Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chia nhỏ số lượng cổ đông lớn, chống thao túng ngân hàng?

H. Giang - P. Hiếu

Thứ năm, 27/04/2023 - 06:36

(Thanh tra) - Siết mạnh sở hữu chéo, “sân sau” và lạm quyền cấp tín dụng cho một nhóm cổ đông ngân hàng là vấn đề thực tiễn đặt ra.

Một trong những mục đích sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là “tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo”. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Có thể nhờ đứng tên hộ cổ phần để “lách” luật

Luật Các tổ chức tín dụng hiện quy định cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ một tổ chức tín dụng, cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ một tổ chức tín dụng.

Đi liền với đó là quy định cổ đông và người có liên quan không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ một tổ chức tín dụng khác.

Dù vậy, theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, kiểm soát sở hữu của cổ đông lớn và người có liên quan “rất khó khăn”.

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Các tổ chức tín dụng gửi Chính phủ đề cập đến trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ cổ phần sở hữu để “lách” quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định, hoặc “lách” quy định về giới hạn cấp tín dụng về nhóm khách hàng liên quan, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan.

“Việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật”, Ngân hàng Nhà nước thông tin và cho rằng, sở hữu chéo dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch.

Trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Các tổ chức tín dụng, nhận diện các vướng mắc, bất cập, Chính phủ đề xuất sửa đổi luật này.

Một trong những mục đích được đưa ra là “tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo”.

Đề xuất giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần ngân hàng của cổ đông

Tại tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ đề xuất giảm tỷ lệ tối đa một cá nhân, tổ chức sở hữu cổ phần tổ chức tín dụng, lần lượt giảm là 2% và 5%.

Cụ thể, một cá nhân dự kiến không được sở hữu quá 3% vốn điều lệ một tổ chức tín dụng.

Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt theo phương án chuyển giao bắt buộc được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng tại công ty con, công ty liên kết; sở hữu cổ phần Nhà nước tại tổ chức tín dụng và sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một ngân hàng và người có liên quan được sở hữu tối đa 5% vốn điều lệ của ngân hàng khác.

Ngân hàng Nhà nước cho hay, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần trên để chia nhỏ số lượng cổ đông lớn, tránh quyền lực tập trung vào một số cổ đông lớn để thao túng hoạt động ngân hàng.

“Trường hợp các cổ đông cố tình che giấu hoặc lách quy định về sở hữu cổ phần thì việc giảm tỷ lệ cũng sẽ hạn chế hoặc gây khó khăn cho hiện tượng “nhờ người đứng tên hộ”, theo Ngân hàng Nhà nước.

Hạn chế rủi ro tập trung tín dụng

Chính phủ cũng đề xuất giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng để hạn chế tập trung tín dụng, “sân sau” của ngân hàng.

Theo đó, dư nợ cấp tín dụng tối đa với một khách hàng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10%, tính trên vốn tự có của ngân hàng.

Tổng dư nợ cấp tín dụng với một khách hàng và người có liên quan tối đa 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vĩ mô. Mức này giảm 10% so với quy định hiện hành (25%).

Tại tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng cũng được đề xuất giảm từ mức 25% vốn tự có xuống “không được vượt quá 15%”.

Mức dư nợ cấp tín dụng cho các đối tượng trên gồm cả tổng mức mua, đầu tư vào trái phiếu do khách hàng, người có liên quan của khách hàng đó phát hành. Nhưng không bao gồm các khoản cho vay từ nguồn vốn ủy thác của Chính phủ, của tổ chức, cá nhân mà tổ chức tín dụng nhận ủy thác không chịu rủi ro hoặc trường hợp khách hàng vay là tổ chức tín dụng khác.

Thủ tướng sẽ quyết định mức cấp tín dụng tối đa vượt quá các giới hạn vay trong trường hợp đặc biệt khi khả năng hợp vốn của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng đủ.

Dự thảo luật cũng đưa ra quy định về các trường hợp người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng không được đồng thời là người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng khác, doanh nghiệp khác; công ty con của ngân hàng không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, ngân hàng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính ngân hàng đó… để tránh xung đột lợi ích, sở hữu chéo.

Thanh tra Chính phủ có thể thanh tra tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Luật Các tổ chức tín dụng được đề xuất sửa đổi theo hướng bổ sung các quy định để tăng cường thanh tra, giám sát.

Bên cạnh kế thừa quy định hiện hành về “kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng”, dự thảo luật bổ sung thêm quyền cho Ngân hàng Nhà nước là “điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng theo quy định của pháp luật”.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định “Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật về thanh tra”.

Ngoài ra, trong phạm vi quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của mình, các bộ, cơ quan liên quan sẽ thực hiện kiểm tra, thanh tra, điều tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo thẩm quyền. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm