tiêu chí đánh giá, xếp loại CBCC, NLĐ tại cơ quan Văn phòng.

Quyết nghị các vấn đề quan trọng của Thủ đô

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, Kỳ họp thứ 6 HĐND TP Khóa XV lần này có rất nhiều đổi mới theo hướng “hiệu quả, thiết thực, nghị quyết sát với thực tiễn, phát huy được trí tuệ của từng đại biểu”.

Tại kỳ họp này, ngoài quyết những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2018, HĐND TP Hà Nội còn xem xét, thảo luận, thông qua các báo cáo, nghị quyết như: Mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của TP Hà Nội; mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường cho người dân khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP; một số cơ chế, chính sách đặc thù cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác chuyên môn về công nghệ thông tin; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn TP...

HĐND TP cũng dành 1 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn. Theo bà Ngọc, điểm mới của phiên chất vấn lần này là sẽ không tái chất vấn việc thực hiện các kết luận của Chủ tọa tại kỳ họp thứ 5 mà dành thời gian chất vấn các nhóm vấn đề mới.


Xử lý sai phạm dự án 8B Lê Trực, 5B Cầu Diễn giờ đến đâu? Cử tri các quận, huyện của Hà Nội đã gửi hàng loạt kiến nghị đến kỳ họp thứ 6 HĐND TP liên quan đến các vấn đề “nóng” đang tồn tại trên địa bàn như việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng, quản lý đất đai, tài sản công… Lần này, cử tri quận Hoàn Kiếm đề nghị UBND TP tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kiên quyết vi phạm trật tự xây dựng ngay từ ban đầu; xử lý dứt điểm vi phạm tại dự án số 8B Lê Trực, dự án B5 Cầu Diễn. Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: HG   UBND TP cho biết đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận Ba Đình thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị liên quan xử lý xong giai đoạn 1 (tầng 19 + tum thang) phần công trình sai phạm tại số 8B Lê Trực (quận Ba Đình). Sở Xây dựng và UBND quận Ba Đình cũng đã có tờ trình đề xuất phương án phá dỡ công trình vi phạm tại 8B Lê Trực giai đoạn 2. Và trên cơ sở này, Sở Xây dựng đã có ý kiến xác định chi phí phá dỡ giai đoạn 2. Tuy nhiên, trong văn bản trả lời của UBND TP Hà Nội chưa rõ phương án xử lý và thời gian hoàn thành cụ thể. Hà Nội chỉ cho biết, giữa tháng 5/2018, lãnh đạo TP đã họp, yêu cầu quận Ba Đình, các cơ quan liên quan và chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, xử lý triệt để công trình. Với dự án B5 Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm) liên quan đến sai phạm của cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga, Hà Nội cho biết, trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư tự ý dựng lán trại, nhà điều hành quản lý, thi công cọc khoan nhồi (59 cọc) nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, chưa được cấp phép xây dựng, huy động vốn trái pháp luật. TP đã chỉ đạo xử lý, khắc phục những hành vi vi phạm trên, các đối tượng vi phạm đã bị xử lý hình sự theo quy định. Tháng 1/2018, TP Hà Nội có thông báo TP chưa đủ cơ sở để xem xét cho Công ty Cổ phần tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất tiếp tục triển khai dự án nhà ở chung cư cao tầng B5 Cầu Diễn với lý do, TAND cấp có thẩm quyền đang trong quá trình xét xử vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản xẩy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất. Đồng thời, giao các sở, ngành tổng hợp, rà soát lại toàn bộ quá trình giải quyết các thủ tục đầu tư dự án. Thực tế hiện nay dự án không có hoạt động xây dựng.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm