Theo dõi Báo Thanh tra trên
Đông Hà
Thứ năm, 06/02/2025 - 16:20
(Thanh tra) - Báo cáo tài chính năm 2024 vừa được công bố của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (Dược Hậu Giang, mã DHG) cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa, với hàng loạt chỉ số chủ chốt đi xuống.
Doanh thu, lợi nhuận năm 2024 của Dược Hậu Giang cùng "rủ nhau" lao dốc. Ảnh: Đ.H
Liệu "ông lớn" ngành Dược này có đang "mắc kẹt" giữa những thách thức mới?
Nốt trầm tạm thời hay dấu hiệu sâu xa?
Nếu như năm 2023, Dược Hậu Giang còn ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.015 tỷ đồng thì đến năm 2024, con số này đã giảm 2,6%, xuống mức 4.885 tỷ đồng. Điều đáng lo ngại là lợi nhuận sau thuế còn “rơi tự do” mạnh hơn, khi giảm tới 25,9%, từ 1.051 tỷ đồng (2023) xuống 779 tỷ đồng (2024).
Điều gì đã khiến DHG “hụt hơi”? Áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các đối thủ trong và ngoài nước, sự thay đổi trong chính sách đấu thầu thuốc đã “bóp nghẹt” biên lợi nhuận, hay do thị hiếu của người tiêu dùng đang thay đổi, khiến các sản phẩm truyền thống của DHG không còn được ưa chuộng như trước?
Vẫn theo báo cáo, “sức khỏe tài chính” của DHG không chỉ bị ảnh hưởng bởi doanh thu đi xuống mà còn bởi áp lực ngày càng lớn từ chi phí. Giá vốn hàng bán, yếu tố “ăn mòn” trực tiếp vào lợi nhuận gộp, đã có dấu hiệu tăng lên (khoảng 3%). Điều này cho thấy DHG đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát chi phí sản xuất, hoặc phải đối mặt với giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.
Trong khi doanh thu giảm, DHG lại đang “ôm” một lượng hàng tồn kho khá lớn. Tính đến cuối năm 2024, giá trị hàng tồn kho ở mức 1.117 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ so với con số 1.538 tỷ đồng của năm trước. Tồn kho nhiều không chỉ “giam” vốn lưu động mà còn làm tăng chi phí bảo quản, lưu kho và rủi ro hàng hóa bị hết hạn sử dụng, hư hỏng hoặc giảm giá.
Các khoản phải thu khách hàng của DHG cũng đang ở mức cao, ghi nhận con số 556,9 tỷ đồng. Việc "nới lỏng" chính sách kích cầu cho khách hàng có thể giúp DHG tăng doanh số, nhưng đồng thời cũng làm tăng rủi ro thanh toán chậm hoặc không thanh toán được.
Dù Dược Hậu Giang đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi nhưng vẫn cần phải theo dõi sát sao biến động của các khoản nợ này, để có biện pháp xử lý kịp thời khi rủi ro nợ xấu ập đến.
Ngoài những vấn đề trên, DHG còn đang phải đối mặt với một số thách thức khác như gánh nặng chi phí lãi vay. Nợ lớn, lãi vay không ngừng ăn sâu vào lợi nhuận, khiến bài toán tối ưu hóa hiệu quả hoạt động DHG càng trở nên khó khăn hơn.
Hậu kiểm tra thuế, bị phạt nặng
Theo hồ sơ, vào ngày 15/10/2024, Cục Thuế thành phố Cần Thơ đã ban hành quyết định tiến hành kiểm tra thuế tại Dược Hậu Giang. Đến ngày 3/12/2024, Đoàn kiểm tra của Cục Thuế đã lập biên bản ghi nhận nhiều vi phạm hành chính của DHG.
Cục Thuế thành phố Cần Thơ sau đó đã quyết định xử phạt hành chính về thuế đối với Dược Hậu Giang do đã khai sai, dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp theo quy định.
Cụ thể, Dược Hậu Giang bị phạt 842.963 đồng vì hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế giá trị gia tăng phải nộp, với mức phạt 20% trên số thuế thiếu. Ngoài ra, công ty còn bị phạt 71,6 triệu đồng do khai sai dẫn đến thiếu thuế thu nhập cá nhân.
Cục Thuế thành phố Cần Thơ cũng yêu cầu Dược Hậu Giang nộp đủ số tiền thuế giá trị gia tăng khai thiếu là 4,2 triệu đồng và thuế thu nhập cá nhân khai thiếu là 358,1 triệu đồng. Tổng cộng, Dược Hậu Giang phải truy thu và nộp phạt hơn 434,8 triệu đồng.
Cục Thuế Cần Thơ cho biết thông báo quyết định xử phạt đã được giao cho ông Toshiyuki Ishii, Tổng Giám đốc của Dược Hậu Giang, để thực hiện. Thời hạn khắc phục hậu quả đối với công ty là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Nếu quá thời hạn mà công ty không tự nguyện thực hiện, sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Vào ngày 4/12/2024, tức một ngày sau khi nhận quyết định xử phạt, đại diện Dược Hậu Giang có công bố thông tin thừa nhận hành vi vi phạm và cho biết đây là thiếu sót trong quá trình kê khai thuế, chủ yếu liên quan đến thuế thu nhập cá nhân do điều chỉnh các khoản giảm trừ gia cảnh của cá nhân ủy quyền. Dược Hậu Giang cam kết thực hiện nghiêm chỉnh quyết định của Cục Thuế thành phố Cần Thơ.
Mặc dù, Dược Hậu Giang đã thừa nhận hành vi vi phạm và cam kết thực hiện nghiêm túc quyết định xử phạt, nhưng điều này vẫn có thể gây ảnh hưởng đến lòng tin của đối tác và người tiêu dùng, đặc biệt là trong ngành dược phẩm, nơi yêu cầu tính minh bạch và chính xác cao.
Những năm gần đây, Dược Hậu Giang đã khẳng định vị thế là một trong những nhà thầu lớn trong hoạt động đấu thầu thuốc, khi liên tục trúng nhiều gói thầu giá trị cao tại các bệnh viện trên cả nước.
Riêng trong năm 2024 và đầu năm 2025, doanh nghiệp này đã trúng hàng trăm gói thầu cung cấp thuốc, trong đó có nhiều gói trị giá hàng tỷ đồng.
Tiêu biểu là gói thầu thuốc generic thuộc dự toán mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024-2025, trị giá hơn 1,7 tỷ đồng; gói thầu thuốc generic trong đấu thầu rộng rãi qua mạng lần 4, giai đoạn 2024-2026 (gói số 1) tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trị giá hơn 4,2 tỷ đồng; gói thầu thuốc generic thuộc dự toán lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc giai đoạn 2024-2025 tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), trị giá hơn 2 tỷ đồng; gói thầu số 1 thuốc generic tại Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng (Thái Bình), trị giá hơn 1,4 tỷ đồng...
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chi cục Hải quan khu vực II vừa ban hành quyết định dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hoàng Anh Phong (TP Hồ Chí Minh).
Minh Nghĩa
(Thanh tra) - Cổ phiếu VAF của Công ty Cổ phần Phân lân Nung chảy Văn Điển (Phân lân Văn Điển) sẽ bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 20/3/2025, theo thông báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE).
Đông Hà
Bùi Bình
Hà Anh
Phúc Anh
Nguyễn Điểm
Trần Kiên
Trần Lê
Minh Nghĩa
Văn Thanh
T. Minh
PV
PV
Phương Anh
TL
Hương Trà
T. Minh
Hương Giang