Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần tăng thuế đối với các sản phẩm đồ uống có đường

Thứ sáu, 22/06/2018 - 21:42

(Thanh tra) - Đây là thông tin được chia sẻ tại hội thảo công bố các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường để phòng, chống bệnh không lây nhiễm do Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp với WHO tổ chức ngày 22/6, tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo

Tiêu thụ gần 5 tỷ lít nước ngọt/năm

Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, tỷ lệ thừa cân, béo phì tại Việt Nam đang gia tăng nhanh, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ béo phì tăng nhanh từ 0,6% năm 2000 lên 5,3% năm 2015.

Số liệu thống kê năm 2010 cũng cho thấy tỷ lệ béo phì đối với trẻ em ở thành phố từ 5 - 19 tuổi cũng khá cao (18,2%), đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh rất cao (34,5%).

Theo điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, sau 10 năm (từ năm 2002 - 2012, tỷ lệ bệnh đái tháo đường tăng lên 2 lần (từ 2,7% lên 5,4%). Việc chăm sóc, điều trị cho những người mắc bệnh đái tháo đường suốt đời sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế.

Theo ông Bắc, hiện người Việt tiêu thụ gần 5 tỷ lít nước ngọt trong mỗi năm (dự kiến năm 2018 tăng lên hơn 5 tỷ lít nước ngọt), tỷ lệ tiêu thụ theo đầu người đã tăng lên nhanh chóng, gấp 7 lần trong 15 năm qua, mạnh nhất là trà uống sẵn và nước có ga, đồ uống thể thao, nước tăng lực và cuối cùng là nước ép trái cây.

“Trong khi đó, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, nhiều muối, nhiều đường, chất béo, ăn ít rau và trái cây, lười vận động là các yếu tố làm tăng các bệnh không lây nhiễm hiện nay trong đó mức tiêu thụ đồ uống có đường tăng nhanh nhất ở các nước phát triển. Đồ uống có đường rất đa dạng và được trẻ em yêu thích, khiến việc tiêu thụ sản phẩm này tăng nhanh”, ông Trương Đình Bắc nhấn mạnh.

Theo đại diện Viện Dinh dưỡng quốc gia, đồ uống có đường mang lại cảm giác sảng khoái, ăn ngon miệng hơn và ăn được nhiều hơn, nhất là các đồ nướng, rán. Tuy nhiên, sử dụng đồ uống có đường sẽ dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh không lây nhiễm: Thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, loãng xương gây ra những biến chứng nặng nề như tim mạch. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay (chiếm 33/73% nguyên nhân tử vong hàng năm).

Trong một ngày nếu đứa trẻ chỉ uống một lon nước ngọt khoảng 330ml thì đã hấp thu lượng lượng đường vượt quá ngưỡng khuyến cáo rất nhiều. 

Theo WHO, một chế độ ăn uống trung bình hàng ngày có chứa 2.000 kcal, 10% tổng lượng kcal tương đương với 50 gr đường tự do hoặc 12,5 muỗng cafe đường. 

WHO khuyến cáo cần giảm lượng tiêu thụ đường này xuống dưới 5% tổng kcal tiêu thụ mỗi ngày (25 gr). 

Lứa tuổi 13-17 tiêu thụ đồ uống có ga nhiều nhất

Nếu trong ngày đứa trẻ uống 1 lon nước ngọt thì đã hấp thu lượng lượng đường vượt quá ngưỡng khuyến cáo rất nhiều. Một lon nước ngọt khoảng 330 ml chứa khoảng 36 gr đường tự do. Các nghiên cứu cũng cho thấy lứa tuổi 13 - 17 tiêu thụ nước uống có ga nhiều nhất.

Theo điều tra mức sống hộ gia đình năm 2014, trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày), cao gần gấp đôi so với mức nên tiêu thụ là dưới 25g/ngày theo khuyến cáo của WHO.

Tại hội thảo các chuyên gia y tế, các nhà khoa học trong nước và quốc tế cũng đã thảo luận và đưa ra các khuyến cáo đối với việc kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường nhằm hạn chế thấp nhất các bệnh không lây nhiễm như: Giảm tiêu thụ lượng đường tự do trong suốt cuộc đời cả ở người lớn và trẻ em xuống dưới 10% tổng năng lượng ăn vào.

Truyền thông giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng đồ uống có đường ở mức vừa phải. Kiểm soát quảng cáo các sản phẩm có đường cho trẻ em và học sinh đặc biệt trong trường học.

Tăng thuế đối với các sản phẩm đồ uống có đường và hạn chế lạm dụng để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng…

TS Jun Nakagawa, Phó trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam khuyến cáo, để giảm mức tiêu thụ quá nhiều đường và ngăn nạn dịch béo phì, tiểu đường, Việt Nam cần đánh thuế đồ uống có đường. Đây là biện pháp hiệu quả nhằm giảm tiêu thụ đường. Bằng chứng cho thấy đánh thuế vào đồ uống có đường làm tăng giá đồ uống lên 20% sẽ đem lại kết quả giảm lượng tiêu thụ khoảng 20%.

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm