Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Doanh thu trăm nghìn tỷ, Tập đoàn DOJI của ông Đỗ Minh Phú mở rộng hoạt động sang lĩnh vực địa ốc

Thứ hai, 21/02/2022 - 15:50

(Thanh tra) - Sau hàng loạt thương vụ thâu tóm để mở rộng hệ thống phân phối, DOJI trở thành doanh nghiệp kinh doanh vàng, bạc, đá quý có doanh thu cao nhất thị trường, cán mốc 100.000 tỷ đồng trong năm 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận của DOJI chưa tới một nửa so với PNJ - doanh nghiệp có quy mô doanh thu chỉ bằng 1/5.

Tập đoàn trăm nghìn tỷ nhưng lãi bèo?

Tập đoàn DOJI tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD, thành lập năm 1994.

Năm 2007, công ty này chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý & Đầu tư thương mại DOJI.

Những năm cuối thập niên 90, khi ngành khai thác đá quý còn chưa được chú ý, DOJI nổi lên là đơn vị tiên phong về hoạt động này để xuất khẩu. TTD chính là doanh nghiệp đi đầu trong hoạt động chuyên sâu về khai thác đá quý, chế tác cắt mài và xuất khẩu đá quý ra thị trường quốc tế, vốn là một lĩnh vực vô cùng mới mẻ tại Việt Nam, trở thành công ty đầu tiên đưa ra thị trường quốc tế sản phẩm đá Ruby sao Việt Nam với thương hiệu Việt Nam Star Ruby - VSR.

Từ năm 1994, DOJI phát triển không ngừng khi làm chủ nguồn nguyên vật liệu cung cấp từ các hoạt động khai thác mỏ, sau đó là việc chế tác cắt mài và sản xuất, mọi công đoạn đều tự vận hành, không thuê hay hợp tác từ bên ngoài. Trong những năm sau đó, công ty tập trung vào kinh doanh vàng miếng, trang sức, xuất nhập khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, mở rộng hệ thống những chuỗi trung tâm vàng bạc toàn quốc.

Giai đoạn 2006 - 2007, DOJI thâu tóm Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Hà Nội và SJC Đà Nẵng để trở thành công ty kinh doanh và phân phối vàng miếng lớn nhất cả nước. Vị thế ấy càng được củng cố khi tập đoàn của ông Đỗ Minh Phú hoàn tất thương vụ thâu tóm Công ty TNHH Thế giới Kim cương vào đầu năm 2020.

Theo giới thiệu trên trang chủ, DOJI đang sở hữu 15 công ty thành viên, 5 công ty liên kết góp vốn, 61 chi nhánh, gần 200 trung tâm, cửa hàng trải dài trên toàn quốc cùng với hơn 400 đại lý, điểm bán… tạo nên hệ thống phân phối sản phẩm phủ khắp hầu hết các vùng miền.

Những con số này giúp DOJI vươn lên trở thành doanh nghiệp đầu bảng trong lĩnh vực kinh doanh vàng, bạc, đá quý.

Kể từ năm 2016 đến nay, doanh thu của riêng công ty mẹ Tập đoàn DOJI tăng liên tục, vượt mặt hai ông lớn cùng ngành là: SJC và PNJ.

Năm 2016, tập đoàn của ông Phú ghi nhận doanh thu thuần gần 47.400 tỷ đồng. Con số này tăng lên gần 52.000 tỷ trong năm tiếp theo.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2019 - 2020, doanh thu của DOJI còn tăng đột biến hơn, với quy mô lần lượt 88.900 tỷ và lần đầu vượt mốc 100.000 tỷ đồng.

Kết quả này đến từ việc mở rộng hệ thống phân phối, mở rộng quy mô ngành hàng khi DOJI hoàn tất thâu tóm nhiều doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận của DOJI ở mức rất thấp nếu so với mặt bằng chung.

Nếu xét trên cùng một biểu đồ về doanh thu và lợi nhuận, con số lãi mà DOJI ghi nhận hàng năm gần như một đường đi ngang. Xét về tăng trưởng, lợi nhuận gia tăng tính bằng lần. Nhưng nếu so với quy mô doanh thu, tỷ lệ biên lợi nhuận chưa tới 0,5%.

Năm 2016, DOJI lãi ròng 14,3 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận trên doanh thu chỉ vỏn vẹn 0,03%.

Năm 2017 và 2018, con số này nhích lên 36 và 82 tỷ đồng.

Hai năm tiếp theo, lợi nhuận DOJI có sự tăng trưởng mạnh, đạt 150 tỷ và 440 tỷ đồng. Dù vậy, nếu so sánh với quy mô doanh thu năm 2020 ở mức 100.600 tỷ, tỷ suất sinh lời của doanh nghiệp đầu bảng về kinh doanh vàng, bạc, đá quý chỉ nhỉnh hơn 0,4%.

Trong khi đó, một doanh nghiệp có quy mô kém xa DOJI về doanh thu như PNJ, cùng kinh doanh trong lĩnh vực này, lại ghi nhận lợi nhuận quanh ngưỡng nghìn tỷ đồng từ năm 2018 đến nay.

Tham vọng địa ốc của ông chủ DOJI

Bên cạnh vàng bạc đá quý, DOJI còn có mối quan tâm đặc biệt với lĩnh vực bất động sản, điều thường thấy với những đại gia nổi lên từ các hoạt động kinh doanh khác.

Dấu mốc cho việc lấn sân sang bất động sản là tập đoàn này đã lập ra Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Doji Land (Doji Land) từ năm 2014.

Không chỉ Doji Land, những năm sau đó, DOJI còn một số thành viên khác cũng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản như Công ty TNHH Bất động sản Blue Star, Công ty Cổ phần Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Địa ốc Châu lục, Công ty Cổ phần Khu du lịch Sinh thái Tam Đảo, Công ty Cổ phần Doji Land Hạ Long, …

Dự án giúp đưa tên tuổi của DOJI trong giới địa ốc phía Bắc phải kể đến tòa nhà Doji Tower tọa lạc tại số 5 Lê Duẩn, Hà Nội, cao 16 tầng và 3 tầng hầm với tổng diện tích sử dụng 18.883 m2 đang được DOJI và DOJI Land sử dụng làm trụ sở chính.

Tuy nhiên, dự án này chỉ là một trong số những dự án mà Doji theo đuổi.

Tập đoàn của ông Đỗ Minh Phú cũng tích lũy được quỹ đất ấn tượng ở nhiều địa phương. Tại các thành phố lớn, Doji hiện đang sở hữu nhiều tòa nhà có vị trí đắc địa như tòa nhà Ruby Plaza (số 44 Lê Ngọc Hân, Hà Nội), tòa nhà Ruby Tower (số 81-83-85 Hàm Nghi, quận 1, TP. HCM).

Ngoài ra, một số dự án khác trong danh mục của DOJI như Khu đô thị Nam Vĩnh Yên có tổng diện tích 65,6 ha, tổng số vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng; Dự án Tổ hợp căn hộ cao cấp và condotel tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh mang tên The Sapphire Residence và Best Western Premium Sapphire Ha Long với tổng diện tích 4,7 ha, tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng. Hay dự án nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có quy mô 220 ha, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Dù vậy, kết quả kinh doanh của mảng mới cũng trồi sụt không kém. Như DOJI Land, doanh thu và lợi nhuận chỉ thực sự đột biến trong ba năm gần đây nhưng lợi nhuận cũng vỏn vẹn vài chục tỷ đồng.

Minh Quân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm