Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Doanh nghiệp nợ thuế tại Hòa Bình: Chậm trả hay trốn tránh?

Hồng Bài

Chủ nhật, 20/03/2022 - 22:05

(Thanh tra) - Theo Cục Thuế tỉnh Hòa Bình, đến ngày 28/2/2022 có 101 doanh nghiệp còn nợ thuế với số tiền hơn 788,3 tỷ đồng, trong đó hơn 10 doanh nghiệp có số nợ lớn, thuộc diện “con nợ” chây ì, trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.

Công ty Cổ phần (CP) Cơ khí Lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 1 có trụ sở tại đường Lê Thánh Tông, phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình

Nhìn vào danh sách các doanh nghiệp, tổ chức còn nợ tiền thuế tính đến ngày 28/2/2022 do Cục Thuế tỉnh Hòa Bình công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, những “con nợ” lớn đều đã có “thâm niên” của ngành Thuế tỉnh Hòa Bình.

Theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Hòa Bình, trong số 101 doanh nghiệp còn nợ thuế, có những doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do đại dịch Covid-19, nhưng có những doanh nghiệp vẫn sản xuất, kinh doanh, nhưng cố tình chây ì, trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước trong nhiều năm liên tục.

Để thu hồi, xử lý nghiêm những doanh nghiệp, tổ chức chây ì, vi phạm pháp luật về thuế, mấy năm trước, Cục Thuế Hòa Bình chỉ ban hành thông báo đôn đốc doanh nghiệp trả nợ và ngừng sử dụng hóa đơn. Nay, Cục Thuế sẽ thực hiện quyết liệt hơn. Đó là, tiến hành cưỡng chế nợ thuế gồm: Cưỡng chế tài sản 24 doanh nghiệp, tổ chức; ngừng sử dụng hóa đơn 28 doanh nghiệp; đề nghị thu hồi giấy phép 3 doanh nghiệp; đề nghị Sở Tài nguyên & Môi trường thu hồi đất 7 doanh nghiệp.

Qua tiếp cận một số doanh nghiệp có số nợ thuế lớn, cho thấy, phần lớn những “con nợ” này đang nằm trong tình trạng “vườn không nhà trống”, chủ doanh nghiệp đã cao chạy xa bay hoặc đã thay đổi “chủ”.

Sau đây là một số thông tin, hình ảnh về những con nợ lớn của Cục Thuế Hòa Bình.

Công ty Cổ phần (CP) Cơ khí Lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 1

Công ty Cổ phần (CP) Cơ khí Lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 1 có trụ sở tại đường Lê Thánh Tông, phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình.

Công ty này có vị thế mặt bằng khá lý tưởng cả về diện tích, mặt bằng, lại chung “vách” với Khu công nghiệp (KCN) Bờ trái Sông Đà. Tuy nhiên, hình ảnh hoạt động của các công ty trong KCN và Công ty CP Cơ khí Lắp máy Sông Đà lại khác nhau một trời một vực.

Các công ty trong KCN thì sôi động, công nhân tăng ca tăng kíp. Thu nhập của người lao động không ngừng được nâng cao. Ngược lại, Công ty CP Cơ khí Lắp máy Sông Đà lại đìu hiu, vắng vẻ. Trong khu sản xuất thỉnh thoảng mới có một vài chiếc xe ô tô vào bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ.

Theo thông tin chúng tôi biết được, nhiều năm nay văn phòng điều hành của công ty đã chuyển về Hà Nội, nhà xưởng được giao lại cho một số cá nhân thuê thầu.

Vì vậy, là “con nợ” lớn từ nhiều năm nay của ngành Thuế tỉnh Hòa Bình, nhưng để thu hồi được khoản nợ hơn 40,809 tỷ (đến cuối tháng 2/2022) thì Cục Thuế Hòa Bình phải có biện pháp quyết liệt, cứng rắn.

Với đà này thì những năm tiếp theo, số tiền nợ thuế của Công ty CP Cơ khí Lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 1 sẽ là bao nhiêu?

Công ty TNHH MTV Ngọc Thảo Hòa Bình

Công ty TNHH MTV Ngọc Thảo Hòa Bình nằm trên địa bàn xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, Hòa Bình.

Mỏ đá của Cty Ngọc Thảo là một trong số gần 40 mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường đang hoạt động trên địa bàn huyện Lương Sơn. Đây là mỏ đá có trữ lượng, chất lượng, quy mô sản xuất nằm trong “tốp đàn anh” của các mỏ đá trên địa bàn huyện Lương Sơn.

Những năm đầu, Công ty Ngọc Thảo thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Tuy nhiên, mấy năm gần đây do sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, công ty sản xuất cầm chừng, sản phẩm tiêu thụ chậm dẫn đến tình trạng nợ thuế.

Đến ngày 28/2/2022, Công ty Ngọc Thảo đã nợ tiền thuế lên đến 22, 48 tỷ đồng.

Công ty CP Khai khoáng SAHARA

Sử dụng gần 10.000 m2 đất bên bờ sông Đà thuộc phường Kỳ Sơn, TP Hòa Bình, Công ty CP Khai khoáng SAHARA có nhiều lợi thế trong sản xuất và kinh doanh, nhất là việc khai thác, tiêu thụ cát tự nhiên.

Không biết vì sao mấy năm nay, gần 10.000 m2 bãi tập kết cát bị bỏ hoang trở thành bãi chăn thả trâu bò của người dân địa phương. Lãnh đạo công ty đã “lặn biệt tăm”. Cả một khu nhà xưởng, bến bài đồ sộ chỉ còn một bảo vệ là người sở tại.

Đến đầu tháng 3/2022, Công ty CP Khai khoáng SAHARA còn nợ thuế hơn 4,2 tỷ đồng.

Với trường hợp này thì Cục Thuế Hòa Bình có áp dụng biện pháp nào đi chăng nữa cũng khó thu được nợ.

Công ty CP Thương mại và Dịch vụ An Thành

Một “con nợ” nữa không thể bỏ qua. Đó là Công ty CP Thương mại và Dịch vụ An Thành.

Đơn vị này có mã số thuế là 5499235774, ngành nghề chính là sản xuất thức ăn gia súc gia cầm và thủy sản. Tuy nhiên sau hơn 20 năm hoạt động (8/2005 - 3/2022), công ty này liên tục thay đổi “chủ”. Mấy năm nay, nhìn bề ngoài cho thấy, bộ mặt của Công ty An Thành đã có nhiều thay đổi. Trên cánh cổng chính của công ty không còn cái tên “An Thành”, thay vào đó là Nhà máy AT POW eR, sản phẩm chính là “Dầu nhớt số 1 của người Việt”.

Theo người dân ở trước cổng chính nhà máy thì số lao động làm trong nhà máy chỉ có khoảng 10 người. Nhà máy luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”.

Không biết Công ty An Thành làm ăn lỗ, lãi thế nào. Chỉ biết rằng đơn vị này đã nhiều năm không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Đến cuối tháng 2/2022, số tiền nợ thuế của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ An Thành đã gần 10,3 tỷ đồng.

Song hành cùng 4 doanh nghiệp trên là các đơn vị: Công ty CP Khoáng sản Hòa Bình (hơn 10,2 tỷ); Công ty TNHH MTV Bất động sản HASKY Hòa Bình (hơn 14,3 tỷ); Chi nhánh Công ty CP Đầu tư thương mại Hưng Long tỉnh Điện Biên (hơn 14,5 tỷ); Công ty TNHH MTV ĐT&PT Nông nghiệp Hà Nội (gần 10 tỷ); Công ty CP Yên Quang (gần 3,5 tỷ)… Phần nhiều các doanh nghiệp có số nợ thuế lớn đều trong diện: Có tên, có tuổi, có nhà nhưng không có chủ.                                                                      

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm