Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chủ tịch Tổng Công ty đường sắt: “Tôi cho chạy tàu cũng sai, không chạy tàu cũng sai”

Thứ năm, 20/02/2020 - 13:41

(Thanh tra) - Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho hay, đến nay Tổng Công ty vẫn chưa nhận được dự toán ngân sách nên 1 vạn người không có lương và có thể phải dừng chạy tàu.

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Sáng ngày 20/2, Tổ Công tác của Thủ tướng đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng Công ty; nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giao các cơ quan, đơn vị nêu trên.

Vướng cơ chế, trên 1 vạn người không có lương

Tại đây, ông Vũ Anh Minh Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đường sắt cho hay, sau 1,5 năm không có người đại diện pháp luật thì tuần vừa rồi Tổng Công ty cũng đã hoàn thành công tác cán bộ.

Tuy nhiên, hiện nay, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đang gặp khó khăn khi đến nay vẫn chưa được giao dự toán ngân sách cho bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.

Theo Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, vướng mắc này không phải do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mà do cơ chế chính sách.

Ông Minh cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo lên Thủ tướng với 3 văn bản liên tiếp. Tổng Công ty cũng báo cáo lên Bộ, kể cả báo cáo “vượt cấp” lên Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Nói rõ hơn, theo vị Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, trước đây định kỳ hàng năm, trước 31/12, Bộ Giao thông Vận tải giao dự toán ngân sách về công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt để bảo đảm an toàn giao thông. Sau đó, Tổng Công ty ký hợp đồng đặt hàng công ích với 20 Công ty thành viên để bảo đảm an toàn chạy tàu gồm tuần đường, gác chắn, duy tu, bão trì...

Nhưng Tổng Công ty không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải mà chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nên không còn phù hợp khi áp dụng Điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước.

“Đến hôm nay Tổng Công ty vẫn chưa nhận được dự toán và trên 1 vạn con người không có tiền lương. Như thế chỉ có thể dừng tàu thôi. Nêu dừng tàu thì ảnh hưởng đến cả hoạt động sản xuất kinh doanh, cả an sinh, nhưng cho chạy tàu thì trái luật”, ông Minh nói.

Đến tháng 3 chưa có vốn thì buộc dừng chạy tàu

Theo ông Minh, hiện có mấy nghìn người đang làm tuần đường, gác chắn. Hàng ngày phải 6 lần đi tuần trên 3.059km đường sắt, gác chắn trên 1.500 km đường ngang và hơn 4 nghìn lối đi tự mở.

Khi tuần đường gác, chắn mà để xảy ra tai nạn thì lãnh đạo đơn vị đó có thể bị khởi tố. Nên không lẽ lại dừng tàu?

“Để đỡ trách nhiệm, với tư cách Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV, tôi ra văn bản vẫn làm, nếu có sai thì mình chịu chứ không để anh em chịu. Nhưng tôi ra văn bản cũng sai vì có ai giao cho tôi đâu. Chạy tàu cũng sai, không chạy tàu cũng sai”, ông Minh nói với Tổ Công tác của Thủ tướng.

Tiếp tục nêu khó khăn, ông Minh cho hay, vốn của các Công ty bảo trì chỉ 10-20 tỷ đồng nên không thể vay được ngân hàng vì có hợp đồng đâu mà vay.

“Tổng Công ty thấy khó quá nên tạm ứng cho vay một ít. Sau này kiểm toán vào kiểm toán thì chúng tôi cũng sai vì không có chức năng cho vay”, vị Chủ tịch HĐTV nêu và nhấn mạnh, đến đầu tháng 3 mà không được giải quyết vấn đề vốn thì buộc phải báo cáo Chính phủ cho dừng tàu vì không thể chạy được nữa.

Ông Minh nói rõ: Khó khăn này cực kỳ cấp bách rồi. Chúng tôi báo cáo lên tục, gặp từng đồng chí nhưng đến nay chưa được giải quyết.

“Do cơ chế chính sách nhưng tôi cho rằng, cơ chế không sinh ra con người, chỉ có con người sinh ra cơ chế, chính sách”, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đề nghị, Tổ Công tác báo cáo Thủ tướng để có cách thức giải quyết chứ nếu không buộc phải dừng tàu.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm