Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đạt mục tiêu huy động vốn trên 600 nghìn tỷ đồng

Thứ sáu, 18/12/2015 - 07:58

(Thanh tra)- Với giải pháp và cơ chế chính sách hợp lý, Quảng Ninh đang là địa bàn có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Lễ khởi công Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long do Vingroup làm chủ đầu tư. Ảnh tư liệu

Để đạt mục tiêu huy động vốn đầu tư trong 5 năm tới (2015 - 2020) dự kiến từ 580 - 600 nghìn tỷ đồng, tỉnh Quảng Ninh đã xác định tập trung vào các giải pháp sau:

Đối với nguồn vốn ngân sách (bao gồm cả vốn ODA) dự kiến sẽ đáp ứng được 16,6% tổng nhu cầu vốn đầu tư. Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách hàng năm, chủ động xây dựng kế hoạch, phân kỳ đầu tư phù hợp để đảm bảo vốn cho các công trình, các dự án trọng điểm. Tranh thủ các nguồn vốn từ TƯ thông qua các chương trình phát triển và các cơ chế chính sách ưu đãi.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng hơn nhằm đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp (DN) Nhà nước, DN tư nhân, hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình... tham gia đầu tư phát triển kinh tế. Ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các nguồn lực đầu tư, chú trọng huy động nguồn vốn từ khai thác quỹ đất. Phấn đấu các thành phần kinh tế trong nước đáp ứng 46,8% tổng nhu cầu đầu tư toàn xã hội.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đáp ứng 36,6% tổng nhu cầu đầu tư còn lại thông qua các biện pháp xúc tiến đầu tư; chủ động tìm hiểu, tiếp cận và giới thiệu các dự án đến nhà đầu tư tiềm năng, tích cực tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Cải thiện môi trường đầu tư trước và sau khi cấp giấy phép; phấn đấu tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư FDI lên tối thiểu 60%. Bên cạnh đó, cần triển khai hiệu quả các nguồn vốn Nhà nước cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, các vùng đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu, các khu công nghiệp.

Để sử dụng hiệu quả nguồn tài chính đầu tư huy động trên, trước hết cần tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, cụ thể: Phải thu hút nguồn lao động có trình độ, tay nghề cao, tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo bởi đây là đối tượng có kinh nghiệm; đổi mới chính sách tuyển dụng, thu hút nhân tài (mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên 89%). Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Để nâng cao chất lượng lao động, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tỉnh và các cơ quan chức năng tập trung triển khai có hiệu quả quy hoạch phát triển nguồn lực, Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020”.

Để phát huy hiệu quả giá trị đất đai, phải thực hiện triển khai tốt quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đến năm 2020 trên nguyên tắc ưu tiên triển khai đất hiệu quả hơn theo phân bổ mục đích sử dụng nhằm đảm bảo công tác triển khai những dự án ưu tiên để không bị chậm trễ. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai cấp tỉnh, xây dựng bảng giá đất kịp thời, phù hợp. Cơ bản hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn tỉnh. Chủ động làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đảm bảo thuận lợi cho các nhà đầu tư, DN trong tiếp cận đất đai; phát huy hình thức đấu giá đất, tăng thu ngân sách gắn với quy hoạch phát triển đô thị; kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, các dự án vi phạm quy định pháp luật...

Thực hiện tốt các giải pháp và cơ chế chính sách hợp lý, kịp thời giải quyết các khúc mắc, rào cản trên lộ trình thì mục tiêu để tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp sau 5 năm tới là hoàn toàn khả thi.

Thế Lữ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm