Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất thống nhất giá khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc

Thứ ba, 08/10/2019 - 06:31

(Thanh tra)- Bộ Y tế đang dự thảo thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.

Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất tăng giá khám bệnh BHYT lên mức từ 28.800 - 40.600 đồng/lần khám tùy từng hạng bệnh viện. Mức giá này hiện dao động từ 27.500 - 38.700 đồng/lần khám.

Giá dịch vụ ngày giường bệnh cũng được đề xuất tăng lên mức tối đa là 821.100 đồng/ngày đối với bệnh viện hạng đặc biệt (hiện nay là 782.000 đồng/ngày). Đối với bệnh viện hạng I, mức tối đa được đề xuất là 740.200 đồng/ngày (hiện là 705.000 đồng/ngày); bệnh viện hạng II là 632.100 đồng/ngày (hiện là 602.000 đồng/ngày).

Trong dự thảo Thông tư cũng có nhiều quy định nhằm hạn chế nằm ghép, lạm dụng kỹ thuật, xét nghiệm. Cụ thể, nếu cơ sở y tế có giường thực kê cao hơn 150% giường kế hoạch thì chỉ được cơ quan BHYT thanh toán cho cơ sở y tế bằng 90% tổng số tiền theo số ngày giường thực tế và mức giá quy định…

Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp: áp dụng mức giá bằng 50% giá ngày giường…

Trường hợp thực hiện nhiều can thiệp trong cùng một lần phẫu thuật thì thanh toán theo giá của phẫu thuật phức tạp nhất, có mức giá cao nhất. Các dịch vụ kỹ thuật khác phát sinh được thanh toán bằng 50% giá của các phẫu thuật phát sinh nếu kỹ thuật đó vẫn do một kíp phẫu thuật thực hiện; bằng 80% giá của các phẫu thuật phát sinh nếu kỹ thuật đó phải thay kíp phẫu thuật khác để thực hiện…

Cũng theo dự thảo Thông tư, các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thanh toán từ quỹ BHYT thì khung giá và thẩm quyền quy định mức giá thực hiện theo Luật Giá, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trước đó, vào tháng 8/2019, Bộ Y tế đã điều chỉnh giá viện phí theo lương cơ sở mới. Với quy định đưa chi phí tiền lương và phụ cấp vào viện phí, việc điều chỉnh dịch vụ y tế theo lương sẽ được thực hiện hằng năm.

Theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP, giá dịch vụ sự nghiệp công (bao gồm dịch vụ khám chữa bệnh sử dụng ngân sách Nhà nước) thực hiện điều chỉnh theo lộ trình năm 2016-2020 theo hướng từng bước kết cấu đủ chi phí vào giá dịch vụ.

Đến năm 2016, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý); đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương và chi phí quản lý (chưa tính kế hoạch tài sản cố định); đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương + chi phí quản lý + chi phí kế hoạch tài sản cố định.

Như vậy, việc điều chỉnh giá này đều chậm hơn lộ trình và đến thời điểm này Bộ Y tế mới có đưa ra dự thảo lấy ý kiến để đưa thêm chi phí thứ 6 (chi phí quản lý) vào giá khám chữa bệnh. 

Theo Bộ Y tế, việc tính đủ chi phí trong giá dịch vụ y tế không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây Nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá viện phí, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, việc tăng viện phí không ảnh hưởng đến người nghèo vì hiện nay các đối tượng nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công… đều đã được miễn phí mua thẻ BHYT và được BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh.

Đối với các bệnh viện tự chủ về tài chính, Nhà nước sẽ không cấp ngân sách cho các khoản này nhưng nếu Nghị định được ban hành, ngân sách Nhà nước sẽ không cấp nữa mà chi phí quản lý sẽ được tính vào giá dịch vụ y tế. Cụ thể như việc tính lương nhân viên y tế vào giá viện phí, năm 2018 ngành y tế đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 9.000 tỉ đồng. Số tiền tiết kiệm này sẽ được chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng (người bệnh) như hỗ trợ mua thẻ BHYT, hỗ trợ tiền đồng chi trả viện phí...

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm